Sóng lạ M&A
Sóng ngầm M&A khi các nhà đầu tư tận dụng sự khó khăn của doanh nghiệp để thâu tóm với nhiều mục đích.
Chờ kỷ lục M&A mới
Cơn sóng ngầm đang diễn ra thời hậu COVID-19 khi các nhà đầu tư tận dụng sự khó khăn của doanh nghiệp để tiến hành M&A hoặc thâu tóm. Thị trường M&A ghi nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan vẫn đang săn tìm doanh nghiệp Việt với một số thương vụ lớn. Chẳng hạn, Công ty Năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation thông báo sẽ chi 456,7 triệu USD để đầu tư vào cụm 4 dự án nhà máy điện tại tỉnh Bình Phước. Tập đoàn đa ngành của Thái Lan SCG tuyên bố sẽ mua cổ phần Bao bì Biên Hòa (SVI) trị giá hơn 19 triệu USD...
Có thể thấy, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào chính sách vĩ mô trong khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. “Thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam trở lại trạng thái bình thường và sẽ có hàng loạt thương vụ M&A, khi các nhà đầu tư đang tái khởi động, cũng như cần nắm bắt cơ hội đón đầu làn sóng FDI”, báo cáo của JLL nhận định.
Ông Stuart Crow, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn khu vực châu Á – Thái Bình Dương của JLL toàn cầu, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới khi đón đầu dòng vốn FDI trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có bất động sản”.
Những tính toán khác
Đáng chú ý là lượng vốn khủng lên tới hơn 6.000 tỉ USD mà các nước phát triển đang bơm vào thị trường để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Về con số này, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital, cho biết: “Chúng tôi tin rằng những nhà đầu tư nước ngoài – những người có thể tiếp cận với nguồn vốn đang được bơm vào các nền kinh tế – cũng chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam. Bởi vì tại Việt Nam, họ có thể hưởng lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3-4% và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%. Đây thực sự là một nguồn lợi lớn khi đầu tư vào Việt Nam”.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 2,99 tỉ USD, bằng 39,1% so với cùng kỳ. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 5 tháng đầu năm 2019. Các nhà đầu tư phần lớn đến từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật, Singapore hoặc sự dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và lo ngại dịch COVID-19.
Theo ông Đặng Xuân Minh, đại diện Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán Doanh nghiệp (CMAC), đồng sáng lập Diễn đàn M&A Việt Nam, dù tình hình khó khăn nhưng nửa cuối năm vẫn xuất hiện các thương vụ M&A nhưng ở quy mô vừa và nhỏ. Những lĩnh vực được dự báo tiếp tục thu hút vốn là bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng.
Thay vì thành lập công ty mới, một số nhà đầu tư chọn phương án mua lại để tiết giảm chi phí và thời gian, nhất là cơ hội mua được hàng giá rẻ. Việc các doanh nghiệp nước ngoài góp vốn giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận được với hệ sinh thái, đảm bảo sự cung ứng không đứt gãy trong chuỗi liên kết hàng hoá trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều lo ngại cho thị trường nội địa khi xuất hiện những doanh nghiệp nước ngoài thông qua các thương vụ M&A để chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài mục tiêu đầu tư tài chính, chiến lược vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều thương vụ nằm trong tính toán “mua đi bán lại” của giới đầu tư. Bên cạnh đó, một số nước Đông Nam Á sử dụng M&A để đối phó với những thách thức phát sinh từ chênh lệch tăng trưởng giữa các quốc gia trong khu vực cũng như biến động chính trị.
Vì vậy, nhiều nước dựng lên rào cản nhằm tránh nguy cơ các doanh nghiệp bị nước ngoài thâu tóm, đặc biệt là làn sóng “mua lại thế giới” từ Trung Quốc. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, đối với việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp bình thường, nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp. Hiện tượng M&A thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ. Vì vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chọn ngành nghề mời gọi đầu tư phải đi cùng với quy định tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp FDI để có sự khống chế tỉ lệ hợp lý, có thể điều chỉnh theo cung cầu của thị trường, tránh tình trạng doanh nghiệp bị thôn tính một cách bất hợp lý.
Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư