Thị trường bán lẻ vào giai đoạn tái cấu trúc

Thị trường bán lẻ vào giai đoạn tái cấu trúc

Số lượng siêu thị sụt giảm trong khi cửa hàng tiện lợi bứt phá, đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bán lẻ đang vào giai đoạn tái cấu trúc.

Trong cao điểm giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phải đóng cửa đến 85% số cửa hàng trong chuỗi. Qua cao điểm dịch, doanh nghiệp phải sắp xếp lại hoạt động của hơn 20 cửa hàng.

Chỉ tiêu doanh thu năm bị điều chỉnh giảm 15%, lợi nhuận giảm 30% so với năm ngoái, doanh nghiệp buộc phải thực thi các kế hoạch tái cấu trúc nhanh hơn vì “chất xúc tác” COVID-19.

Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa thể dự đoán một tình hình sáng sủa cho tương lai của ngành bán lẻ, đặc biệt là ngành trang sức. Do đó, về hệ thống bán lẻ, chúng tôi sẽ tái cấu trúc lại. Hiện nay các bạn có thể thấy chúng tôi đang phân ra – tùy theo thị trường khu vực sẽ có từng mô hình cửa hàng ở cấp độ, hình thái khác nhau”.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Asia Plus, tính đến hết tháng 3 năm nay, số lượng từng loại hình bán lẻ tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt so với năm trước đó. Số lượng siêu thị giảm 12%, trong khi các mô hình bán lẻ nhỏ hơn như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini lại tăng mạnh 60%. Cho thấy lợi thế phát triển của các mô hình mặt bằng nhỏ, tiết kiệm chi phí, dễ phủ rộng nhanh chóng.

Thị trường bán lẻ vào giai đoạn tái cấu trúc

Tính đến hết tháng 3 năm nay, số lượng từng loại hình bán lẻ tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt so với năm trước đó.
Ảnh: Dân trí

Ngay khi cao điểm dịch kết thúc, một số nhà bán lẻ cũng đang bắt tay mở rộng độ phủ chuỗi cửa hàng tiện lợi của mình. Có doanh nghiệp xác định mục tiêu lên gấp 30 lần quy mô hiện tại nhưng không phải bằng cách bỏ tiền túi đầu tư mà thông qua nhượng quyền cho bên ngoài để chia sẻ chi phí và rủi ro.

Theo ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc, Saigon Co.op: “Với hình thức nhượng quyền này, tôi nghĩ đối với thị trường tỉnh, những người nhận nhượng quyền là những người địa phương thì họ sẽ hiểu văn hoá địa phương tốt nhất. Giúp chúng tôi đỡ chi phí và việc phải đi tìm kiếm các mặt bằng phù hợp”.

Một khảo sát của Google cho thấy lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm mua hàng trực tuyến tăng hơn 40% vì ảnh hưởng của dịch. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và có thể là “kim chỉ nam” cho các chiến lược tái cấu trúc của nhà bán lẻ. Việc mới đây doanh nghiệp bán lẻ lập kỷ lục mỗi giờ bán được 1 tấn vải trên nền tảng ví điện tử là một minh chứng.

Trong giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu của nhà bán lẻ có thể bị sụt giảm nhưng tiêu chí thành công là phải cải thiện được biên lợi nhuận.

Theo ông Kengo Kurokawa, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus: “Điều tích cực đó là hiện nay tại Việt Nam chúng ta đã thấy sự phát triển của các doanh nghiệp giao hàng dựa trên công nghệ và hệ thống thanh toán điện tử. Sự tập trung cho các kênh trực tuyến, tiếp thị trực tuyến là điều chắc chắn. Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống cửa hàng trực tiếp, khi tỉ trọng cửa hàng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ là 20%, thấp đến phân nửa so với mức trung bình ở châu Á. Do đó giải pháp tối ưu vẫn là bán hàng đa kênh”.

Trong giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu của nhà bán lẻ có thể bị sụt giảm nhưng tiêu chí thành công là phải cải thiện được biên lợi nhuận. Ngoài vấn đề cắt giảm các chi phí thông thường, từ bây giờ một số doanh nghiệp đã quyết định mạnh tay đầu tư cho các hệ thống chuyển đổi số để tối ưu hoá quy trình để gặt hái quả ngọt trong những năm sau.

Chinh Vũ – Minh Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư