GDP Việt Nam tăng 0,36% trong quý II
Trong quý thứ 2 của năm 2020, GDP của Việt Nam tăng trưởng 0,36%.
Sáng ngày 29/6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Tại buổi Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách tổng cục thống kê đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Nguyên nhân được chỉ ra do quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Do đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng COVID-19 thứ 2 có khả năng xảy ra trong thời gian tới.
Những nội dung chủ yếu được tập trung trong thời gian tới
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, có 6 nội dung được tập trung chủ yếu trong thời gian tới, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời;
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan toả nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế;
Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát;
Thứ tư, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020;
Thứ năm, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
Cuối cùng là theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.
Kim Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư