Con đường sa lầy của cha đẻ 'nhảy cùng Izzi'
Từ "đại gia" làng sữa, Hanoimilk sa lầy khó khăn và trở thành doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bấp bênh, không biết tồn tại được đến khi nào.
Tin đồn bị thâu tóm mang “vàng” tới cho cổ đông
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét bị thâu tóm là điều vô cùng đau xót đối với các thương hiệu. Tuy nhiên, có những trường hợp lại mong được ai đó mua lại vì quá khó khăn. Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) là trường hợp như vậy.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, khi thị trường rộ lên thông tin Hanoimilk đang có doanh nghiệp muốn thâu tóm, cổ phiếu HNM của Hanoimilk liên tục tăng giá. Thậm chí, HNM được xem là một trong các cổ phiếu có tốc độ đi lên mạnh nhất trên thị trường.
Cụ thể, suốt thời gian dài, HNM chỉ rập rình ở mức 4.000 đồng/CP. Nhưng sau khi có tin đồn bị thâu tóm, HNM có chuỗi 7 ngày tăng trần liên tiếp kể từ 3/6. Thêm 1 phiên tăng gần trần, HNM đã leo lên mức giá 7.800 đồng/CP, tăng 4.800 đồng/CP, tương ứng 95%.
Như vậy có nghĩa chỉ sau khoảng 1 tuần giao dịch, nhà đầu tư “lướt sóng” cổ phiếu này có thể kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ, gần 100%. Đây là điều không phải cổ phiếu nào cũng có thể làm được, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Đầu tháng 6, HNM được xem là cổ phiếu có khả năng sinh lời cao nhất.
Thị trường nhận định chính tin đồn thâu tóm đã mang lại “vàng” cho cổ đông HNM. Điều đó được thể hiện rõ qua khối lượng giao dịch. Trong suốt thời gian dài, HNM lình xình trên dưới mức giá 4.000 đồng/CP, lượng giao dịch chỉ khoảng vài ngàn đơn vị. Nhưng khi HNM bùng nổ theo tin đồn, lượng cổ phiếu HNM trao tay có thời điểm lên tới gần 700.000 đơn vị.
Điều đó cho thấy, lượng cổ đông tham gia “lướt sóng” HNM khi cổ phiếu tăng cao là tương đối lớn. Và chắc chắn, trong số họ, không ít người đã kiếm được “vàng”.
Tuy nhiên, sau chuỗi 8 phiên tăng điểm mạnh, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị mới lên tiếng phủ nhận tin đồn Hanoimilk bị thâu tóm. Vị lãnh đạo này khẳng định: "Chưa có bất kỳ tổ chức nào đặt vấn đề trực tiếp với tôi về chuyện thâu tóm, sáp nhập". Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết tin đồn này có từ vài năm nay chứ không phải bây giờ mới có.
Ông Tuấn cho biết thêm, do giá cổ phiếu Hanoimilk hiện đang ở mức thấp, dưới mệnh giá nên cũng không thể phát hành thêm cho đối tác bên ngoài. Các tổ chức khác nếu muốn đầu tư vào Hanoimilk cũng muốn mua lại toàn bộ hay sở hữu một lượng cổ phiếu lớn. Nếu thực hiện bán cổ phần vào thời điểm này sẽ gây bất lợi cho cổ đông cũ. Mặt khác, nhóm cổ đông lớn của Hanoimilk cũng không có ý định bán cổ phiếu.
Lời phủ nhận này của ông Tuấn khiến HNM có mấy phiên giảm sàn liên tiếp.
Tin đồn được tung ra đúng thời điểm Hanoimilk bắt đầu chiến dịch quảng bán sản phẩm mới khá rầm rộ. Điều đó khiến không ít người đã nghĩ tới khả năng Hanoimilk làm giá. Tuy nhiên, chẳng có bằng chứng nào khẳng định điều đó.
Hiện tại, vẫn chưa biết ai là người tung tin đồn này và với mục đích gì. Chỉ biết ông Tuấn khẳng định Hội đồng Quản trị, cổ đông lớn của Hanoimilk không liên quan đến biến động giá của Hanoimilk vừa qua.
Vì sao cổ đông mong Hanoimilk bị thâu tóm?
Một điều bất thường đã xảy ra với Hanoimilk. Đó là việc cổ đông mong công ty này được một ông lớn nhiều tiềm lực thâu tóm. Họ muốn ông lớn nào đó xuất hiện vực dậy công ty thoát khỏi vũng lầy khó khăn.
Thành lập từ năm 2001, Hanoimilk đã có chuỗi ngày thành công vang dội. Thậm chí, Hanoimilk liên tục nằm trong Top 3 các công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm giúp Hanoimilk gặt hái nhiều thành công chính là IZZI. Có thời kỳ, IZZI “làm mưa, làm gió” trên thị trường với TVC ấn tượng.
Tuy nhiên, chuỗi thành công vang dội tạm chấm dứt cho tới cuối năm 2008. Tại thời điểm này, “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, Hanoimilk trở thành tâm bão và chịu ảnh hưởng nặng nề. Người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu Hanoimilk, doanh thu sụt giảm, sản phẩm bị thu hồi hàng loạt… Công ty đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức.
Năm 2008, Hanoimilk lỗ 37,7 tỷ đồng. Năm 2009, công ty này có lãi dù khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế 2009 là 12,8 tỷ đồng. Tới năm 2010, Hanoimilk lại lỗ 22,7 tỷ đồng. Tình hình được cải thiện khi Hanoimilk lãi 2,1 tỷ đồng trong năm 2011. Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của công ty là 1,22 tỷ đồng. Hanoimilk thoát lỗ nhờ có lợi nhuận khác lên tới 12,6 tỷ đồng. Nếu không có khoản này, số lỗ của Hanoimilk sẽ là không nhỏ. Quý 1/2013 vừa qua, Hanoimilk báo lỗ ròng trước thuế là 1,3 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 6 trong 11 quý gần nhất.
Nhìn vào chuỗi kết quả kinh doanh từ năm 2008 của Hanoimilk có thể thấy, công ty hoạt động khá bấp bênh, không ổn định.
Nhiều người đổ lỗi “cơn bão melamine” khiến hoạt động của Hanoimilk đi xuống. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy. Chính đầu tư dàn trải góp “công lớn” khiến ông lớn ngành sữa không ngừng đi xuống.
Hanoimilk đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán,… Đầu tư vào lĩnh vực “nóng” trong khi thiếu hiểu biết về các lĩnh vực này nên Hanoimilk nhận trái đắng. Hanoimilk có nguy cơ mất trắng vốn đầu tư.
Hàng loạt chuyên gia được Ts Tuấn chiêu mộ để "chữa bệnh" cho doanh nghiệp, nhưng phần lớn các "bác sĩ công ty" đều lắc đầu với bút phê "bó tay".
Ai là ông chủ của Hanoimilk?
Không giống như nhiều công ty đại chúng khác, Hanoimilk không có cổ đông nắm giữ cổ phiếu với tỷ lệ áp đảo. Ví dụ, bầu Đức nắm giữ hơn 43% cổ phần tại Hoàng Anh Gia Lai, ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ 30,66% cổ phần tại Vingroup. Tại Hanoimilk, tỷ lệ cổ đông bên ngoài chiếm đa số. Vì vậy, cổ đông lớn nắm giữ cổ phần Hanoimilk có tỷ lệ không cao.
Intereffekt Investment Funds là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần Hanoimilk nhiều hơn hẳn các cổ đông cá nhân khác khi sở hữu 762.500 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 6,1%. Sau khi mua vào 100.000 cổ phiếu HNM trong năm 2012, ông Lê Thế Hùng chỉ đứng sau Intereffekt Investment Funds với 639.500 cổ phiếu (tỷ lệ 5,1%). Dù là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng ông Hà Quang Tuấn chỉ nắm giữ 625.000 cổ phiếu (tỷ lệ 5%).
Hanoimilk đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán,… Đầu tư vào lĩnh vực “nóng” trong khi thiếu hiểu biết về các lĩnh vực này nên Hanoimilk nhận trái đắng. Hanoimilk có nguy cơ mất trắng vốn đầu tư.
Đây là những gương mặt nắm giữ nhiều cổ phiếu của Hanoimilk. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số họ đều là nhưng ông chủ đầu tiên. Trước đó, khi sự cố melamine nổ ra, rất nhiều sếp lớn Hanoimilk lần lượt rũ áo ra đi. Những người ra đi tìm cơ hội mới trong ngành sữa. Họ thành lập và ít nhiều gặp hái được thành công với thương hiệu sữa Ba Vì và Love-in-Farm ngày nay.
Ts. Hà Quang Tuấn là người ở lại. Ông đang cố công gây dựng lại dòng sữa IZZI và xoá đi ấn tượng xấu về Hanoimilk. Hiện tại, Hanoimilk đang mạnh tay quảng bá cho sản phẩm “IZZI Ngon Công thức S+ Ưu Việt” dành riêng cho trẻ em Việt Nam từ 2 – 15 tuổi.
Tuy nhiên, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết giới marketing đang phân tích khả năng tái lập thành công của IZZI chỉ là 50:50. Chiến lược marketing này dựa vào Product Portfolio (cấu trúc sản phẩm) và PNL (chi phí & lợi nhuận) vẫn chưa có gì sáng sủa.
Ông Quang đánh giá, chiến lược mà một vị chuyên gia phân phối đưa ra vào năm 2011 là khả thi, nhưng không hiểu sao CEO Tuấn không giữ được nhân vật này.
Mặc dù Hanoimilk đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ông Quang cho rằng khi nào trẻ em còn hát câu đồng dao trong TVC thì IZZI vẫn còn hy vọng tìm lại ngày xưa.