COVID-19: "Cú hích" để lĩnh vực thực phẩm tươi online cất cánh tại Đông Nam Á
Mảng thực phẩm tươi và hàng tạp hóa đã không còn xa lạ với các ông lớn thương mại điện tử từ vài năm gần đây.
Theo chuyên gia, làn sóng thương mại điện tử từ dịch bệnh có thể sẽ là cú hích để lĩnh vực thực phẩm tươi online cất cánh tại Đông Nam Á trong tương lai gần.
Với hơn 35.000 ca mắc, Singapore là tâm dịch COVID-19 lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Và cũng như nhiều nơi dịch bùng phát khác, việc người dân ở trong nhà, thực hiện giãn cách xã hội đã trở thành cơ hội không thể tốt hơn cho các nền tảng thương mại điện tử và Lazada - cái tên thuộc ông lớn Alibaba cũng không nằm ngoài xu hướng.
Redmart - đơn vị bán hàng tạp hóa online của Lazada tại Singapore đã chứng kiến doanh thu các mặt hàng như thực phẩm và đồ gia dụng thiết yếu tăng tới 4 lần chỉ trong vài tuần. Công ty này cũng phải sớm tuyển thêm 500 nhân viên để đáp ứng số lượng đơn hàng chóng mặt.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Malaysia, nơi Lazada đã tiêu thụ đến 70 tấn rau củ chỉ trong 3 tuần. Hãng cũng đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đối tác nguồn cung trên toàn khu vực.
Mảng thực phẩm tươi và hàng tạp hóa đã không còn xa lạ với các ông lớn thương mại điện tử từ vài năm gần đây. Trên sân nhà Trung Quốc, Alibaba có hẳn một hệ thống siêu thị mang tên Hema, chuyên giao thực phẩm tại nhà. Amazon của Mỹ cũng mở rộng đáng kể lĩnh vực này thông qua vụ thâu tóm chuỗi Whole Foods hồi năm 2017.
Dù vậy, với thói quen của người tiêu dùng Đông Nam Á thì đây vẫn còn là một thị trường sơ khai cần được khai phá. Nhưng tiềm năng là đủ lớn để khiến các ông lớn phải quan tâm. Ngoài Alibaba, Amazon cũng đã tham gia giao thực phẩm tươi thông qua dịch vụ thành viên thuê bao Prime Now cách đây 3 năm. Các siêu ứng dụng Grab và Gojek cũng đã bắt đầu triển khai thử nghiệm dịch vụ này tại Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia.
Nhiều chuyên gia tin rằng, làn sóng thương mại điện tử từ dịch bệnh có thể sẽ là cú hích để lĩnh vực thực phẩm tươi online cất cánh tại Đông Nam Á trong tương lai gần.