Đưa P2P vào sandbox
Một thử nghiệm cần thiết cho mô hình mới trong thị trường vay tiêu dùng.
Mô hình vay ngang hàng (peer to peer – P2P Lending) cuối cùng cũng được tham gia cơ chế thử nghiệm (sandbox) theo Dự thảo Nghị định đang được xây dựng cho việc phát triển lĩnh vực fintech. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có khoảng 34 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỉ trọng lớn, còn lĩnh vực cho vay ngang hàng có khoảng 40 công ty.
Sự trỗi dậy của P2P
Hiện có 4 mô hình P2P khác nhau: công ty ứng dụng công nghệ kết nối người đi vay và cho vay qua app; công ty kết nối và thẩm định khả năng trả nợ của người vay để thông báo cho người cho vay; công ty kết nối, đề xuất lãi suất cho vay, tư vấn quản lý rủi ro, pháp lý thu hồi nợ; và cuối cùng là công ty biến tướng huy động vốn của người dân rồi cho vay lại, hoạt động như một ngân hàng.
Từ 2-3 năm qua, đã có cả trăm doanh nghiệp tham gia vào thị trường P2P tại Việt Nam. Trong đó, nhiều công ty đang cho vay ngang hàng nhưng về cơ bản là hoạt động tự phát như Tima, Fiin, Mofin, Lendbiz, bên cạnh các website như canvaytien.info, vaymuon.vn... Tuy nhiên, cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật chưa giao cho cơ quan chức năng nào quản lý.
Nhiều ứng dụng núp bóng dưới danh nghĩa cho vay ngang hàng để trở thành “tín dụng đen” biến tướng, khiến dư luận xã hội bức xúc và các nhà quản lý đau đầu. Chẳng hạn, công an vừa xử lý hàng loạt ứng dụng cho vay qua app (do người Trung Quốc điều hành) với lãi cao và thực hiện các hành vi “khủng bố” khách hàng không trả nợ; lãi vay qua app có khi lên đến 1.000%.
Trong khi đó, trên thị trường đã có những công ty kinh doanh theo mô hình P2P xử lý vài ngàn hồ sơ vay mỗi ngày, tổng dư nợ có quy mô ngang bằng một ngân hàng.
Chẳng hạn, khởi nghiệp từ năm 2015, đến nay, sàn Tima có 30.607 đơn vị, cá nhân cho vay và hơn 2,7 triệu người vay, xử lý gần 5.000 đơn vay mỗi ngày, tổng số tiền kết nối giải ngân qua sàn đạt hơn 2 tỉ USD.
Robocash dẫn số liệu từ Statista cho thấy dư nợ thị trường cho vay P2P toàn cầu đã tăng từ 9 tỉ USD năm 2014 lên 54 tỉ USD vào năm 2018 và sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn nữa trong vài năm tới. Hiện trên thế giới có 5 công ty lớn nhất về cho vay ngang hàng gồm Lending Club, Prosper, SoFi (đều ở San Francisco), Zopa và RateSetter (ở London), tạo ra hàng triệu khoản vay. Trong vòng 5 năm qua, các nước tại châu Á đã tích cực thúc đẩy phát triển loại hình dịch vụ này như Singapore, Indonesia, Hàn Quốc hay Thái Lan...
Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc (chiếm tới 700 trong tổng số 920 công ty dịch vụ tài chính ở châu Á) đã yêu cầu hơn 40 doanh nghiệp P2P tại Thượng Hải phải đóng cửa. Hành động quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải tổ một ngành công nghiệp mang theo khoản nợ hơn 150 tỉ USD và có tới 50 triệu nhà đầu tư khi đỉnh điểm, nhưng sụp đổ vì những vụ gian lận, lừa đảo, vỡ nợ...
Loại bỏ dần các rào cản
Tình hình có thể diễn ra tương tự tại Việt Nam nếu không có biện pháp quản lý kịp thời khi thị trường cho vay tiêu dùng đang bùng nổ. Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng).
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức. Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỉ đồng. Chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14%, thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng tín dụng đen bùng nổ mạnh như hiện nay cho thấy nhu cầu về khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân là rất lớn.
Mô hình P2P sẽ góp phần khiến thị trường vay mượn sôi động hơn khi có thể huy động nguồn vốn từ người dân. Mặt khác, đây cũng là kênh đầu tư cho nhiều người dân có tiền và có nhu cầu đầu tư nếu mọi thứ được an toàn, minh bạch, sinh lời và hợp pháp. Theo ông Trần Thế Vĩnh, CEO Tima, nhóm người dân ở vùng nông thôn là thị trường tiềm năng rất lớn cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nếu có hành lang pháp lý cho fintech như mô hình P2P cũng giúp nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Bởi vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành các quy định để phát triển thêm sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Muốn vậy, mô hình kinh doanh này trước mắt cần loại bỏ các rào cản như phòng chống rửa tiền, an ninh mạng hay lãi suất quá cao, sử dụng vốn sai mục đích và tỉ suất sinh lợi bị đẩy lên mức bất hợp lý... Có thể thấy, một trong những điểm mấu chốt của mô hình cho vay ngang hàng là hệ thống đánh giá rủi ro. Điểm xếp hạng này sẽ quyết định lãi suất của khoản vay, là thông số cơ bản để nhà đầu tư quyết định rót tiền.
Từ nhu cầu thực tế, ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cấp cao Công ty VFL, nhận định, cơ chế thử nghiệm sandbox cho P2P Lending là cần thiết để tạo không gian cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động và thực tế cho các nhà làm chính sách theo dõi.
Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư