Ông tổ Nestle khởi nghiệp từ nghề dược sĩ

Henri Nestlé trở thành huyền thoại của ngành thực phẩm dinh dưỡng không chỉ bởi những phát minh mà còn là quá trình tự vươn lên của một dược sĩ để khẳng định thương hiệu trên thương trường.

Từ nhỏ đến lúc ở đỉnh cao sự nghiệp, Henri Nestlé chưa từng qua một khóa học kinh doanh nào. Tất cả những gì ông có là kiến thức y khoa cùng sự nhạy bén thời cuộc. Từng bước chậm rãi, ông tổ Nestle tiến gần hơn với ước mơ bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức đã có, nắm bắt cơ hội và tạo dựng thương hiệu. Tên của ông và tên sản phẩm gắn liền, gây ấn tượng sâu sắc đến nỗi những người kế tục quyết định giữ nguyên tên “Farine Lactée Nestlé” sau khi ông bán đi công ty.

Ông tổ Nestle khởi nghiệp từ nghề dược sĩ

Sinh ra trong một gia đình tư sản tại Francfort-sur-le-Main, Frankfurt Đức, Henri Nestlé, tên thật là Heinrich Nestlé chịu những xáo trộn đầu tiên của cuộc đời khi cha mất vào năm 1838 và mẹ qua đời sau đó một năm. Những mất mát này ảnh hưởng lớn đến cậu thanh niên 19 tuổi nhưng bằng lý chí, Henri Nestlé lấy lại tinh thần, tiếp tục con đường học vấn ở Lausanne, Thụy Sĩ. Cùng năm này, ông được cấp bằng dược sĩ và hành nghề tại đây.

Những thành công trong sự nghiệp y khoa và kinh doanh sau này của ông tổ Nestle không thể thiếu vai trò của dược sĩ Marc Nicollier. Nhận thấy khả năng kinh doanh nhạy bén và ý chí vươn lên của cậu nhân viên, Marc Nicollier luôn tạo cơ hội để Nestlé tiếp cận và học hỏi những người có chuyên môn giỏi như dược sĩ nổi tiếng người Đức, Justus von Liebig. Nhờ các tài liệu giảng dạy của Liebig, Nestlé đã học được các phương pháp thí nghiệm hóa học hiện đại và dần được giới chuyên môn tại đây chấp nhận.

Ông tổ Nestle khởi nghiệp từ nghề dược sĩ

May mắn bắt đầu gõ cửa sự nghiệp của Henri Nestlé khi Marc Nicollier môi giới cho ông mua một cơ sở kinh doanh ở Vevey mang tên “En Rouvenaz”. Từ đây, cuộc phiêu lưu vào lĩnh vực kinh doanh của Nestlé được bắt đầu. Trước khi gây dựng thành công nhà máy Nestle, Henri đã trải qua nhiều công việc khác nhau như sản xuất thực phẩm, rượu, nước khoáng, nước giải khát, khí lỏng để thắp sáng… Những thành công, thất bại trong quãng thời gian này mang lại kinh nghiệm và các bài học quý giá cho ông tổ Nestle.

Đỉnh cao sự nghiệp của Nestlé chỉ đến khi ông nhận ra kinh doanh phải biết phối hợp với kiến thức dược khoa mình đã được học. Những phát minh nghiên cứu về sản phẩm dinh dưỡng được Henri nhen nhóm từ những năm 1860. Tuy nhiên, để sản phẩm đến với số đông người tiêu dùng, ông đã phải lao động không mệt mỏi. Từ khi phát triển ý tưởng đến lúc nghiên cứu sản xuất và cho ra đời sản phẩm, ông tổ hãng Nestlé đã mất một thời gian dài.

Những năm 60 thế kỷ 19, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong rất cao. Nguyên nhân chính do thiếu nguồn thực phẩm phù hợp, nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ đầy đủ. Nắm bắt được thực trạng này, ban đầu Henri nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm sữa đặc dành cho trẻ sơ sinh. Ngay sau đó, ông nhận ra nó chưa thích hợp và càng không thể trở thành thức uống hằng ngày của đối tượng này vì các chất cấu thành lên sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cao của trẻ sơ sinh.

Coi đây là thất bại bước đầu, ông kiên trì nghiên cứu sản phẩm mới chứa đầy đủ hơn các chất dinh dưỡng cần thiết và thành phần thích hợp. Khi các kết quả nghiên cứu đã chín muồi, Henri bắt đầu sản xuất sản phẩm này theo công thức khoa học và các tố chất dinh dưỡng hiện đại nhất thời bấy giờ để đảm bảo trẻ sơ sinh dễ tiêu hóa.

Năm 1867, bạn Henri đến nhà ông và bế theo một em bé sinh non. Em bé này không thể ăn bất cứ thứ gì, nôn liên tục, sức sống rất mong manh. Vị dược sĩ cho đứa trẻ bú thử loại bột ngũ cốc pha sẵn của mình. Thật kỳ diệu, đứa bé hồi phục rất nhanh chỉ sau vài ngày. Tiếng lành đồn xa, nhiều bà mẹ săn đón sản phẩm bột ngũ cốc của Nestlé. Sự khác nhau giữa công việc kinh doanh hiệu quả và kinh doanh tầm thường chính là việc nhà kinh doanh chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Nestlé cũng vậy, ông đã gây dựng được chữ tín bằng chính chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.

Tại thời điểm ấy, các chuyên gia về dinh dưỡng đánh giá phát minh của Nestlé không phải là khám phá mới mà là sự kết hợp chính xác những chất dinh dưỡng được biết đến lâu nay là tốt cho trẻ. Tuy nhiên, họ phải thừa nhận sáng kiến của ông thành công ở chỗ đã biến ý tưởng này thành hiện thực.

Tiếp bước khởi nghiệp thành công ngoài mong đợi này, cuối năm 1867, Henri Nestlé mạo hiểm thế chấp nhà cửa, vay vốn để thành lập công ty, sản xuất hàng loạt sản phẩm “Farine Lactée Nestlé”.

Cuối cùng, những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Nestlé chạm tay vào được giấc mơ của mình, công ty Societé Farine Lactée Henri Nestlé ra đời. Ông sử dụng tên của mình để xây dựng logo. Nestlé trong tiếng Đức có nghĩa là “Tổ chim nhỏ” và cũng là huy hiệu của gia đình ông - hình ảnh tổ chim với chim mẹ đang cho chim con ăn mồi. Biểu tượng này, thể hiện giá trị gia đình, tiếp tục được công ty sử dụng rộng rãi nhằm khơi gợi tình cảm yêu thương, an lành và sự quan tâm, chăm sóc.

Từ hệ thống phân phối nội địa, ban đầu, Henri Nestlé phát triển thành hệ thống phân phối đi các nước thông qua các đại lý và nhà phân phối. Sản phẩm “Farine Lactée Nestlé” đầu tiên được tung ra tại Thụy Sĩ, sau đó nhanh chóng xuất khẩu sang các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan…

Ba đặc điểm đầu tiên của sản phẩm mà Henri Nestlé nhắm đến là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ dàng pha chế và công thức dựa trên việc áp dụng các nghiên cứu khoa học. Chúng cũng là cơ sở để ông tiếp thị, phân phối và quảng cáo sản phẩm.

Chất lượng sản phẩm cùng tài tiếp thị bẩm sinh giúp sản phẩm bột ngũ cốc của Nestlé bán được hơn một triệu hộp tại 18 nước trên 5 châu lục, nhiều nhất là Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Nga, Áo trong vòng 8 năm (1867-1875).

Khi công việc kinh doanh bắt đầu ổn định, Nestlé dùng vốn đầu tư thêm vào nhà xưởng. Doanh số bán ra tăng vọt nhờ vào việc mở rộng thị trường tại Mexico, Argentina, Scandinavia và Indonesia. Tên Nestlé xuất hiện trong tất cả quảng cáo, bao bì bột ngũ cốc. Cuối năm 1874, do không thể một mình cáng đáng hết việc, Nestlé vạch kế hoạch giảm một phần công việc hoặc bán hết toàn bộ công ty. Sau đó, ông đã quyết định bán công ty với giá một triệu Franc, đồng thời ký kết nhượng lại thương hiệu “Farine Lactée Nestlé” và chữ ký Henri Nestlé cho người chủ sở hữu mới.

Sau khi được chuyển nhượng, Công ty cổ phần “Farine Lactée Henri Nestlé” được thành lập gồm 3 cổ đông chính: Pierre-Samuel Roussy, Jules Monnerat và Gustave Marquis. Các ông chủ mới này đã nghĩ ngay đến việc mở rộng sản xuất và quy mô hoạt động của công ty.

Nestlé hiện trở thành tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng lớn nhất thế giới với doanh số đạt 84 tỷ Franc Thụy Sỹ, tương đương 94 tỷ USD vào năm 2011. Tập đoàn điều hành gần 500 nhà máy tại 86 nước trên toàn thế giới với 30.000 sản phẩm.

Ông tổ Nestle khởi nghiệp từ nghề dược sĩ

Những mốc phát triển của Công ty Nestlé:

- Năm 1867, công ty Nestlé được Henri Nestlé thành lập

- Năm 1874, Henri Nestlé bán công ty với giá một triệu Franc. Công ty mới được thành lập với 3 cổ đông: Pierre-Samuel Roussy, Jules Monnerat và Gustave Marquis

- Năm 1905, công ty Nestlé và Anglo-Swiss Condensed Milk sát nhập thành công

- Năm 1920, công ty lần đầu tiên mở rộng đến những sản phẩm mới như chocolate.

- Trong đại chiến thế giới lần II, sản phẩm mới của công ty, Nescafé trở thành thức uống chủ yếu của quân đội Mỹ.

- Công ty bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm vào năm 1974.

- Từ năm 1977, Nestlé tiến hành một loại các cuộc sáp nhật như mua lại Alcon Laboratories Inc, Carnation (1984); công ty bánh kẹo Rowntree (1988), Chef America, Inc (2002); Delta Ice Cream (2005); Tập đoàn Technocom (2010) …

Tại khu vực Đông Nam Á, Nestlé hoạt động từ những năm đầu thế kỷ 20 với văn phòng kinh doanh đầu tiên được đặt tại TP HCM vào năm 1912. Đến nay, Nestlé đã có mặt tại Việt Nam tròn 100 năm.

Nguồn Lanta Brand