Ông Nguyễn Đức Tài: Trong tương lai, không còn phân biệt bán lẻ online và offline
Làm offline khó hơn nhiều vì vận hành mạng lưới cửa hàng và DC (trung tâm phân phối) phức tạp.
Ngày 6/6, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Theo đó, Ban Lãnh đạo Thế Giới Di Động đã giải đáp những câu hỏi của cổ đông liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Khi được hỏi về cách ứng phó của Thế Giới Di Động trong bối cảnh ngành bán lẻ đang đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động cho biết, trong tương lai, không còn sự phân biệt giữa bán lẻ online và offline. Các nhà bán lẻ online cũng phải mở mạng lưới điểm kết nối với khách hàng. Ngược lại, nhà bán lẻ offline muốn tồn tại cũng phải mở rộng bán online. Và tất cả đều phải vận hành mô hình online + offline trong 5 năm tới.
Theo ông Tài, làm offline khó hơn nhiều vì vận hành mạng lưới cửa hàng và DC phức tạp. Nếu nhà bán lẻ offline nào có ý thức đầu tư cho online sẽ đi về tương lại dễ dàng hơn so với chiều ngược lại.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, Thế Giới Di Động ghi nhận hơn 37.187 tỉ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của Công ty có phần giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 1.340 tỉ đồng.
Phía Thế Giới Di Động cho biết, doanh của Công ty bắt đầu chịu các tác động rõ rệt của đại dịch COVID-19, đặc biệt là sự gián đoạn hoạt động tại một số cửa hàng trong tháng 4.
Tuy nhiên, một điểm tích cực là doanh thu online của Thế Giới Di Động tăng mạnh, chiếm hơn 16% tổng doanh thu trong tháng 4 của Công ty. Nếu chỉ tính riêng chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, tỉ trọng doanh thu online so với tổng doanh thu của hai chuỗi này đã vượt mức 20% (tương tự giai đoạn quý I/2019) do khách hàng tại những địa phương có cửa hàng tạm đóng chuyển sang mua online.
Các nhà bán lẻ online cũng phải mở mạng lưới điểm kết nối với khách hàng. Ngược lại, nhà bán lẻ offline muốn tồn tại cũng phải mở rộng bán online.
Thế Giới Di Động cho biết, Công ty có lợi thế hơn so với các nhà bán lẻ khác trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết bị công nghệ và điện tử tiêu dùng nhanh chóng của khách hàng trong mùa dịch.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động, ông Tài cho biết, doanh thu tháng 5 không tệ. Tuy nhiên, đúng như dự báo, tháng 6 bắt đầu bị ảnh hưởng và doanh thu tháng 7 sẽ giảm vì tổng cầu giảm. Nhưng việc lợi nhuận có giảm hay không là câu chuyện khác. Vì nếu doanh thu giảm mà kiểm soát tốt chi phí và có cách thức đẩy biên lợi nhuận gộp thì lợi nhuận gộp giảm ít hơn.
Liên quan đến việc dịch bệnh xảy ra làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tài chia sẻ: "May mắn là hiện nay tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã được kiểm soát, việc xuất khẩu từ Trung Quốc đã quay trở lại nên Thế Giới Di Động không bị đứt hàng".
Tuy nhiên, theo ông Tài, tốc độ triển khai sản phẩm mới đang bị chậm lại. Thế Giới Di Động có kế hoạch triển khai nhiều sản phẩm OEM (nồi cơm điện, bàn ủi...) trước đây có thể cử đội ngũ sang tận nơi để khảo sát, trao đổi nhưng do dịch bệnh việc đi lại bị hạn chế nên tốc độ thực hiện dự án bị chậm lại. Không phải nguồn hàng bị đứt gãy ngay, nhưng nhiều cơ hội phải trì hoãn. Đây cũng là một chi phí cơ hội.
Nhật Lệ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư