Kantar: FMCG tăng trưởng hai chữ số trong nửa đầu năm 2020
Trong báo cáo mới nhất FMCG Monitor 6/2020, Kantar đã tổng hợp và cập nhật những xu hướng mới nhất để cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về thị trường FMCG ở thành thị 4 TP chính và Nông thôn Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có những thông tin cập nhật về tác động của COVID-19 lên hành vi của người tiêu dùng, với hy vọng mang lại cho doanh nghiệp và nhà sản xuất những định hướng tốt nhất cho sự phát triển.
1. Tình hình COVID
Các nước ở khu vực Châu Á đang dần chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, ngoại trừ Indonesia, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam với sự ghi nhận trở lại của các ca dương tính, thậm chí là tử vong. Báo hiệu nguy cơ tái bùng phát đại dịch trong những tháng tiếp theo.
Với diễn biến hiện tại của COVID-19, nhiều khả năng đời sống của người tiêu dùng và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
2. Các chỉ số kinh tế
Tăng trưởng GDP chậm lại trong nửa đầu năm 2020. Sự phục hồi của nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều thách thức, với mục tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh ở mức 3,8%.
3. Toàn cảnh thị trường FMCG
Chi tiêu FMCG cho tiêu dùng tại nhà ghi nhận tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 3 và tháng 4 chủ yếu do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh khủng hoảng sức khoẻ, người tiêu dùng mua sắm với giỏ hàng lớn hơn do nhu cầu tích trữ hàng hoá, nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng hai chữ số của thị trường FMCG. Dù vậy, thị trường FMCG được dự đoán sẽ trở lại bình thường với mức “tăng trưởng 1 chữ số” khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.
4. Ngành hàng tiêu biểu
Hầu hết các ngành hàng đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là ngành hàng Sữa, sản phẩm từ sữa và Thực phẩm đóng gói. Ngoại trừ ngành hàng Đồ uống vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội.
5. Kênh mua sắm
Kênh tạp hoá vẫn đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng FMCG. Tuy nhiên, Siêu thị & đại siêu thị và các Kênh mua sắm mới nổi ngày càng quan trọng hơn.
6. Tiêu điểm
Tác động từ COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng lên hầu hết các kênh mua sắm cho tiêu dùng ngoài nhà (OOH), hệ quả từ các biện pháp hạn chế tiếp xúc ở thời điểm dịch bùng phát, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của kênh giao hàng đang bình thường trở lại sau mức tăng trưởng “hiện tượng” vào thời điểm giãn cách xã hội.
Những nghiên cứu này được dựa trên Worldpanel FMCG. Kantar theo dõi thói quen mua hàng tiêu dùng tại nhà của các hộ gia đình đại diện cho nhân khẩu học trên khắp 4 Thành phố chính (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam, trên hơn 130 danh mục hàng tiêu dùng nhanh, được chia làm 5 ngành hàng chính: Sữa và sản phẩm từ sữa, Thức uống, Thực phẩm đóng gói, Sản phẩm chăm sóc cá nhân, Sản phẩm chăm sóc gia đình.
Kantar là chuyên gia toàn cầu về dữ liệu, nghiên cứu và tư vấn cho doanh nghiệp. Bằng việc kết hợp giữa khả năng thấu hiểu con người cộng với những công nghệ tân tiến, 30.000 nhân viên của Kantar giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới thành công và phát triển.