Tiền thơm từ khử mùi

Với tốc độ tăng trưởng 24,4% năm 2012, lợi nhuận của sản phẩm khử mùi còn qua mặt cả ngành nước uống đóng chai và một số ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Cuộc chơi không đơn lẻ

Cách đây 5 năm, các sản phẩm khử mùi, sữa tắm... tại thị trường Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan, trong đó Thái Lan chiếm đến 45% thị phần. Ba năm sau (năm 2011), ngành chất khử mùi ở Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 19%, trong đó có một phần nguyên nhân là do sự tăng giá của các sản phẩm này.

Tiền thơm từ khử mùi

Axe đang có nhiều hoạt động quảng bá tại thị trường Việt Nam

Thời điểm này, Beiersdorf AG với thương hiệu Nivea (dạng xịt và dạng lăn) đang tiếp tục dẫn đầu thị trường với thị phần 39,7%. Mặc dù một năm trước đó, thông tin từ website pr-inside.com cho rằng, ngành này chỉ đạt giá trị tăng trưởng 9%.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sản phẩm Nivea chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan với giá trị nhập khẩu là 22,7 triệu USD. Trong khi đó, sản phẩm AXE và Rexona của Unilever Việt Nam nhập chủ yếu từ Úc và Philippines với giá trị nhập khẩu trong năm 2011 là 2,17 triệu USD (chiếm 3,8% thị phần).

Mới đây, một thống kê được viện dẫn từ báo chí Trung Quốc chỉ ra rằng, ngành khử mùi đang được xếp vào nhóm Top 2 trong 13 ngành hàng được cho là siêu lợi nhuận ở Trung Quốc. Riêng tại Việt Nam, mức độ tăng trưởng của ngành này đạt 24,4% năm 2012, cao hơn cả ngành nước đóng chai và một số ngành hàng trong nhóm FMCG.

Dự báo trong những năm tới, đây vẫn là ngành tiếp tục tăng trưởng, mặc dù không đạt ngưỡng như năm 2012, thời điểm mà các "ông lớn" như: Beiersdorf AG (Nivea), Unilever PLC (Rexona và AXE), ICP (X-men)... không ngừng tung nhiều chiến dịch quảng cáo lớn về sản phẩm.

Đến nay, "cuộc chơi" xem ra đã không còn đơn lẻ, khi thị trường Việt Nam đã quy tụ đến hàng chục thương hiệu trong ngành chất khử mùi bao gồm các sản phẩm dạng viên lăn, xịt cơ thể, nước thơm khử mùi (dạng chai xịt, kem, gel...) như: Beiersdorf AG; Unilever PLC; ROHTO Pharmaceutical Co.,Ltd; Avon Products, Inc; Oriflame Cosmetics S.A, Lan Hao Cosmetics Production Limited Company...

Bên cạnh đó còn có sự du nhập của các nhãn hiệu như: Adidas, Esprit, David Beckham, Miss sixty, Playboys... do Công ty Ngôi sao châu Á (StarAsia) nhập khẩu. Mới đây, thương hiệu AXE xuất hiện trong khi thị trường chất khử mùi dành cho nam giới đang là cuộc chơi của những thương hiệu lớn như Romano, Niviea và Rexona... càng làm thị trường thêm khuấy động.

Tiền thơm từ khử mùi

Vừa đấu, vừa nhìn

Theo khảo sát vào tháng 4/2013 của Kantar Worldpanel Việt Nam, các sản phẩm chăm sóc cá nhân tại thành thị tăng trưởng mạnh nhất, ở mức 15%, chủ yếu thuộc các ngành hàng dành cho em bé, dầu xả và lăn khử mùi.

Chia sẻ về tiềm năng của ngành khử mùi, ông Phùng Ngọc Trang, Phó tổng giám đốc Kinh doanh Công ty ICP (International Consumer Products), cho rằng, đây là một trong hai ngành (khử mùi và mỹ phẩm) có tỷ suất lợi nhuận tương đối cao so với các ngành hàng khác trong giai đoạn hiện nay.

Đó cũng là lý do mà các nhà sản xuất trong lĩnh vực này vẫn không ngừng tung tiền cho quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và chiếm giữ nhiều giờ vàng trên kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương...

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng không ngừng tung ra nhiều sản phẩm mới, điển hình là các sản phẩm khử mùi dạng xịt đang được bày bán ở các siêu thị và cửa hàng mỹ phẩm tại TP.HCM, mặc dù loại sản phẩm này đã được dùng rất phổ biến ở các nước phát triển.

Chỉ riêng Co.opmart đã hội tụ khá đủ những "gương mặt" mới và cũ trong ngànhnhư: Rexona, Dove, Nevia, Playboys, Adidas, Axe, Oxi, Romano, X-men... Trong khi đó, hệ thống các cửa hàng mỹ phẩm như Guadian (Dairy Farm Group) cũng không kém cạnh với đầy đủ các loại sản phẩm khử mùi từ dạng lăn, đến xịt.

Theo ông Trang, trong tương lai, thị trường ngành khử mùi sẽ dần chuyển hẳn sang các sản phẩm dạng xịt, thì Rexona, AXE (Unilever PLC) và X-men (ICP) đang được xem là những sản phẩm có nhiều ưu thế hơn.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn