Chuyện gì xảy ra với Intel?
Nhà sản xuất chip Intel đang vấp phải một loạt cú va vấp.
Những bước loạng choạng
Sức ảnh hưởng của Andy Grove, người điều hành Intel suốt hơn 1 thập niên vào cuối thế kỷ vừa qua, vẫn còn lan toả mạnh mẽ ở nhà sản xuất chip Mỹ. Ông nổi tiếng là một “đốc công” cực kỳ hà khắc. Nhờ sự hà khắc đó đã tôi luyện nên một Intel cực kỳ xuất sắc về năng lực thực hiện. Tựa một trong những cuốn sách của ông – Only The Paranoid Survive (tạm dịch: Chỉ có kẻ hoang tưởng mới có thể sống sót) – đã trở thành khẩu hiệu về cách làm thế nào để tránh những biến động thường xuyên xảy ra trong ngành công nghệ. Nhưng kể từ giữa mùa hè này, ngày tháng trôi qua có phần không mấy dễ chịu đối với Intel.
Đầu tiên là việc Apple bỏ rơi Intel, khi không chọn doanh nghiệp này làm nhà cung cấp các bộ xử lý cho dòng sản phẩm máy Mac, thay vào đó chuyển sang chọn chip phát triển trong nhà dựa trên công nghệ của ARM. Các thiết kế chip tiêu thụ điện năng thấp hơn của ARM, công ty thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Nhật SoftBank, cũng đã đẩy Intel ra khỏi thị trường điện thoại thông minh.
Sau đó, ngày 9/7/2020 Intel đã đánh mất vị thế là nhà sản xuất chip Mỹ có giá trị nhất. Danh hiệu này giờ đã rơi vào tay Nvidia, một nhà sản xuất chip chuyên dụng dành cho các hệ thống chơi game video cao cấp. Cổ phiếu Nvidia đã tăng gấp 20 lần trong 5 năm qua khi Công ty thành công trong việc đưa chip xử lý đồ họa GPU của mình vào việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về dữ liệu, đáng chú ý nhất là đào tạo những thuật toán học máy, vốn là trái tim của các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Những đối thủ khác của Intel cũng đang bành trướng. Chẳng hạn, TSMC, “công xưởng” sản xuất chip cho các công ty khác trong đó có Nvidia, đã qua mặt Intel về mức vốn hoá thị trường.
AMD từ lâu chật vật trên thị trường dành cho thiết kế chip x86, vốn được chiếm lĩnh bởi Intel, nhưng gần đây đã toả sáng nhờ những thiết kế giành được thiện cảm của nhiều khách hàng, trong đó có Google. Cách đây 5 năm, Intel trị giá bằng cả 3 công ty nói trên cộng lại và vốn hoá thị trường của Hãng kể từ đó đã tăng gấp đôi lên gần 250 tỉ USD. Nhưng các đối thủ cạnh tranh này giờ trị giá hơn 620 tỉ USD.
Có 2 yếu tố đằng sau những loạng choạng gần đây của Intel. Lý do quan trọng nhất là Intel đã thất bại trong việc duy trì sự xuất sắc về năng lực thực hiện. Việc chuyển sang các thế hệ chip mới nhất như chip 10nm bị dính những sự cố về sản xuất. Lần đầu tiên Intel bị TSMC qua mặt. Sự khác biệt trong mô hình kinh doanh giữa TSMC và Intel có nghĩa cả hai không phải là đối thủ trực tiếp. Nhưng TSMC lại là công xưởng sản xuất cho các đối thủ mới của Intel, mở ra con đường cho các nhà sản xuất chip mà không sở hữu nhà máy riêng như Nvidia và AMD.
Yếu tố thứ 2 khiến Intel loạng choạng là sự bùng nổ về dữ liệu và sự trỗi dậy của học máy. Phân khúc giá trị nhất của thị trường – đào tạo các thuật toán học máy – lại chính là phân khúc mà Nvidia đang làm rất xuất sắc và vượt trội hơn tất cả. Thực ra, không phải chỉ mỗi Intel chậm nhận ra tầm quan trọng của chip GPU trong trí tuệ nhân tạo.
Người khổng lồ không nhìn được bàn chân của mình
Nhưng Intel lại thất bại trong chính chiến lược do mình vạch ra. Đó là phát triển các chip chuyên dụng được biết như chip gia tốc giúp xử lý phần dữ liệu chuyên sâu nhất trong các tính toán học máy. Intel đã không phát triển được một loại chip có lợi thế cạnh tranh sau thương vụ thâu tóm startup Nervana vào năm 2016, buộc Hãng vào cuối năm ngoái phải thực hiện một cuộc thâu tóm thứ 2, mua lại Habana với giá 2 tỉ USD, để đảm bảo cho công nghệ này.
Một số ý kiến cho rằng những va vấp của Intel một phần là do Hãng quá chăm chú vào công nghệ của chính mình mà không thấy được xu thế tương lai của ngành như sự bùng nổ của chip GPU trong lĩnh vực học máy, cũng như vị thế độc quyền lâu năm đã phần nào làm Intel lơ là sự ra đời của những đối thủ mới nhanh nhạy như Nvidia.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu vội vàng rút ra kết luận từ sự sa sút phong độ gần đây của Intel. Có thể thấy, Apple, với sự lệ thuộc vào điện thoại thông minh, có lý do chính đáng để chuyển dòng máy Mac sang ARM. Nhưng các nhà sản xuất máy tính cá nhân, vốn là pháo đài của Intel, lại khó mà theo chân Apple từ bỏ Intel, do “sức nặng” của phần mềm gắn liền với công nghệ hiện hữu. Sự ra đi của Apple cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến Intel. Apple dù đóng góp khoảng 1,5-3 tỉ USD vào doanh số hằng năm của Intel nhưng chỉ chiếm 2-4% tổng doanh số của nhà sản xuất chip này.
Mặt khác, mức lợi nhuận 21 tỉ USD của Intel vào năm ngoái – cao hơn 40% so với TSMC, Nvidia và AMD cộng lại – cũng khiến Công ty trở thành đối thủ đáng gờm. Trong khi đang nỗ lực gỡ bỏ những nút thắt trong công nghệ 10nm, Intel cũng đồng thời rót tiền vào thế hệ tiếp theo của các dòng chip thậm chí nhỏ hơn như chip 7nm với mục tiêu “đè bẹp” TSMC vào cuối năm tới. Nếu các chip 10nm tiếp theo của Intel đạt như kỳ vọng, năm 2021 sẽ chứng kiến sự quay trở lại ngôi vị dẫn đầu của Intel trong các thị trường chủ chốt của Hãng, theo nhà phân tích chip Patrick Moorhead.
Lần đầu tiên, Intel cũng đã đặt cược vào nhiều thị trường bên ngoài mảng cốt lõi là máy tính cá nhân, không chỉ là mảng trung tâm dữ liệu, một động cơ tăng trưởng chính của Intel, mà còn là thiết kế mạng, xe không người lái, chip GPU... Và trong 2 quý gần nhất kể từ rút khỏi thị trường modem 5G (quý kết thúc vào tháng 1/2020 và quý kết thúc vào tháng 4), Intel đã tạo ra kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng 69% về lợi nhuận và 23% về doanh thu so với cùng kỳ. Chỉ cần khôi phục lại năng lực thực hiện xuất sắc đã có từ thời của Andy Grove, Intel hoàn toàn có thể lấy lại vị thế dẫn đầu.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư