Điện Thoại Siêu Rẻ, Vui Vui.com hay chuỗi thuốc An Khang có là “bước lùi” của TGDĐ?

Điện Thoại Siêu Rẻ, Vui Vui.com hay chuỗi thuốc An Khang có là “bước lùi” của TGDĐ?

Các thương hiệu chủ lực của MWG như TGDĐ, ĐMX hay BHX ngày càng phát triển song “đế chế” này cũng từng phải “ngậm ngùi” đóng cửa nhiều mô hình kinh doanh kém hiệu quả nhường chỗ cho những chiến lược mới.

Mới đây, sau 10 tháng kinh doanh, CTCP Thế Giới Di Động (mã MWG) đã chính thức đóng cửa chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ. Trước đó, đầu tháng 9/2019, MWG đã khai trương đồng loạt 10 siêu thị của chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ (dienthoaiSIEURE.com) tại quận Gò Vấp, TP.HCM. So với Thế giới Di động (TGDĐ), Điện Thoại Siêu Rẻ được định vị bán các mẫu điện thoại có giá thấp hơn khoảng 10% và bán các sản phẩm điện thoại dưới 8 triệu.

Hệ thống này cắt giảm các dịch vụ “chuẩn 5 sao” của TGDĐ, bao gồm việc cho trải nghiệm máy trước khi mua, 1 đổi 1 sản phẩm lỗi trong vòng 30 ngày, mỗi siêu thị chỉ có một tư vấn viên, không có đội ngũ tiếp đón khách hàng và giữ xe, không phục vụ wifi...

Điện Thoại Siêu Rẻ cũng không áp dụng chính sách đổi trả sản phẩm hay hỗ trợ gửi sản phẩm đi bảo hành tại cửa hàng. Thay vào đó, khách hàng sẽ tự mang điện thoại đến trung tâm bảo hành của hãng khi cần. Đến nay sau 10 tháng kinh doanh, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ đã chính thức đóng cửa từ ngày 29/6/2020 và chuyển website về thegioididong.com.

Điện Thoại Siêu Rẻ, Vui Vui.com hay chuỗi thuốc An Khang có là “bước lùi” của TGDĐ?

Lý giải về quyết định đóng cửa chuỗi bán lẻ từng khá được kỳ vọng, CEO MWG và Điện máy Xanh (ĐMX), ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, Điện Thoại Siêu Rẻ không đạt kết quả như kỳ vọng nhưng giúp công ty phát triển mô hình mới hiệu quả hơn.

Ông Hiểu Em phân tích, Điện Thoại Siêu Rẻ hay một loạt hoạt động khác như kinh doanh đồng hồ, mắt kính, mô hình Điện máy Xanh 4.0, trung tâm laptop đều là những thử nghiệm của Thế Giới Di Động. Các thử nghiệm sau một thời gian trả về kết quả khả quan sẽ được nhân rộng. Với Điện Thoại Siêu Rẻ, kết quả chưa đạt được kỳ vọng. Giá bán rẻ thật và chi phí cũng tiết giảm nhưng mới chỉ ở mức hoà vốn, lợi nhuận rất thấp trên mỗi cửa hàng.

“Chúng tôi nghĩ nếu tiếp tục đầu tư, thử nghiệm thêm cũng không gia tăng được thêm nhiều doanh số cho Điện Thoại Siêu Rẻ. Một cửa hàng nhỏ gọn, doanh thu chỉ đến mức đó dù đầu tư thêm”, CEO Hiểu Em lý giải.

Trước đó, MWG cũng từng “ngậm ngùi” đóng cửa một số mô hình kinh doanh kém hiệu quả hoặc để nhường chỗ cho những chiến lược mới tiềm năng hơn, chẳng hạn như việc xoá sổ trang thương mại điện tử Vuivui.com hồi năm 2018. Khi ra mắt vào năm 2016, Vuivui.com được lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt qua chuỗi cửa hàng TGDĐ chỉ sau 4-5 năm song thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Điện Thoại Siêu Rẻ, Vui Vui.com hay chuỗi thuốc An Khang có là “bước lùi” của TGDĐ?

Vuivui.com là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG từng kỳ vọng trang thương mại điện tử này sẽ vượt doanh thu chuỗi cửa hàng TGDĐ trong vòng 5 năm tới. Thế nhưng theo cáo bạch của công ty, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui.com là 75 tỷ đồng, không đóng góp nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ.

Trước khi đóng cửa chính thức, Vui Vui đã đóng nhiều ngành hàng, chỉ tập trung bán hàng hoá tiêu dùng (FMCG) và sau cùng được hợp nhất vào kênh bán hàng online của Bách hóa Xanh (BHX).

Đến nay, sau 2 năm đóng cửa, thực tế đã chứng minh bước đi của MWG là hoàn toàn đúng đắn khi BHX vẫn phát triển mạnh mẽ trong khi nhiều trang thương mại điện tử như Robins.vn, Adayroi hay Lotte.vn đã bị đóng cửa.

Ngoài chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ và trang thương mại điện tử Vuivui.com, MWG cũng đầu tư vào chuỗi thuốc An Khang với việc mua lại 49% cổ phần chuỗi thuốc Phúc An Khang, song có thể thấy rằng khoản đầu tư của TGDĐ vào chuỗi thuốc chỉ mang tính thăm dò và không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Bởi vào cuối năm 2017, MWG từng chia sẻ sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẵn có, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Đến thời điểm chín muồi sẽ biến chuỗi 10-15 cửa hàng lên 500 cửa hàng.

Đến nay sau hơn 2 năm đầu tư, từ khoản vốn ban đầu là 62 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2019, TGDĐ đã lỗ 5,5 tỷ đồng và tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 1,4 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Đến ngày 31/3/2020, khoản đầu tư của MWG tại CTCP Bán lẻ An Khang chỉ còn 55,06 tỷ đồng.

Điện Thoại Siêu Rẻ, Vui Vui.com hay chuỗi thuốc An Khang có là “bước lùi” của TGDĐ?

Là một trong những đế chế bán lẻ triệu USD của Việt Nam, MWG được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh rất hiệu quả khi lợi nhuận luôn ở mức trên 1.000 tỷ mỗi quý. Theo báo cáo tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm 2020 của MWG, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 47.492 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với 5 tháng đầu năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.723 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo từ MWG, TGDĐ hiện có 998 cửa hàng, đóng góp 26% doanh thu, ĐMX có 1.038 cửa hàng, đóng góp 57,5% doanh thu và BHX 1.365 cửa hàng, đóng góp 16,5% doanh thu.

Nguyễn Thắm
Nguồn BizLive