Thế Giới Di Động thay đổi chiến lược kinh doanh trong tháng 6
Thế Giới Di Động đã quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống Điện Thoại Siêu Rẻ và mở thêm 121 cửa hàng Bách hoá Xanh trong tháng 6 vừa qua.
Lợi nhuận sau thuế giảm
Theo bản tin IR vừa được công bố, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 55.639 tỉ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.027 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.
6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động cũng gặp nhiều khó khăn vì vướng dịch COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Thế Giới Di Động đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch cả năm. Theo Thế Giới Di Động, doanh thu online chiếm hơn 9% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm. Nếu chỉ tính riêng Thế giới Di động và Điện máy Xanh, tỉ trọng doanh thu online của 2 chuỗi này đạt khoảng 11% (tương đương giai đoạn từ tháng 5-12/2019).
Kết thúc mùa cao điểm máy lạnh, doanh thu riêng tháng 6/2020 của Thế Giới Di Động giảm 8% so với cùng kỳ do sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng bắt đầu bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, Công ty vẫn nỗ lực bảo vệ được biên lợi nhuận ròng ở mức 3,7%, tương đương biên lợi nhuận ròng tháng 6/2019.
Công ty cho biết, lợi nhuận giảm do việc gián đoạn hoạt động tại hàng trăm cửa hàng trong tháng 4 để phối hợp chống dịch, việc đóng 30% cửa hàng cũng đúng tháng cao điểm kinh doanh hàng năm. Trong khi đó các chi phí hoạt động trọng yếu dù được điều chỉnh nhưng không thể cắt giảm hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội đã tác động đáng kể đến lợi nhuận.
Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh khách hàng đang thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh, Thế Giới Di Động đã chủ động đa dạng hoá danh mục sản phẩm với nhiều lựa chọn về nhãn hàng và mức giá hợp lý để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, song song với đó là tích cực đẩy mạnh nhóm sản phẩm có biên lợi nhuận gộp tốt như gia dụng, phụ kiện, đồng hồ, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp lũy kế 6 tháng đầu năm đạt trên 21% (tăng mạnh so với mức 17,8% cùng kỳ năm 2019), giúp Công ty bù đắp được tỉ lệ chi phí vận hành đang tăng lên (do tỉ trọng đóng góp doanh thu của Bách hoá Xanh ngày càng lớn) và duy trì biên lợi nhuận ròng luỹ kế 6 tháng đầu năm ở mức 3,6%.
121 cửa hàng Bách hoá Xanh ra mắt trong tháng 6
Tháng 6/2020, Bách hoá Xanh đã khai trương thêm 121 cửa hàng (trung bình 4 cửa hàng mới mỗi ngày). Xét theo chuỗi, Bách hoá Xanh có số lượng lớn nhất với 1.486 cửa hàng và doanh thu tăng 132%; trong khi đó doanh thu chuỗi Thế giới Di động giảm đến 15% trong nửa đầu năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đã tăng thêm 26 cửa hàng Điện máy Xanh, phần lớn do chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới Di động. Cuối tháng 6/2020, Công ty đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ do chưa đạt được hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng.
Trong các tháng gần đây, mục tiêu của Bách hoá Xanh là mở rộng mạnh mẽ, tăng cường độ phủ dày đặc nhằm nhanh chóng cải thiện công suất phục vụ của các kho/ trung tâm phân phối ở khu vực tỉnh, điều này dẫn đến doanh thu bình quân tính cho mỗi cửa hàng ghi nhận ở mức 1,1 tỉ đồng.
Trong đó, 40% cửa hàng đã hoạt động tối thiểu 12 tháng, bao gồm: các cửa hàng đã kinh doanh từ 18 tháng trở lên (khai trương trước ngày 1/1/2019) đạt doanh thu bình quân 1,4 tỉ đồng/cửa hàng; và các cửa hàng đã kinh doanh từ 12 đến dưới 18 tháng (khai trương trước ngày 1/7/2019) đạt doanh thu bình quân 1,3 tỉ đồng/cửa hàng.
60% số cửa hàng còn lại hoạt động dưới 12 tháng (khai trương từ tháng 7/2019 trở đi), chủ yếu ở các tỉnh mới, đi sâu vào nhiều tuyến huyện – tuyến xã ghi nhận mức doanh thu bình quân gần 1 tỉ đồng/cửa hàng. Tuy nhiên, chi phí vận hành các cửa hàng này cũng thấp hơn so với cửa hàng đang hoạt động tại các tỉnh thành lớn.
Bên cạnh việc tập trung phát triển thị trường tỉnh dẫn tới cơ cấu doanh thu trung bình có sự thay đổi, Bách hoá Xanh cũng đang chịu ảnh hưởng nhất định từ yếu tố mùa vụ (mùa mưa từ tháng 6), tác động tới nguồn cung thực phẩm cũng như tình hình tiêu thụ hàng hoá vào các khung giờ cao điểm buổi chiều tối.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư