Thị trường giao đồ ăn qua app có thể chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030

Thị trường giao đồ ăn qua app có thể chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030

Bếp trên mây, thị trường giao đồ ăn qua app, có cơ hội chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo thông tin từ bài thuyết trình online của ông Michael Schaefer, Giám đốc mảng F&B toàn cầu của Euromonitor.

Trang Restaurantdive.com vừa đưa ra bình luận về mô hình Cloudkitchen – mô hình “bếp trên mây” mà các đơn vị như Grab, Now… đang triển khai tại Việt Nam.

“Bếp trên mây, nơi nấu ăn để phục vụ cho việc giao đồ ăn, có cơ hội chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo thông tin từ bài thuyết trình online của ông Michael Schaefer, Giám đốc mảng F&B toàn cầu của Euromonitor”, trang này viết.

Ông Schaefer dự đoán, nhờ vào việc giao hàng ngày càng rẻ hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn nên phân khúc này có thể giành đến 50% dịch vụ đặt xe qua app (75 tỉ USD), 50% dịch vụ take away (250 tỉ USD), 35% của thị trường đồ ăn sẵn 40 tỉ USD, 30% các nguyên liệu đồ ăn đóng gói (100 tỉ USD) và 15% đồ ăn vặt đóng gói (125 tỉ USD).

Khách hàng ngày càng thấy thoải mái hơn với dịch vụ giao đồ ăn. Trong khi, COVID-19 là cú đánh mạnh và tạo ra sự thay đổi lớn đối với việc vận hành các nhà hàng. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa nên mặt bằng bỏ trống. Và những yếu tố trên là động lực để bếp trên mây phát triển.

Trang này viết, doanh thu giao đồ ăn trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2014 đến năm 2019. Và 52% người tiêu dùng trên thế giới đang thấy rất thoải mái đối với việc đặt đồ ăn từ bếp trên mây.

Thị trường giao đồ ăn qua app có thể chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030

Nhiều yếu tố để bếp trên mây ngày càng phát triển

“Chúng tôi kỳ vọng đại dịch này sẽ thấy nhiều hơn sự chuyển đổi mục đích sử dụng. Các cá nhân, tổ chức có bất động sản sẽ làm những điều để tận dụng nguồn tài nguyên họ có. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rất nhiều ‘tay chơi’ mới sẽ khai thác khoảng trống còn lại với dịch vụ giao hàng thân thiện hơn, đòi hỏi ít vốn hơn”, Restaurant Dive dẫn lời ông Schaefer.

Chi phí thuê địa điểm và nhân sự đang chiếm một phần rất lớn đối với các nhà hàng. Chẳng hạn, giá một một ly latte của Starbucks có 60% là chi phí mặt bằng và nhân viên, Eurominitor dẫn thông tin từ Financial Times. Khi phí giao hàng rẻ hơn và các nhà hàng trên mây phát triển và hoạt động tập trung hơn, giảm thời gian giao hàng, các nhà hàng “cơ học” sẽ thấy rằng họ thu được nhiều lợi nhuận hơn khi tối ưu hoạt động của họ, hơn là để khách ăn tại chỗ.

Mỹ hiện có 1.500 bếp trên mây, gấp đôi số lượng ở Anh nhưng ít hơn ở Trung Quốc (7.500 bếp) và Ấn Độ (3.500 bếp). Ngành nhà hàng chứng kiến sự mở rộng của bên thứ ba (bên giao hàng) và nhà hàng muốn kiêm luôn cả việc giao hàng nhưng chưa đủ năng lực. Từ năm 2020 và thời gian sau đó, bếp trên mây sẽ khiến số lượng nhà hàng ảo gia tăng, các thương hiệu thực phẩm chế biến sẵn chỉ tồn tại online mà không có địa điểm bán hay trưng bày.

Và trong tương lai, theo lãnh đạo Euromonitor, thị trường bếp trên mây sẽ xuất hiện những nhà hàng tự động hiện đại. Và trong 5 đến 10 năm tới, sẽ có thể có nhiều nhà hàng tự động hoàn toàn sản xuất một số thực đơn nhất định như pizza, cà phê… giúp dịch vụ tốt hơn và giá thành sản xuất giảm.

Thế Trần
Nguồn CafeF