Đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á

Đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á

Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4/2020.

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Mastercard Impact Studies™ tại 10 nước ở Châu Á – Thái Bình Dương, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4/2020 nhiều hơn trong tháng 3/2020.

Đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á

Dịch vụ giao hàng tận nơi phát triển mạnh trong mùa dịch
Ảnh: Bangkok Post

Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Cùng với đó, người dân giảm sử dụng tiền mặt, với 67% tại Singapore, 64% tại Malaysia và Philippines, và 59% tại Thái Lan. Các phương thức thanh toán không tiếp xúc cũng ngày càng phổ biến. Tại Singpore, 31% người được khảo sát có xu hướng thực hiện thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng. Riêng Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất ở ví điện tử và ví di động.

Đối với vấn đề tâm lý, khoảng 83% người dân Philippines vẫn thận trọng và e ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, con số này tại Malaysia là 70%, Singapore là 55%, và Thái Lan là 41%. Trên toàn khu vực, người dân cũng lo ngại về tác động của đại dịch đối với tài chính gia đình. Tình trạng bất ổn này cũng khiến cho 80% tại Philippines, 75% tại Malaysia, 74% tại Thái Lan và 65% tại Singapore dè chừng trước những khoản mua sắm giá trị lớn.

Một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trong trong thời gian dài.

Dù có những lo ngại, người tiêu dùng trong khu vực vẫn giữ thái độ lạc quan và tin tưởng về năng lực ứng phó, kiểm soát dịch bệnh của quốc gia họ. Tại Singapore, 88% người tham gia khảo sát cảm thấy tích cực về cách thức Chính phủ và các ngân hàng đang hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng. Với niềm tin này, 20% người được hỏi cho biết họ sẽ tăng mức đầu tư trong vài tháng tới.

Báo cáo chỉ ra rằng, một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trong trong thời gian dài.

Trên thực tế, như ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách các Thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á, Mastercard đánh giá: “Mặc dù các tổ chức, doanh nghiệp và thị trường đã xây dựng kế hoạch cho việc phục hồi, những lo ngại về an toàn và sức khoẻ của người dân sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược được đưa ra”.

Trong giai đoạn đầy thách thức này, Mastercard cam kết tận dụng sức mạnh về dữ liệu để giúp các doanh nghiệp ở những quy mô khác nhau có thể thích ứng, phát triển song hành với sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, hành vi của người tiêu dùng. Cách thức hỗ trợ của Mastercard là cung cấp các công cụ thương mại điện tử, gia tăng hạn mức thanh toán không tiếp xúc, và dẫn dắt quá trình chuyển dịch sang hình thức thanh toán không tiếp xúc trên toàn khu vực.

Thuỷ Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư