Công ty mẹ của Google triển khai dịch vụ internet khí cầu thương mại đầu tiên trên thế giới
Công nghệ này sẽ mang đến cơ hội sử dụng internet rộng rãi cho những người đang sống ở các khu vực hẻo lánh nhờ khả năng bao quát diện tích gấp 100 lần so với cột thu phát sóng điện thoại di động truyền thống.
Alphabet, công ty mẹ của Google đã chính thức cung cấp dịch vụ thương mại internet tốc độ cao bằng cách sử dụng khí cầu cho dân làng ở các vùng xa xôi thuộc thung lũng Rift, Kenya, Reuters đưa tin.
Dịch vụ này do Loon – một đơn vị trực thuộc Alphabet – điều hành, kết hợp cùng Telkom Kenya, tập đoàn viễn thông lớn thứ ba ở quốc gia Đông Phi.
“Kenya là quốc gia đầu tiên trên thế giới có các trạm thu phát tín hiệu internet trên bầu trời. Giờ đây, chúng tôi có thể mở rộng ra toàn lãnh thổ trong thời gian rất ngắn”, ông Joe Mucheru, Bộ trưởng Thông tin Kenya phát biểu trong lễ ra mắt.
Trước đây, công nghệ này đã được sử dụng nhưng không nhằm mục đích thương mại. Đó là vào năm 2017, các tập đoàn viễn thông Mỹ dùng khí cầu để kết nối với khoảng 250.000 người Puerto Rico bị cô lập sau trận bão lịch sử Maria.
Alphabet đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển công nghệ này và giờ đây, những người dân sống ở các khu vực hẻo lánh trong núi rừng Kenya đã có thể sử dụng internet qua kết nối 4G với giá phải chăng.
“Chúng tôi đang xây dựng nền tảng tiếp theo của mạng lưới di động toàn cầu một cách hiệu quả. Giờ đây, chúng tôi như một toà tháp di động ở độ cao 20km”, ông Alastair Westgarth, Giám đốc Điều hành của Loon, cho biết.
Các trạm thu phát bay này có thể bao quát diện tích rộng hơn nhiều, gấp khoảng 100 lần tháp tín hiệu điện thoại di động kiểu truyền thống, theo ông Westgarth. Đó là những khí cầu lớn, được gắn pin và panel lấy năng lượng mặt trời, trôi nổi phía trên bầu khí quyển, vượt khỏi tầm ảnh hưởng của thời tiết.
Chúng được phóng lên từ các cơ sở của Loon ở California và Puerto Rico, được kiểm soát qua máy tính đặt ở trạm bay ở thung lũng Silicon, dùng khí heli và áp lực để di chuyển.
Chúng cũng được cài đặt phần mềm với trí tuệ nhân tạo để tự động điều hướng mà không cần sự can thiệp của con người.
Trước khi có dịch vụ này, người dân ở thung lũng Rift có thể phải di chuyển khoảng 60km tới thị trấn gần nhất để dùng internet.
Giờ đây, họ đã có thể tự rao bán hàng nông sản và thủ công trực tuyến, nói chuyện với người thân ở nước ngoài một cách dễ dàng.
Cũng theo ông Wesgarth, Loon đã có kế hoạch triển khai ở Mozambique, và ngày càng nhiều quốc gia tỏ thái độ quan tâm vì sau đại dịch COVID-19, con người dường như phải dựa vào internet nhiều hơn.
Chi tiết về thoả thuận thương mại giữa Loon và Telkom Kenya hiện chưa được công khai.
Hoài Điệp
Nguồn BizLive