Ecommerce chia lại chiến tuyến
Các thương vụ M&A diễn ra nhằm lập lại trật tự của một thị trường thương mại điện tử “đỏ lửa” tiêu tốn hàng chục ngàn tỉ đồng trong nhiều năm qua.
Thời gian qua, có nhiều thông tin về vụ sáp nhập giữa Tiki và Sendo nhất là sau khi xuất hiện gian hàng Tiki Trading Platinum Mall trên Sendo. Báo cáo thường niên 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho biết đã tiếp nhận hồ sơ về tập trung kinh tế giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (sendo.vn) và Công ty Cổ phần Tiki.
Thế chia ba
Có thể thấy, Tiki và Sendo đang hoàn tất những bước cuối cùng để hoàn tất thương vụ M&A giữa 2 sàn thương mại điện tử nội địa. Nếu thương vụ thành công, cục diện thị trường thương mại điện tử (eCommerce) tại Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng “chia ba” với sức mạnh tương đồng: một bên là sàn nội Tiki + Sendo, một bên là Lazada và còn lại là Shopee. Vụ sáp nhập này diễn ra trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa dứt khỏi thua lỗ triền miên với tổng lỗ lũy kế đến năm 2018 lên tới 12.500 tỉ đồng. Để đánh chiếm thị phần, các đối thủ ngoại vẫn tiếp tục đốt tiền trong cuộc chiến này cho khuyến mãi, marketing, kho bãi...
Sức ép cạnh tranh khốc liệt đã buộc hàng loạt trang thương mại điện tử phải rời sàn hoặc sáp nhập vào các đối thủ khác như robins.vn, zalora.vn, vuivui.com, adayroi.com hay lotte.vn... Ông Yoshihiro Ishawata, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư SBI Venture Capital, dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam tập trung thị phần vào 4 doanh nghiệp mạnh nhất. “Sự cạnh tranh giữa 4 doanh nghiệp sẽ gay gắt hơn nữa. Các thương vụ M&A sẽ diễn ra, để rồi chỉ còn 2-3 cái tên trụ lại, chiếm thị phần lớn nhất”, ông nói.
Để trụ lại trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này, Lazada hay Shopee đều có công ty mẹ là các tập đoàn công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào luôn sẵn sàng bơm vốn; còn Tiki và Sendo lại dựa vào các cổ đông trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Lazada nhận nguồn vốn lên tới 4 tỉ USD từ Alibaba (Trung Quốc). SEA (Singapore) tăng thêm hơn 1.200 tỉ đồng, tương đương 50 triệu USD cho vốn điều lệ của Shopee Việt Nam.
Tiki đã huy động thêm một lượng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu và 2 cổ đông chính của Tiki hiện vẫn là VNG và JD.com. Đến cuối tháng 11/2019, Sendo cũng công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa...
Những toan tính khác
Theo báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Dù thua lỗ lớn nhưng các doanh nghiệp đã ở trong thế “dừng đốt tiền là mất thị phần”. Do đó, sự sáp nhập giữa Tiki và Sendo cũng là giải pháp để có thêm nguồn lực tài chính “trụ hạng” trước sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Lazada và Shopee. Nhiều con số cho thấy, Shopee năm ngoái xử lý 1 triệu đơn hàng giao mỗi ngày, Lazada là 700.000 đơn. Sendo.vn, Tiki.vn dao động ở mức 500.000-600.000 đơn/ngày.
“Thương vụ thành công sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường, bởi họ sẽ bổ trợ, hỗ trợ nhau để tăng sức mạnh, năng lực cạnh tranh. Sendo có lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành, trong khi Tiki tập trung ở các đô thị lớn”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), nhận xét.
Thương vụ sáp nhập cũng cho thấy cuộc đua ngầm khác về tài chính, đặc biệt là cách để đẩy giá cổ phiếu cho công ty mẹ hoặc thu hút thêm vốn đầu tư. “Cả hai kết hợp với nhau thì vẫn có thể đảm bảo cùng tiếp tục theo đuổi con đường từ đầu của mình, lại vừa có thể mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư nhờ vào lượng khách hàng đông đảo từ cả hai bên. Tiki – Sendo sau sáp nhập thậm chí có thể gọi vốn tới cả trăm triệu USD”, ông Đặng Đăng Trường, đại diện iPrice Việt Nam, nhận định.
Thị trường startup Đông Nam Á hiện đang gặp khó khăn trong việc gọi vốn sau sự sụp đổ của WeWork. Trước đó, ông Jeffrey Paine, đồng sáng lập kiêm Đối tác Điều hành Quỹ Golden Gate Ventures, dự đoán các công ty công nghệ có thể huy động vốn trước quý III/2020, sau đó thì sẽ khó khăn hơn. “Các quỹ sẽ không mặn mà với các công ty khởi nghiệp hướng đến người tiêu dùng, điển hình như thương mại điện tử”, ông Jeffrey Paine cho biết.
Vì vậy, nhằm gia tăng sức hấp dẫn trước các nhà đầu tư nước ngoài, cả Sendo lẫn Tiki cần phải làm mới hoặc tạo đột biến về quy mô. Bên cạnh đó, sáp nhập cũng làm tăng tài sản giá trị nhất của các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là mạng lưới bán hàng và tập khách hàng. Với hệ thống hàng chục triệu người sử dụng, các trang thương mại điện tử đang sở hữu tài nguyên giá trị, sử dụng hệ thống với những mục tiêu khác. Ví dụ, Alibaba sử dụng Lazada để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam. Liên minh giữa Tiki và Sendo cũng có vai trò tương tự.
Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư