Triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm
Ngành ngân hàng đang ở trong bối cảnh có sự hỗ trợ của Chính phủ cùng sự hồi phục của nhu cầu trong nước.
Tỉ lệ nợ xấu không tăng mạnh
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, nhìn chung các ngân hàng đều có quan điểm tích cực hơn về sự hồi phục của sản xuất công nghiệp và nền kinh tế trong các quý tới nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trạng thái bình thường mới khi hết dịch và sự phục hồi của nhu cầu trong nước.
Hầu hết các ngân hàng đều cho rằng tỉ lệ nợ xấu sẽ không tăng mạnh trong quý II/2020. Theo KIS, trong trường hợp nền kinh tế trở nên tiêu cực hơn do đại dịch diễn ra trên toàn cầu, một phiên bản mở rộng hơn của Thông tư 01 sẽ cứu nguy cho bảng cân đối kế toán các ngân hàng.
Cụ thể, Thông tư 01 được Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi tháng 3/2020, Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
KIS đánh giá lãi suất cho vay thấp hơn từ các gói tín dụng hỗ trợ và việc cơ cấu nợ theo Thông tư 01 sẽ làm NIM* 2020 dự kiến sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Do biến động khó dự đoán của COVID-19, các ngân hàng trở nên cẩn trọng hơn trong việc mở rộng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu sẽ tập trung vào các phân khúc được cho là ít bị ảnh hưởng nhất như bán lẻ ở VCB hay khách hàng doanh nghiệp lớn (CIB) ở MBB.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngành ngân hàng đang được đặt trong bối cảnh sự hồi phục của nhu cầu trong nước. Trong hành trình từ TP.HCM đến Hà Nội và ngược lại, sân bay đã trở nên đông đúc hơn khi nhiều gia đình đi du lịch trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch sau kì nghỉ hè 2020 vẫn bỏ ngỏ do tình hình khó đoán của COVID-19. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tăng tốc giải ngân đầu tư công trong quý II/2020 với nhiều nỗ lực để cải thiện tỉ lệ giải ngân từ 35% trong quý I/2020 lên 100% cho đến cuối năm 2020. Trong thời gian tới, các địa phương phải báo cáo tiến độ giải ngân cho Chính phủ và Thủ tướng với tần suất 15 ngày một lần.
Kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống tăng dưới 10%
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động và cho vay đều giảm với tốc độ tương đương, tuy nhiên chỉ số NIM dự báo vẫn giảm nhẹ trong năm 2020 do các ngân hàng không được phép ghi nhận lãi dự thu đối với các khách hàng tái cơ cấu theo Thông tư 01.
Kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống tăng dưới 10% năm 2020. Cụ thể, nhu cầu tín dụng suy giảm, các ngân hàng quy mô lớn thận trọng trong việc cho vay mới khiến cho nhu cầu tìm đến các ngân hàng cổ phần có nguồn vốn tốt thể hiện qua chỉ số CAR**. Ngân hàng Nhà nước đã nới room tăng tín dụng lên mức 18-22% cho một số ngân hàng bao gồm: TCB, VPB, TPB, VIB, HDB...
Tới giữa tháng 6/2020, nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 đạt 172 nghìn tỉ đồng, tương đương 2% tổng dư nợ toàn hệ thống. Ước tính nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước: nợ xấu nội bảng (bao gồm phần bán cho VAMC và phần được tái cơ cấu) vào cuối năm 2020 sẽ ở mức 2,6-3% vào trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong quý I và 3,7% trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong quý II so với con số 1,4% cuối năm 2019.
Theo VCBS, nhóm ngân hàng lớn (AGR, VCB, BID, CTG) chịu áp lực lợi nhuận giảm do phải tiên phong dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhóm ngân hàng cổ phần năng động (ACB, MBB, TCB, VIB, TPB) phân hoá tuỳ thuộc tình hình kinh doanh và một số ngân hàng vẫn có tăng trưởng về lợi nhuận. Nhóm ngân hàng đang trong giai đoạn xử lý nợ xấu (CTG, STB, SHB) sẽ phải mất thêm thời gian xử lý so với kế hoạch ban đầu.
Chú thích:
(*) NIM là chênh lệch giữa thu nhập lãi do ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác tạo ra và số tiền lãi phải trả cho người cho vay của họ.
(**) CAR là chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại.
Kim Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư