Chiến lược Go Global của Viettel đang mang lại những kết quả ấn tượng ban đầu
Chiến lược Go Global của Viettel đang mang lại những kết quả ấn tượng ban đầu.
Đến thời điểm hiện tại, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI) đã phủ sóng trên 9 thị trường quốc tế ở các khu vực gồm Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Trong đó, dịch vụ chủ lực là mảng gọi thoại, 3G, 4G và 5G, với thị phần chi phối mạnh mẽ tại Lào và Campuchia, thông qua các công ty như Unitel và Metfone.
Ngoài các quốc gia tại Đông Dương, Viettel Global còn ghi dấu ấn thành công khi luôn nằm trong top 3 thị phần tại các quốc gia khác như Haiti, Mozambique, Đông Timor, Myanmar... Kết thúc quý I/2020, doanh thu thuần của Viettel Global đạt 4.304 tỉ đồng, tăng 13,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 902 tỉ đồng, tăng 12,9 lần so với quý I/2019. Dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Viettel Global là số ít doanh nghiệp nhà nước hưởng lợi từ xu thế thăng hoa của công nghệ thời dịch bệnh và chiến lược tiên phong Go Global.
“Chúng tôi đi ra nước ngoài cùng với tâm niệm mình không chỉ là đại diện của Viettel mà là đại diện của Việt Nam”, ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng Giám đốc Viettel Global, chia sẻ. Nhớ lại thời điểm năm 2006, Việt Nam có chưa đầy 5 doanh nghiệp trị giá tỉ USD và không một doanh nghiệp nào thuộc top 20 trên thế giới. Thế nhưng, Viettel, một công ty viễn thông với doanh thu khoảng 7.000 tỉ đồng, lại dám “mang chuông đi đánh xứ người” khi thực hiện những bước đầu tiên của chiến lược Go Global với đích đến đầu tiên là thị trường Campuchia.
Tháng 6/2006, Công ty Viettel Cambodia được thành lập và 4 tháng sau, hoàn thành tuyến cáp kéo từ An Giang đến vùng Sangkat Chatomuk trên đất Campuchia. Tháng 10/2007, Viettel Global chính thức được thành lập, với cổ phần chi phối 99,03% nắm bởi Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Sau hơn 13 năm, vào năm 2019, Viettel đã lọt vào top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về lượng thuê bao, thuộc top 40 doanh nghiệp trong ngành có doanh thu cao nhất. Riêng Viettel Global – đơn vị phụ trách lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel – được định giá gần 2,4 tỉ USD nhờ tiềm năng thuê bao và thị phần mà doanh nghiệp này đang có ở nước ngoài.
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Viettel Global hiện cung cấp dịch vụ viễn thông cho 51 triệu thuê bao (+22%) với tiềm năng thị phần tổng dân số ở các nước mà Công ty đang hoạt động là 220 triệu người. Về mặt hạ tầng viễn thông, Viettel Global có 151.000km tổng chiều dài cáp quang (+5%), 55.500 tổng số trạm phát sóng (+22%). Theo ước tính, doanh nghiệp phủ sóng trên 90% ở các quốc gia đang hoạt động.
“Viettel Global đang giữ vị trí số 1 về thị phần di động ở Campuchia (Metfone, 41,3% thị phần), Lào (Unitel, 56% thị phần), Đông Timor (Telemor, 53% thị phần), Burundi (Lumitel, 55,3% thị phần). Viettel Global đứng thứ 2 về thị phần ở Haiti (Natcom, 38% thị phần), Mozambique (Movitel, 38% thị phần)”, báo cáo của PHS phân tích.
Nhìn chung, tổng vốn đăng ký của Viettel Global là 2,99 tỉ USD. Vốn thực hiện luỹ kế đạt khoảng 1,79 tỉ USD. Lợi nhuận và vốn đầu tư đã chuyển về nước đạt trên 800 triệu USD (trong đó lợi nhuận là hơn 481 triệu USD). Các dự án viễn thông tại Lào, Campuchia mang lại hiệu quả cao với lợi nhuận và vốn chuyển về nước luỹ kế lần lượt đạt hơn 265 triệu USD và trên 168 triệu USD.
Nhận xét về triển vọng năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng Viettel Global đang ở vị thế tốt. “Viễn thông thế giới tiếp tục chuyển dịch mạnh từ thoại sang data, phát triển các dịch vụ IoT, mua bán thanh toán online, mạng xã hội, dịch vụ nội dung số”, PHS nhận định.
Về định giá, thông qua việc sử dụng các giả định là Viettel Global sẽ không còn khoản trích lập dự phòng lớn nào và sẽ ngừng mở rộng ở thị trường mới, giá trị hợp lý của Viettel Global được tính toán bởi PHS là 28.300 đồng/cổ phần. Phương pháp định giá là EV/EBITDA, P/B và EV/Doanh thu. Dự phóng doanh thu năm 2020 của Viettel Global là 18.814 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 499 tỉ đồng.
Các rủi ro chính mà Viettel Global có thể gặp phải gồm: (1) dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát làm chậm tiến độ triển khai dự án trên thực địa; (2) rủi ro chính trị tại các khu vực có bất ổn tiềm tàng như Châu Phi; (3) rủi ro về tỉ giá khi mức lạm phát tại các quốc gia có tài sản của Viettel Global tăng cao.
(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)
Vũ Quỳnh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư