Các hãng hàng không Việt chịu sức ép thua lỗ

Các hãng hàng không Việt chịu sức ép thua lỗ

Chưa kịp hồi phục sau đợt dịch COVID-19 đầu năm, các hãng hàng không lại bắt đầu đón nhận một đợt dịch mới.

Du lịch hè được xem là một cứu cánh cho các hãng bay và ngành du lịch. Tuy nhiên, một đợt dịch mới xuất hiện đang khiến nhiều hãng bay như ngồi trên đống lửa. Hy vọng cải thiện tình hình kinh doanh của các hãng bay ngày càng xa vời.

Vietnam Airline thua lỗ nặng

Vietnam Airline có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không như mong muốn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố, doanh thu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giảm 68% so với quý I, còn 6.000 tỉ đồng. Vietnam Airlines bị COVID-19 tác động nặng nề trong quý II khi không còn chuyến bay thương mại quốc tế và hạn chế khai thác nội địa trong giai đoạn giãn cách xã hội hồi đầu tháng 4.

Dù các chi phí bán hàng, tài chính, quản lý doanh nghiệp giảm mạnh... Vietnam Airlines vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 4.030 tỉ đồng trong quý II. Như vậy, luỹ kế 6 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia đã lỗ hơn 6.642 tỉ đồng.

Hồi giữa tháng này, lãnh đạo Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm nay giảm một nửa, còn 50.000 tỉ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỉ đồng. Do thâm hụt dòng tiền, hãng bay này đang đề nghị Chính phủ với vai trò chủ sở hữu hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỉ đồng, nếu không đến cuối 8 tháng sẽ rất khó khăn.

Các hãng hàng không Việt chịu sức ép thua lỗ

Ảnh: TL

Đến hết quý II, nguồn vốn của Vietnam Airlines khoảng 66.690 tỉ đồng, giảm 12,7% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tiếp tục giảm hơn 38%, xuống khoảng 11.428 tỉ đồng.

Sau 2 lần thông báo lùi phiên họp thường niên với lý do chưa hoàn thành các công tác chuẩn bị nội dung, Vietnam Airlines dự kiến tổ chức lại đại hội đồng cổ đông năm 2020 vào ngày 10/8.

Không chỉ Vietnam Airlines mà nhiều hãng hàng không gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Vietjet Air chưa có thông báo về kết quả kinh doanh quý II nhưng trong quý I vừa qua, hãng này ghi nhận mức doanh thu vận tải hàng không đạt 7.222 tỉ đồng, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước và mức lỗ 989 tỉ đồng.

Đây là lần đầu tiên hãng ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết. Hầu hết, các hãng đều trông chờ và kích cầu ở chặng bay nội địa. Tuy nhiên, với đợt bùng phát dịch mới diễn ra trong tuần qua, nhiều hãng hàng không như ngồi trên đống lửa.

Liệu các hãng hàng không có thể đi qua mùa dịch?

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, các hãng hàng không trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways đã khai thác tổng cộng 112.909 chuyến bay, giảm gần 32% so với cùng kì năm ngoái.

Các hãng hàng không Việt chịu sức ép thua lỗ

Ảnh: Internet

Riêng Bamboo Airways khai thác 13.938 chuyến; các hãng bay còn lại đều giảm số chuyến từ 31% đến 59%. Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này là Bamboo Airways mới bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 1/2019 với đội bay nhỏ, hiện nay số tàu bay của hãng đã tăng lên đáng kể.

5 hãng hàng không nước ta đã huỷ tổng cộng 797 chuyến, trong đó nhiều nhất là Vietnam Airlines với 634 chuyến, Vietjet Air 79 chuyến, Vasco 74 chuyến và Bamboo Airways 10 chuyến.

Hiện nay các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa được phép nối lại đường bay thường lệ quốc tế do lo ngại dịch COVID-19. Vietnam Airlines và Bamboo Airways từng thông báo kế hoạch bay quốc tế từ 1/7 nhưng đều không thành hiện thực.

Các hãng hàng không được phép tăng tần suất các chuyến bay (có thu phí) để đưa người Việt Nam ở nước ngoài hồi hương, đưa các nhà đầu tư, doanh nhân, nhà ngoại giao, chuyên gia, công nhân lành nghề… vào Việt Nam nhưng “chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam”, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tại một số tỉnh thành của Việt Nam đang gia tăng, các hãng bay đang gặp nhiều khó khăn và khó có thể hồi phục trong thời gian sắp tới.

Sơn Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư