Jeff Bezos xây dựng đế chế 1.400 tỷ USD và trở thành người giàu nhất thế giới như thế nào?
Ngày 1/7 vừa qua, Jeff Bezos thiết lập một kỷ lục mới khi tài sản của ông vượt mốc 171 tỷ USD – cao hơn cả thời điểm giàu có nhất trước khi ly hôn. Được thành lập vào năm 1994 với ý tưởng ban đầu là một cửa hàng sách trực tuyến, Jeff Bezos đã biến Amazon thành “gã khổng lồ” thương mại điện tử với giá trị vốn hoá hơn 1.400 tỷ USD.
Khi sinh ra Jeff Bezos vào năm 1964, mẹ của ông – bà Jackie – mới là một cô gái “tuổi teen”. Sau đó, bà kết hôn với một người Cuba nhập cư mang tên Miguel Bezos. Đến năm 10 tuổi, Jeff mới biết ông Miguel không phải cha ruột.
Khi Jeff lên 4 tuổi, bà Jackie đã nói với cha ruột của Jeff – người từng làm diễn viên xiếc – hãy tránh xa cuộc sống của họ. Khi Brad Stone phỏng vấn người đàn ông này để viết cuốn sách “The Everything Store”, ông không hề biết con trai mình đã thành công như thế nào.
Từ nhỏ, Jeff Bezos đã thể hiện là một cậu bé thông minh. Khi mới chập chững biết đi, ông đã tháo chiếc cũi của mình bằng tuốc nơ vít vì muốn ngủ trên một chiếc giường thực sự. Từ 4 đến 16 tuổi, Jeff thường dành thời gian nghỉ hè tại trang trại của ông bà ở Texas, làm những công việc như sửa chữa cối xay gió và cả thiến bò.
Ông của Jeff Bezos, Preston Gise, là người truyền cảm hứng giúp khơi dậy niềm đam mê trong vị tỷ phú này. Năm 2010, Jeff Bezos từng chia sẻ rằng ông Gise đã dạy ông rằng “trở thành người tử tế khó hơn là người khôn ngoan”.
Thời còn đi học, Bezos từng nói với các giáo viên của mình rằng “tương lai của loài người không phải trên hành tinh này”. Khi còn nhỏ, ông muốn trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Và điều đó giờ đây trở thành hiện thực khi Bezos sở hữu công ty thám hiểm không gian Blue Origin.
Bezos theo học ngành khoa học máy tính của Đại học Princeton. Sau khi tốt nghiệp, ông từ chối lời mời làm việc từ Intel và Bell Labs để tham gia vào một công ty khởi nghiệp có tên Fitel. Sau khi rời Fitel, Bezos cân nhắc việc hợp tác với Halsey Minor – người sau này sáng lập ra CNET – để lập một startup cung cấp tin tức bằng fax. Tuy nhiên, cuối cùng ông về làm việc cho quỹ đầu tư D.E.Shaw và trở thành phó chủ tịch cấp cao chỉ sau 4 năm.
Năm 1994, Bezos đọc được thông tin các trang web đã tăng trưởng 2.300% trong một năm. Con số này khiến ông bất ngờ và quyết tâm tìm cách tận dụng sự tăng trưởng nhanh chóng của nó. Ông lập danh sách 20 sản phẩm có thể bán trực tuyến và quyết định sách là lựa chọn tốt nhất.
Bezos quyết định rời D.E.Shaw dù đang có một công việc tuyệt vời. Ông chủ của Bezos, David E. Shaw, cố gắng thuyết phục ông ở lại nhưng Bezos từ chối để thành lập công ty riêng. Ông cho rằng thà thử khởi nghiệp và thất bại còn hơn không bao giờ thử. Amazon đã ra đời như vậy. Jeff Bezos và vợ MacKenzie đã bay tới Texas để mượn một chiếc xe hơi từ cha mình, sau đó họ lái xe đến Seattle.
Amazon được khởi nguồn tại gara để xe và những cuộc họp thường diễn ra tại nhà sách Barnes & Noble – đối thủ đáng gờm của công ty. Khi mới thành lập, Amazon lắp đặt chuông báo mỗi khi có đơn đặt hàng và mọi người sẽ tập trung lại xem có ai biết về khách hàng đó không. Một vài tuần sau, chiếc chuông kêu liên tục và công ty quyết định tắt nó đi.
Trong tháng đầu tiên ra mắt, Amazon đã bán sách cho mọi người ở 50 bang của Mỹ và 45 quốc gia khác nhau. Sau đó, công ty này không ngừng phát triển. Năm 1997, Amazon niêm yết trên sàn chứng khoán.
Khi sự cố dot-com xảy ra, các nhà phân tích gọi công ty của Jeff Bezos là “Amazon.bomb”. Nhưng cuối cùng Amazon đã vượt qua “cơn bão” và trở thành một số ít công ty khởi nghiệp sống sót sau cuộc khủng hoảng này. Ngoài sách, Amazon dần mở rộng danh mục sản phẩm. Hiện nay, “gã khổng lồ” thương mại điện tử bán hầu hết những thứ bạn có thể tưởng tượng, từ thiết bị công nghệ, quần áo đến dịch vụ điện toán đám mây.
Những ngày đầu khởi nghiệp, Bezos được biết đến là một ông chủ khó tính và dễ nổi giận với nhân viên. Một số tin đồn cho rằng vị tỷ phú này phải thuê một huấn luyện viên về kỹ năng lãnh đạo để cải thiện tình hình.
Vị CEO nổi tiếng được biết đến với việc cấm thuyết trình PowerPoint tại Amazon. Thay vào đó, ông yêu cầu nhân viên rút gọn vài trang giấy thuyết trình bằng những gạch đầu dòng đơn giản, súc tích mà vẫn bao quát được vấn đề. Bezos cũng nổi tiếng trong việc tạo ra môi trường làm việc “tiết kiệm”, không cung cấp những chế độ như đồ ăn miễn phí hay massage giống nhiều công ty công nghệ khác.
Tháng 7/2017, Bezos lần đầu tiên vượt qua đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản hơn 90 tỷ USD. Năm 2018, Bezos chính thức được Forbes công nhận là tỷ phú giàu nhất thế giới và tiếp tục giữ vững danh hiệu này trên bảng xếp hạng năm 2019 và 2020.
Tháng 7/2019, Jeff Bezos và vợ cũ MacKenzie hoàn tất việc ly hôn. Bà MacKenzie nhận 25% tổng tài sản, tương ứng với 4% cổ phiếu của Amazon và trở thành một trong những người phụ nữ giàu có nhất thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu mua sắm trực tuyến trên nền tảng của Amazon tăng mạnh do nhiều người phải ở nhà. Ngày 1/7 vừa qua, Jeff Bezos thiết lập một kỷ lục mới khi tài sản của ông vượt mốc 171 tỷ USD – cao hơn cả thời điểm giàu có nhất trước khi ly hôn. Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, hiện tài sản của ông chủ Amazon đã tăng lên mức 172 tỷ USD. Trong khi đó, vốn hoá thị trường của Amazon đã vượt 1.400 tỷ USD.
Linh Lam
Nguồn CafeF