Về với chủ mới, các thương hiệu lớn tuổi vươn mình trở lại
Sữa Mộc Châu, sá sị Chương Dương, Bột giặt NET, HAGL… những thương hiệu nhiều năm làm ăn không hiệu quả, nay được hồi sinh dưới tay các đại gia bán lẻ.
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk (thành lập năm 1958) đã cải thiện mạnh từ 17,7% lên 28,9% trong nửa đầu năm nay. Lợi nhuận sau thuế tăng 41% lên 106 tỉ đồng. Kết quả này của Mộc Châu Milk giúp công ty mẹ là Vilico (sở hữu 51%) cũng có lãi 116 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc Vinamilk cũng được hưởng lợi từ những kết quả kinh doanh tích cực của Mộc Châu Milk. Những chính sách Vinamilk thay đổi ở Mộc Châu Milk đã tỏ ra có hiệu quả.
Vào cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất mua 75% vốn GTN foods (GTNFoods với sở hữu 73,7% Vilico). Sau khi tiếp quản GTN foods, Vinamilk đã tiến hành tái cấu trúc, thoái vốn ngoài ngành và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk.
Cụ thể, Công ty tập trung đẩy Mộc Châu Milk ở khía cạnh hoạt động hiệu quả: giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối. Các sản phẩm công ty này đang phát triển chủ yếu là sữa tươi, tiếp theo là sữa chua ăn, sữa chua uống. Trong tương lai, đơn vị sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm sữa tươi mới, thay đổi bao bì.
Về thị trường, Mộc Châu Milk vẫn tập trung ở miền Bắc do dư địa còn rất lớn. Khi đã phát triển mạnh ở miền Bắc, doanh nghiệp sẽ lấn sân tới khu vực miền Trung và Nam với tầm nhìn vài năm tới.
Kỳ vọng của “ông lớn” ngành sữa Việt Nam đối với dự án này là tăng nhận diện thương hiệu Mộc Châu Milk không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Trung và Nam, làm tiền đề phát triển thương hiệu Mộc Châu đồng hành cùng thương hiệu Vinamilk. Ngoài ra, trong chiến lược 3-5 năm tới, Vinamilk cũng xem xét xây thêm nhà máy mới cho Mộc Châu Milk do nhà máy hiện tại quy mô khá nhỏ và đã chạy 80-90%.
Sá xị Chương Dương “thoát lỗ dài hạn”
Thương hiệu Chương Dương (ra đời năm 1952) từng là niềm tự hào và là biểu tượng của ngành nước giải khát Sài Gòn những năm 80-90. Chính sách mở cửa của thị trường, sự tràn ngập của các hãng nước giải khát thương hiệu ngoại, cộng với ngủ quên trên chiến thắng, Chương Dương ngày càng sa sút và nhiều năm liền chứng kiến doanh thu sụt giảm mạnh. Chương Dương dù qua nhiều đời lãnh đạo cấp cao được lựa chọn thay thế nhưng vẫn không thể trở lại thời hoàng kim.
Sau khi đại gia Thái mua lại Sabeco (Công ty mẹ Chuơng Dương) đã bắt đầu có những chính sách thay đổi với mong muốn đưa Chuơng Dương trở lại đường đua. Theo Bào cáo mới nhất trong quý II/2020, Chương Dương có doanh số gần 42 tỉ đồng và khoản lãi ròng hơn 1 tỉ đồng. Khoản lãi này tuy nhỏ, nhưng xét trong bối cảnh nửa đầu năm nay do dịch bệnh hoành hành, hàng loạt công ty lỗ nặng, thậm chí phá sản thì đó là một tín hiệu tích cực. Từ cuối 2019 đến nay, Chương Dương liên tục báo lãi, trong khi giai đoạn trước đây lỗ triền miên.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019 của Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sá xị Chương Dương đạt doanh thu thuần 267 tỉ đồng năm qua.
So với cùng kỳ 2018, doanh thu của Sá xị Chương Dương giảm 4%. Đối chiếu theo mục tiêu kế hoạch, kết quả doanh thu của công ty mới đạt 80%. Tuy nhiên, nhờ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp, lãi gộp của Chương Dương vẫn tăng trưởng 6%, đạt 69 tỉ đồng. Sá xị Chương Dương nhờ kiểm soát chặt chi phí nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sá xị Chương Dương năm 2019 đạt 22 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ 2018.
Sau khi hạch toán thu nhập, chi phí khác và thuế, công ty báo lãi ròng 17 tỉ đồng, vượt 70% mục tiêu lợi nhuận 2019. Lợi nhuận của Chương Dương không phải con số quá lớn nhưng so với nhiều năm qua thì đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Chẳng hạn như năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Sá xị Chương Dương chỉ vỏn vẹn 6 tỉ đồng.
Bột giặt NET “trở mình” thành công
Về với Masan chỉ vài tháng nhưng Công ty bột giặt NET (thành lập 1968) đã cho thấy tình hình kinh doanh cải thiện rõ rệt.
Trong 3 tháng qua, Bột giặt NET ghi nhận doanh thu 369 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2019. Hiệu quả kinh doanh của công ty cũng cải thiện rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 19% lên 23%.
Tổng chi phí trong kỳ của doanh nghiệp chỉ tăng 16%. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Bột giặt NET tăng trưởng mạnh 121%, đạt 42 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Bột giặt NET trong một quý từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính vào năm 2009.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty con của Masan đạt doanh thu 726 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 74 tỉ. So với kỳ kế toán bán niên 2019, hai chỉ tiêu này của công ty tăng lần lượt 36% và 111%.
Hồi tháng 2, Tập đoàn Masan thông qua công ty con Masan HPC hoàn tất mua lại Bột giặt NET khi chi khoảng 550 tỉ đồng để sở hữu 52% cổ phần của hãng bột giặt này với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá doanh nghiệp khoảng 46 triệu USD.
Thị phần hiện tại của NETCO trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Đây là con số tương đối khiêm tốn nếu so sánh với các đại gia ngoại như Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble (P&G) với 16% thị phần.
HAGL: giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Chiều 26/6, tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (thành lập năm 1990), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nhận được nhiều chất vấn về hướng đi của tập đoàn trong năm 2020 và giai đoạn sắp tới. Ông Đức cũng thừa nhận “Công ty đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, con đường tươi sáng đã xuất hiện”.
Theo kế hoạch HĐQT thông qua, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 5.082 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với con số 2.075 tỉ đồng của năm 2019. Nguồn thu chủ yếu đến từ mảng cây ăn trái dự kiến mang lại 4.672 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 92% trong cơ cấu doanh thu. Chuối tiếp tục là sản phảm chủ lực với doanh thu kế hoạch 4.187 tỉ đồng. Thị trường tiêu thụ chuối của doanh nghiệp lấy Trung Quốc làm nền tảng đồng thời từng bước xâm nhập các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu.
Cũng tại đại hội, Hoàng Anh Gia Lai và Thaco, chia sẻ hai bên đã nhìn thấy và đủ tự tin để chia sẻ về định hướng thời gian tới. Mảng cây ăn trái theo đó sẽ lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng xuất khẩu (80% tỷ trọng), bởi ở đây nhu cầu cực kỳ lớn và tiêu thụ tất cả từ xấu đến tốt, dĩ nhiên theo từng phân khúc sẽ có mức giá tương ứng. Trong đó, HAGL Agrico và THADI có đủ số lượng để “nắm cán” cuộc chơi, xuất hàng vào những thị trường lớn như Thượng Hải, bán buôn cũng thông qua các đại lý lớn mà không làm việc với các con buôn lẻ tẻ.
Tính đến nay, diện tích trồng chuối của HAGL Agrico xấp xỉ 10.000ha, chiếm khoảng nửa tổng diện tích trồng cây ăn trái của công ty (18.305ha), đóng góp doanh thu chủ lực. Bên cạnh đó các loại trái cây có giá trị kinh tế cao như mít, xoài, bơ, sầu riêng... cũng đến tuổi thu hoạch. Năm 2020 HAGL Agrico đặt mục tiêu tăng lên 15.000ha chuối, cùng với 5.000ha xoài, 5.000ha thanh long, 5.000ha bưởi, sầu riêng 1.000ha ở Campuchia… như vậy, thế mạnh nông sản của HAGL Agrico hiện nay là sản lượng, và đất trồng.
Điểm sáng giữa cao điểm dịch COVID-19 đợt 1, khi việc xuất khẩu gần như tê liệt, HAGL Agrico vẫn đều đặn lăn bánh đội xe container từ trang trại chuối ở Ratanakiri đến cửa khẩu Việt Nam – Campuchia. Không sử dụng nhân lực, Công ty đã tính toán để khi xe chở hàng quay đầu và lùi đuôi xe chứa công hàng đến đúng cột mốc số 0; thì sẽ có một đội xe công rỗng từ kho ở Việt Nam cũng đã quay đầu ở cột mốc số 0, móc khoá vào container và kéo hàng về Cát Lái. Việc bán hàng xuyên suốt không những đem giá trị về cho doanh nghiệp, mà bản thân nhân viên cũng được nhận thưởng giữa đại dịch, dù giá bán có giảm và không đúng với kỳ vọng.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư