CBRE: Số lượng thương hiệu quốc tế vào TP.HCM thấp nhất trong 4 năm qua vì COVID-19
Trong quý II, UNIQLO mở rộng thêm hai cửa hàng tại TP.HCM và trong quý III, thành phố sẽ chào đón thêm MUJI, một thương hiệu mới từ Nhật Bản. Tuy nhiên, số lượng các thương hiệu mới vào Việt Nam giảm hẳn so với bốn năm trước đây, theo CBRE.
Theo thống kê của CBRE Châu Á – Thái Bình Dương, hơn 65% nhà bán lẻ trả lời sẽ dừng các hoạt động mở rộng và tập trung hơn vào đánh giá tình hình hoạt động hiện tại. Bên cạnh đó, gần 50% nhà bán lẻ hoãn các hoạt động nghiên cứu mặt bằng mới và 36% muốn cắt giảm chi phí đầu tư vào cửa hàng.
Trong quý II, UNIQLO mở rộng thêm hai cửa hàng tại TP.HCM và trong quý III, thành phố sẽ chào đón thêm MUJI, một thương hiệu mới từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là những giao dịch từ năm 2019. Ngoài ra, số lượng các thương hiệu mới vào Việt Nam giảm hẳn so với bốn năm trước đây.
Theo Công bố tiêu điểm thị trường quý II năm 2020 của CBRE, đi kèm với hình thức giảm số lượng/ diện tích cửa hàng là sự nghiêm túc đầu tư vào bán lẻ trực tuyến và bán lẻ đa kênh. Tại Việt Nam, một số thương hiệu đã cho ra đời nền tảng bán lẻ riêng của họ như Starbucks, Maison và sắp tới là ACFC. Các thương hiệu cà phê, ăn uống trung cấp và không thiên về trải nghiệm phát triển mô hình bán lẻ dạng kiot, xe bán tải... như Pizza4P, cà phê Ông Bầu để linh hoạt hơn trong việc tăng cường mức độ phủ sóng. Ở một hướng khác, một vài thương hiệu trong nước có tiềm lực tài chính muốn tận dụng cơ hội thị trường đang hồi phục để mở rộng nhanh hơn nhằm xây dựng một hệ thống có năng lực cạnh tranh cao trong tương lai.
Các dự án tương lai đều trì hoãn ngày khai trương để chờ sự hồi phục từ nhu cầu thuê mặt bằng cũng như tuyến Metro Số 1, dự đoán sẽ đi vào hoạt động trong năm tới. Sự ra đời của tuyến Metro sẽ kéo theo sự thay đổi về mặt bằng giá thuê cho các dự án có kết nối trực tiếp, cơ cấu ngành hàng để phù hợp với đối tượng khách di chuyển và có thể là mô hình bán lẻ dưới lòng đất còn rất mới tại thị trường Việt Nam, cũng như thị trường TP.HCM. Dự đoán từ nay đến hết năm 2020, sẽ không có thêm dự án mới ra đời, ngoài một dự án bán lẻ tại Khu trung tâm có thể sẽ tái khai trương sau hơn hai năm trùng tu. Đây cũng là giai đoạn các tuyến bay quốc tế đến Việt Nam được dự đoán sẽ hoạt động bình thường và kéo theo một lượng khách hàng là khách du lịch.
Tình hình trả mặt bằng tại các khu chung cư nhiều hơn tại các trung tâm thương mại (TTTM)
Không có dự án bán lẻ mới trong quý II/2020. Tại khu vực ngoài trung tâm, dự án Vincom Megamall Thảo Điền mở rộng một phần diện tích hơn 3.000m2 tại khu vực hầm vốn được dùng làm văn phòng trước đây. Tính đến quý II/2020, tổng diện tích bán lẻ khu vực TP.HCM không thay đổi nhiều so với giai đoạn cuối năm 2019, ước đạt 1.040.000m2 diện tích thực thuê.
Tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã bắt đầu có những hồi phục tuy nhiên chưa thật sự khởi sắc. Theo thống kê của Google Mobility Index dựa trên định vị, số lượng người đến các trung tâm thương mại và mua sắm đã hồi phục 80% so với giai đoạn tháng 1/2020, vốn là tháng mua sắm sầm uất để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, Thống kê của TP.HCM, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm vẫn giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dịch vụ lữ hành giảm mạnh nhất, đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu tích cực đến từ doanh thu hàng hoá, tăng 10% so với cùng kỳ. Theo thống kê từ CBRE tại một số chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, doanh thu trong tháng 6 đã hồi phục 40-70% so với giai đoạn trước dịch, tuy nhiên mức độ hồi phục khác nhau cho các vị trí.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam nhận xét: “Các khu vực bán lẻ vốn phụ thuộc nhiều về khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài và dân văn phòng, có mức độ hồi phục chậm hơn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng kinh tế nói chung lên mức thu nhập của người dân. Ước tính đến hết năm 2020, tâm lý người tiêu dùng vẫn sẽ dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như các sản phẩm về sức khoẻ”.
Tại các TTTM, giá chào thuê không thay đổi so với quý trước (giá chào thuê được CBRE báo cáo không tính đến các ưu đãi, chính sách hỗ trợ ngắn hạn từ chủ đầu tư). So với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng một của khu trung tâm tăng 3,8% và giá chào thuê khu ngoài trung tâm giảm 0,9%.
Tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với TTTM, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Các nhóm khác như siêu thị, sức khoẻ, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường.
Tỷ lệ trống dự kiến sẽ có cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2020 trong khi giá chào thuê sẽ giữ ở mức hiện tại, đi kèm với các chính sách hỗ trợ giá thuê ngắn hạn đến từ chủ đầu tư. Trước tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, hầu hết các thương hiệu bán lẻ trên thế giới tạm dừng việc tìm kiếm các mặt bằng thuê mới mà chú trọng hơn về cải thiện tình hình kinh doanh tại các của hàng hiện hữu.
(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)
Thế Trần
Nguồn CafeF