ĐHĐCĐ KIDO Foods: Sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, quay lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho Mondelez

ĐHĐCĐ KIDO Foods: Sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, quay lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho Mondelez

Quý III/2020, KDC sẽ quay lại mảng cốt lõi là bánh kẹo, mảng trước đây KDC là thương hiệu đứng đầu thị trường với thị phần gần 40% và đã bán cho Mondelez 5 năm trước.

Sáng 9/6, CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KIDO, mã KDF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Năm 2019, KDF ghi nhận doanh thu thuần 1.383 tỷ đồng, tăng 10% so với 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 185 tỷ đồng, tăng 488% so với 2018.

Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu ở mức 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15,7%7,9% so với 2019.

Đại hội trình cổ đông phương án sáp nhập KDF vào CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC), việc sáp nhập vào KDC được thực hiện bằng cách KDC sẽ phát hành thêm cổ phần để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của KDF.

Cụ thể, KDC sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phần để hoán đổi 17,76 triệu cổ phần của KDF, tương ứng 32,79% tổng số cổ phần đang lưu hành của KDF cho tất cả cổ đông đang nắm giữ với tỷ lệ 1:1,3, tức 1 cổ phiếu KDF đổi 1,3 cổ phiếu Kido.

ĐHĐCĐ KIDO Foods: Sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, quay lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho Mondelez

Sau khi hoàn tất việc hoán đổi, vốn điều lệ KDC sẽ tăng thêm khoản tương ứng với giá trị của tổng số cổ phần thực tế mà KDC đã phát hành thêm để hoán đổi 17,76 triệu cổ phần KDF. Đồng thời, KDF sẽ được chuyển đổi từ Công ty Cổ phần sang Công ty TNHH MTV do KDC sở hữu 100% vốn điều lệ.

Căn cứ vào kế hoạch và phương án sáp nhập KDF vào KDC, HĐQT công ty thông qua kế hoạch chi trả cổ tức đặc biệt dự kiến năm 2020 là 30% mệnh giá cổ phần, tương đương 3.000 đồng/cổ phần. Việc chốt danh sách trả cổ tức đặc biệt 2020 sẽ được thực hiện cùng lúc với việc chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập vào KDC. Thời gian thực hiện trước ngày công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV.

Trong phần thảo luận, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT KDC, thành viên HĐQT KDF cho biết, KDF là công ty đầu tiên sáp nhập vào KDC. Sắp tới Dầu Tường An (mã TAC) sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường lấy ý kiến việc sáp nhập vào KDC. Tiếp đến là Vocarimex (mã VOC) sau khi nhà nước thoái vốn 36%, KDC thực hiện hoán đổi để sáp nhập.

“Việc sáp nhập tạo sức mạnh về quản trị, logistics, vốn, cải thiện về thanh khoản cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, hệ thống phân phối tăng mạnh hơn. Quý III/2020, KDC sẽ quay lại mảng cốt lõi là bánh kẹo là mảng trước đây KDC là thương hiệu đứng đầu thị trường với thị phần gần 40% và đã bán cho Mondelez 5 năm trước”, ông Trần Lệ Nguyên cho biết.

ĐHĐCĐ KIDO Foods: Sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, quay lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho Mondelez

Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ với báo chí tại đại hội KDF
Ảnh: Huyền Trâm

Đề cập tới thông tin KDC kết hợp với Vinamilk (mã VNM) lập liên doanh tham gia lĩnh vực nước giải khát và kem, ông Nguyên đánh giá, VNM sẽ hỗ trợ KDC mảng nước giải khát, kem về kênh phân phối, giá thành nguyên liệu. “Sau khi thành lập liên doanh, KDC được VNM hỗ trợ toàn hệ thống kênh phân phối tại thị trường Việt Nam và cả thị trường xuất khẩu”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, tại thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán đều đánh giá Việt Nam không có doanh nghiệp hàng thiết yếu tiêu dùng có size lớn chỉ có công ty lẻ tẻ.

“Thị trường chứng khoán tuy có 700-800 doanh nghiệp nhưng chưa có công ty hàng tiêu dùng lớn, nếu sáp nhập thì quỹ đầu tư sẽ quan tâm. Nếu KDC kết hợp VNM tương lai size sẽ lớn”, ông Nguyên nói.

Trả lời cổ đông về tình hình cạnh tranh trên thị trường sau dịch COVID-19, lãnh đạo KDF cho biết đứng sau công ty có VNM và một số hãng kem nhập khẩu. Khi đại dịch xảy ra cũng ảnh hưởng tới công ty, tuy nhiên với sự dịch chuyển kênh phân phối phù hợp nên không bị ảnh hưởng nhiều.

“Tháng 6 công ty ra sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, kết hợp với VNM để xuất khẩu. Chiến lược sắp tới là mở rộng tạo thêm lợi nhuận”, lãnh đạo KDF cho biết.

ĐHĐCĐ KIDO Foods: Sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, quay lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho Mondelez

Liên doanh KIDO Food và Vinamilk

Theo lãnh đạo KDF, hiện nay quy mô ngành nước giải khát khá lớn, hơn 120.000 tỷ đồng, dự báo còn tăng trưởng. Hiện thu nhập người dân đang tăng lên, nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi lớn. Việc kết hợp 2 bên đủ điều kiện để liên doanh tham gia ngành này tin rằng còn khoảng trống để gia nhập. Với việc tập trung nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng cho thấy nhu cầu người tiêu dùng chưa được thoả mãn, sắp tới ra mắt sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

“Hai thương hiệu lớn cộng hưởng nguyên hệ thống kênh phân phối gần 1 triệu điểm, chưa có đơn vị nào ở Việt Nam có kênh phân phối này. Hai thương hiệu đâu thua kém những thương hiệu của các nước. Size của 2 đơn vị cộng lại thì giá thành sẽ thấp, vì có logistics sẵn có, không phải là hoàn toàn mới thâm nhập vào thị trường”, ông Trần Lệ Nguyên cho biết.

Cũng theo ông Nguyên, KDC và VNM đều có quản trị, kênh phân phối tốt, logistics đi khắp cả nước. VNM còn có thị trường xuất khẩu mà VNM hiện chỉ có ngành sữa, theo đó mới cộng tác với KDC để thị trường có nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng với chất lượng tốt, giá hợp lý, bao bì đẹp và đặt mục tiêu sẽ đứng thứ nhất hoặc nhì thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thận trọng khi đưa ra đánh giá rằng thời gian tới sẽ có khó khăn nhưng với nền tảng của 2 bên sẽ làm được.

Huyền Trâm
Nguồn BizLive