Rót thêm tiền vào đơn vị vận hành ZaloPay, VNG báo lãi giảm 16% nửa đầu năm 2020
Trong 6 tháng đầu năm, VNG đã mạnh tay rót thêm hơn 300 tỷ đồng vào Zion trong khi tiếp tục giảm sở hữu tại Tiki về mức 22,23%.
CTCP VNG vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với doanh thu 1.546 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng 22,4% lên đạt gần 738 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 47,7%.
Chi phí bán hàng tăng tới 48% lên 384 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ gần 7% xuống 162 tỷ đồng. Kết quả, VNG báo lãi hợp nhất quý II 179 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 223 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, VNG ghi nhận 2.849 tỷ đồng doanh thu và 265 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tương ứng tăng 12,9% và giảm 16% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lại tăng hơn 17% lên mức 369 tỷ đồng.
Thời điểm cuối tháng 6, quy mô tổng tài sản của VNG đã tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 7.329 tỷ đồng chủ yếu do tăng số dư tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi từ 4.101 tỷ đồng lên 4.371 tỷ đồng, tương đương gần 60% tổng tài sản.
Giảm sở hữu tại Tiki, rót thêm vốn vào Zion
Đáng chú ý, ghi nhận trên BCTC riêng quý II/2020, VNG đã mạnh tay rót thêm vốn vào CTCP Zion (đơn vị quản lý, vận hành ví điện tử ZaloPay) khi nâng giá trị đầu tư tính đến hết tháng 6 lên gấp đôi thời điểm cuối năm 2019, đạt gần 715 tỷ đồng tuy nhiên tỷ lệ sở hữu vẫn được giữ ở mức 60%. Đây là công ty con duy nhất được VNG “bơm tiền” từ đầu năm 2020.
Cùng với đó, VNG cũng tăng trích lập đầu tư tài chính dài hạn vào Zion lên mức 371,4 tỷ đồng, tăng 75,8% so với đầu năm và tương đương 52% giá trị đầu tư.
Ở chiều ngược lại, VNG tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết là CTCP Ti Ki (đơn vị quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử Tiki) từ mức 24,25% vào cuối năm 2019 xuống chỉ còn 22,23% tại thời điểm 30/6/2020.
Cuối tháng 5/2020, Ti Ki đã tăng vốn điều lệ từ 191 tỷ đồng lên hơn 208,3 tỷ đồng với nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến từ nước ngoài, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại doanh nghiệp này lên mức 54,5%. Như vậy, nhiều khả năng VNG đã không tham gia vào đợt tăng vốn này của Tiki.
Nhìn lại khoản đầu tư của VNG vào Tiki, từ khi rót 17 triệu USD (tương đương khoảng 384 tỷ đồng) để đổi lấy 38% cổ phần từ tháng 5/2016, VNG đã liên tục ghi nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại sàn thương mại điện tử này.
Thanh Hà
Nguồn BizLive