Heineken thu mua thành công Tiger
Trong bản thông cáo được phát đi từ trụ sở của Heineken ở Amsterdam, hãng bia Hà Lan cho biết họ đã đề nghị mua lại toàn bộ cổ phần của F&N trong APB với giá 50 Đôla Singapore/cổ phiếu, tức là cao hơn 45% so với giá trung bình của cổ phiếu này trong vòng hơn một tháng qua. Tổng giá trị của thương vụ là 5,1 tỷ Đôla Singapore, tương đương với 4,1 tỷ USD.
Như vậy, Heineken đã thu mua thành công APB với đúng mức giá hãng đề xuất ban đầu, thay vì mức 60 Đôla Singapore/cổ phiếu như giới phân tích dự đoán trước tình trạng có vẻ muốn trì hoãn thương vụ của Tập đoàn chế biến thực phẩm và đồ uống F&N. Động thái này giúp Heineken nắm được 82% cổ phần tại APB. Hãng bia này trước đó sở hữu số cổ phần trong APB là 42%.
APB là doanh nghiệp sở hữu 24 nhãn hàng đồ uống tại châu Á. Việc mua lại 40% cổ phần của F&N sẽ giúp Heineken bảo vệ được vị thế của mình lại châu Á, trước mối đe dọa từ người giàu thứ hai ở Thái Lan, người sở hữu hãng đồ uống Thai Beverage. Đồng thời, Heineken sẽ tiếp cận trực tiếp các thị trường sôi động trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...
Trong số các nhãn hàng đồ uống của APB, nhãn hiệu bia Tiger là điểm nhấn chính. Sản phẩm bia mang nhãn hiệu này đã tung hoành ngang dọc trên khắp các thị trường châu Á và được nhiều người tiêu dùng hâm mộ. Việc thu mua thành công APB của Heineken được các chuyên gia thị trường đánh giá là một bước đi khôn ngoan, hướng tới làm chủ thị trường châu Á.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, tuy là công ty sản xuất bia lớn thứ ba thế giới, chiếm tới 8,8% thị phần toàn cầu, song sự hiện diện của Heineken tại các thị trường mới nổi khá thấp. Trong khi, thống kê của Euromonitor International cho thấy, trong năm 2011, doanh số 615,8 tỷ USD của thị trường bia toàn cầu chủ yếu đến từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Chưa hết, tại một số quốc gia châu Á như Malaysia và Indonesia, để nhận được giấy phép sản xuất bia tại chỗ là một vấn đề vô cùng nan giải. Vì thế, việc thu mua lại doanh nghiệp địa phương đang có thực lực trên thị trường là cách dễ dàng nhất có thể giúp hãng bia Hà Lan thực hiện được giấc mơ mở rộng đầu tư và bước chân vào các thị trường khó tính này.
Theo số liệu thống kê hồi tháng 10/2011 của Heineken và Plato, tổng mức thị phần của Heineken và Tiger tại châu Á - Thái Bình Dương là xấp xỉ 32%. Kể từ năm 2001, thị phần của cả nhãn hàng này đều tăng. Bởi vậy, mặc dù giá thu mua không hề rẻ, nhưng theo giới phân tích, đây là thỏa thuận cần thiết để đảm bảo tương lai cho hãng bia Hà Lan tại khu vực châu Á.
Phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 3/8, cổ phiếu của Heineken đã tăng lên mức 46,3 Euro sau khi thỏa thuận thu mua thành công được công bố. Tại châu Á sáng nay (6/8), theo hãng tin tài chính Bloomberg, cổ phiếu của F&N tăng được 4,9% lên 8,55 Đôla Singapore. Trong khi cổ phiếu của công ty Thai Beverage thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan giảm mạnh 2,9%.