AI có tạo nên xu hướng tại thị trường đại sứ thương hiệu Việt Nam?

AI có tạo nên xu hướng tại thị trường đại sứ thương hiệu Việt Nam?

Là một thị trường trẻ, năng động, và mang lại hiệu quả cao trong các chiến dịch truyền thông, quảng cáo tại Việt Nam, đại sứ thương hiệu là khoản đầu tư của rất nhiều các nhãn hàng có tiềm lực với mong muốn tạo sự khác biệt và mang về lợi nhuận gấp nhiều lần.

Người nổi tiếng cũng dần trở nên chuyên nghiệp hơn trong cách xây dựng hình ảnh để có thể tiếp cận được với những thương hiệu lớn. Tuy nhiên, giải pháp truyền thông này cũng có nhiều “trắc trở” cho những người làm thương hiệu.

Gian truân khi chọn đại sứ thương hiệu

Lựa chọn được một gương mặt đại sứ thương hiệu tốn rất nhiều công sức và thời gian. Trong một thế giới lý tưởng, đại sứ thương hiệu phải là người có hình dung, tính cách đúng với hình ảnh, giá trị của thương hiệu, và thu hút đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Ngoài ra, đại sứ thương hiệu còn phải là một người có sức ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xã hội. Từ phía người nổi tiếng, các ngôi sao hạng A cũng có sự “kén chọn” của họ trong việc cân nhắc làm đại sứ với một nhãn hiệu nào đó, vì đây là một sự gắn kết mang tính “độc quyền” và dài lâu. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải bỏ qua rất nhiều những lời mời cộng tác “thời vụ” khác.

Việc tìm được những ứng viên sáng giá vốn đã rất kỳ công, giai đoạn thương thảo còn khó “nhằn” không kém. Giá trị của những hợp đồng đại sứ thương hiệu luôn ở trong tầm hàng tỷ đến chục tỷ. Trong một giai đoạn mà từng đồng tiền bỏ ra đầu tư đều cần biết được mang lại những gì thì câu chuyện tính toán ROI (Return On Investment) của các hợp đồng đại sứ thương hiệu thật vô chừng.

Đại sứ thương hiệu phải là người có hình dung, tính cách đúng với hình ảnh, giá trị của thương hiệu, và thu hút đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

Ở trên mới chỉ là hai trong vô vàn những khó khăn khi hợp tác với đại sứ thương hiệu. Không thể kể hết những vất vả từ cả phía người làm thương hiệu và người nổi tiếng khi sắp xếp lịch ghi hình, lịch phỏng vấn, lịch đi sự kiện và ty tỷ việc hậu cần khác đi kèm, vì có người nổi tiếng nào mà không bận rộn. Chưa bàn đến rủi ro lớn nhất của đại sứ thương hiệu đó là “scandal”. Không ai lường trước được một bí mật hậu trường trong giới “showbiz” khi lộ ra ngoài công chúng sẽ “viral” đến mức nào. Có những “scandal” huỷ hoại hết danh tiếng của nghệ sĩ, hậu quả tất yếu là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu mà họ hợp tác và làm điêu đứng hoạt động kinh doanh.

Vậy có lời giải nào tối ưu hơn và an toàn hơn cho thị trường đại sứ thương hiệu?

Thời đại của những đại sứ thương hiệu “ảo” lên ngôi

Trong cuộc cách mạng số, dữ liệu và công nghệ đã dần tái định hình trải nghiệm khách hàng. Gần đây nhất, AI (trí tuệ nhân tạo) đã “lột xác” thị trường đại sứ thương hiệu Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo Tóc Tiên vừa ra mắt là một cú “debut” của ứng dụng AI vào hoạt động thương mại và truyền thông tại Việt Nam.

AI có tạo nên xu hướng tại thị trường đại sứ thương hiệu Việt Nam?

Tạo hình phiên bản “ảo” của nữ ca sĩ Tóc Tiên (trái)

Trí tuệ nhân tạo Tóc Tiên là phiên bản số hoá của nữ ca sĩ Tóc Tiên với vẻ ngoài được tạo ra bởi công nghệ 3D và bộ não được phát triển, xử lý với Natural Language Processing (NLP) – Công nghệ Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên. T&A Ogilvy đã ứng dụng machine learning/ deep learning để giúp Tóc Tiên “ảo” học được khả năng sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ của nữ nghệ sĩ “Ngày tận thế”, cách giao tiếp tinh quái và cả cách tạo ra những nội dung hợp thời và đậm chất Tóc Tiên.

Trên thế giới, sự xuất hiện của các ngôi sao “ảo” đã được hiện thực hoá. Imma – người mẫu thời trang “ảo” nổi tiếng của Nhật Bản gây bão truyền thông năm 2019 là một cô gái được “dựng” hoàn toàn trên máy tính. Mái tóc màu hồng đặc trưng, phong cách thời trang bắt kịp xu hướng, Imma có hơn chục ngàn người theo dõi (followers) trên Instagram, “thật” như bất kỳ một người nổi tiếng nào tại Nhật Bản. Không chỉ riêng Nhật Bản, Lil Miquela, ca sĩ ảo Mỹ gốc Brazil, “ra đời" năm 2017 cũng đã làm nên tên tuổi của mình khi có hơn 500.000 người theo dõi trên Instagram, sở hữu bài hát xếp hạng 8 trên Bảng xếp hạng Spotify vào tháng 8/2017.

AI có tạo nên xu hướng tại thị trường đại sứ thương hiệu Việt Nam?

Imma – Người mẫu thời trang “ảo” nổi tiếng của Nhật Bản

Phiên bản AI của Tóc Tiên của thị trường Việt Nam lại là một trường hợp khác biệt của thế giới. Đây là tiền lệ đầu tiên một người nổi tiếng “ảo” được mô phỏng từ một ngôi sao “thật”, điều này đồng nghĩa với việc các dữ liệu mà robot được học sẽ hoàn toàn là dữ liệu thật, từ cách sử dụng ngôn ngữ đến các hành vi giao tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những đặc tính vượt trội của một ngôi sao “ảo” vẫn được phát huy, đó là sự không ngừng học hỏi và “tiến hoá” theo thời gian, sự mới mẻ và cấp tiến trong hình ảnh, cộng thêm khả năng ứng dụng linh hoạt vào các ý tưởng truyền thông.

Tóc Tiên “ảo” hiện có tài khoản riêng trên Facebook tại địa chỉ Toc Tien Clear Head được kết nối với tài khoản của Tóc Tiên thật. Cô có thể kết bạn với người dùng và tương tác rất nhanh trong vòng vài phút khi người dùng chia sẻ nội dung có #NóngQuáĐi. Hình ảnh bắt mắt và gần như “song sinh” với Tóc Tiên thật, Tóc Tiên phiên bản AI cũng có thể trò chuyện với người dùng trên chính trang cá nhân của họ, về tất cả các chủ đề thời thượng có liên quan đến thương hiệu, giúp trải nghiệm với thương hiệu được cá nhân hoá tối đa.

Tối đa hoá sức hấp dẫn trong tương tác 24/7 của thương hiệu

Người nổi tiếng phiên bản “ảo hoá” mang lại gì cho doanh nghiệp và thương hiệu? Bà Nguyễn Diệu Cầm – Tổng Giám đốc T&A Ogilvy tự tin rằng đây sẽ là một giải pháp đáp ứng được những yêu cầu ngày càng phức tạp về cả truyền thông lẫn thương mại của doanh nghiệp.

AI có tạo nên xu hướng tại thị trường đại sứ thương hiệu Việt Nam?

Bà Nguyễn Diệu Cầm – Tổng Giám đốc T&A Ogilvy

Theo bà Nguyễn Diệu Cầm “Việc sở hữu một người nổi tiếng ‘ảo hoá’ từ người thật sẽ cho thương hiệu vô vàn cơ hội để hiện thực hoá mọi ý tưởng truyền thông, từ những mẩu quảng cáo đơn giản cho đến những hình thức tưởng chừng rất phức tạp, cầu kỳ như MV (video ca nhạc), đại nhạc hội, v.v… Mức chi phí hợp lý chỉ bằng một phần nhỏ so với sử dụng hoàn toàn người thật, thời gian sản xuất chủ động vì không phải phụ thuộc vào lịch trình dày đặc của người nổi tiếng, sự kiểm soát gần như tuyệt đối về mặt hình ảnh đi đúng với định hướng thương hiệu, là những ưu điểm vượt trội của người nổi tiếng phiên bản ‘ảo hoá’.

Bên cạnh sự tối ưu hoá về chi phí và hiệu quả trong hoạt động truyền thông, người nổi tiếng “ảo”, với khả tăng tương tác bằng ngôn ngữ, cá tính, diện mạo, và sức hút của người thật, mọi lúc, mọi nơi, trên quy mô lớn, còn giúp nâng tầm trải nghiệm khách hàng, tạo ra sự cá nhân hoá và kết nối sâu với cảm xúc của công chúng”.

Đưa các ứng dụng AI sinh động và mới mẻ như vậy vào một lĩnh vực truyền thống như đại sứ thương hiệu giúp tăng đáng kể độ phủ của sản phẩm, qua đó gia tăng sự gắn kết với người dùng, tăng độ hài lòng về sản phẩm, và cho phép các thương hiệu xác định chính xác khách hàng mục tiêu cũng như cung cấp được dịch vụ mà khách mong đợi. Trong tương lai gần, sẽ còn có những công nghệ tiên tiến hơn nữa như phản hồi cảm xúc – ví dụ như dựa trên biểu cảm gương mặt hoặc hành vi điều phối người mua hàng đến các danh mục sản phẩm phù hợp. Cùng với sự hỗ trợ của các giải pháp thương mại điện tử, người nổi tiếng “ảo” sở hữu một tiềm năng lớn trở thành nhân tố hỗ trợ đắc lực cho cuộc cách mạng thương mại số của doanh nghiệp.

Nguồn Ogilvy