Nếu Tiki và Sen Đỏ về một nhà, diện mạo mới sẽ ra sao?
Sẽ rất khó để phác thảo một bức tranh toàn diện về thương vụ Tiki và Sen Đỏ nếu hai cái tên top đầu về thương mại điện tử về một nhà, bởi thương vụ này vẫn còn nằm sau màn tối. Tuy nhiên, nếu giả định rằng điều này thành sự thật, thương vụ giữa Tiki và Sen Đỏ có thể tạo thành một đối trọng thực sự với hai ông lớn Shopee và Lazada, vốn là hai nền tảng được hậu thuẫn bởi những cổ đông ngoại.
Một nguồn tin thân cận nói với DealStreetAsia, hai trang thương mại điện tử top đầu hiện nay là Tiki và Sen Đỏ đã đồng ý thoả thuận sáp nhập. Trước đó vào tháng 2, nguồn tin của DSA cũng cho biết hai công ty này đang đàm phán để tiến đến việc về chung một nhà.
Bỏ qua các bước kỹ thuật để sáp nhập (nếu có), những thông tin này gợi mở ra hai câu hỏi lớn nhất: Nếu thực sự điều này là sự thật, diện mạo công ty mới sẽ như thế nào? Và tại sao Tiki và Sendo lại cần có nhau?
Toan tính của những người trong cuộc, tất nhiên, là những điều không dễ đoán, đặc biệt khi Sendo và Tiki đã lọt vào nhóm những nền tảng thương mại điện tử đứng đầu thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những đặc điểm chung, những lợi thế nếu thương vụ sáp nhập xảy ra, có thể lý giải một phần nguyên nhân.
Đầu tiên là lý do. Nếu xét từ khía cạnh hoạt động, Sendo và Tiki có thể là hai mảnh ghép hoàn hảo để thâu tóm được phần lớn các phân khúc thị trường. Khác các đối thủ như Tiki, Shopee hay Lazada, Sendo chọn cách tiếp cận khách hàng không quá tập trung vào thành phố lớn, thay vào đó, nền tảng này nắm một thị phần tương đối lớn ở ngoại thành và nông thôn. Nhắm vào phân khúc riêng, đó cũng là lý do Sendo tăng trưởng nhanh dù không "đốt tiền" quá mạnh như những đối thủ.
"Những bước đi của họ cho mục tiêu này đang tạm thời cho thấy kết quả, đặt biệt trong việc thu hút người dùng mới trên cả web và ứng dụng", báo cáo iPrice quý III/2019 nhận xét.
Trong khi đó, Tiki chọn trọng tâm đánh mạnh vào những thị trường lớn với ưu thế là chất lượng dịch vụ thông qua các khâu logistics và quản lý kho hàng được đầu tư mạnh. Liên tục "đốt tiền" cho các chiến dịch quảng cáo, âm nhạc nhằm gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, cùng với các chiến lược riêng về chất lượng phục vụ, nền tảng này được đánh giá là cái tên hiếm hoi có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại tại những thành phố lớn.
Như vậy, nếu Tiki và Sendo về một nhà, lợi thế đầu tiên là việc gia tăng mức độ bao phủ các phân khúc thị trường.
Lợi thế thứ hai của việc sáp nhập là giúp hai bên tiết kiệm nguồn lực đáng kể nhờ tận dụng các tài nguyên sẵn có. Ví dụ hệ thống logistics và kho hàng của Tiki có thể giúp Sendo đẩy mạnh hơn việc tiếp cận các thị trường mới, trong khi Tiki cũng có thể nhận được sự hỗ trợ về kinh nghiệm phát triển lượng truy cập nhờ vào những bước đi từ sớm của Sendo.
Trong bối cảnh các đối thủ ngoại như Lazada và Shopee được hậu thuẫn bởi những công ty mẹ có tiềm lực tài chính khổng lồ, việc tiết kiệm nguồn lực và tận dụng ưu thế lẫn nhau cũng là điều kiện cần thiết để hai "startup nội" duy trì một "cuộc chiến" dài hơi.
Báo cáo thường niên của VNG – một trong những cổ đông lớn nhất nắm 24% của Tiki – đã hé lộ con số lỗ khổng lồ của trang thương mại điện tử này năm 2019 với gần 1.800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này chỉ lỗ hơn 750 tỷ đồng. Sendo cũng báo lỗ tăng mạnh trong những năm gần đây, dù vẫn thua kém các đối thủ khác, khi sức nóng trên thị trường thương mại điện tử gia tăng.
Một lợi thế khác của thương vụ này, nếu thành công, là đưa cục diện thị trường thương mại điện tử từ 4 đối thủ lớn về thế chân vạc với Lazada – Shopee – "Ti-Đỏ". Ít đối thủ hơn không có nghĩa sức nóng trên thị trường này giảm bớt, tuy nhiên yếu tố này có thể giúp việc xây dựng các chiến dịch tăng nhận diện thương hiệu dễ dàng hơn khi khách hàng thay vì 3 lựa chọn thay thế giờ chỉ còn 2, các chiến lược nhắm tới các nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể hơn.
Ở khía cạnh diện mạo, việc sáp nhập sẽ tạo ra một thế lực đủ mạnh gây áp lực lớn hơn cho Lazada và Shopee khi phép tính 1+1 không chỉ đơn thuần bằng 2 bởi với những lợi thế kể trên, hiệu quả sẽ không chỉ là những con số được cộng cơ học.
Một công ty có quy mô vốn lớn hơn, thị phần nhiều hơn, tiềm lực mạnh hơn thì khả năng đe dọa cũng cao hơn.
Quy mô vốn và tổng tài sản sau sáp nhập lớn cũng giúp "Ti-Đỏ" có thể tiếp cận với những nhà đầu tư ở tầm khác so với trước khi sáp nhập. Những deal rót vốn với quy mô lớn hơn đồng nghĩa với tiềm lực tài chính mạnh hơn, khả năng cạnh tranh vì thế cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tất cả những câu chuyện này vẫn chỉ ở mức độ phác thảo. Thực tế, thương vụ này nếu có xảy ra cũng sẽ rất phức tạp để thực hiện. Nguyên nhân đơn giản nhất là cơ cấu sở hữu đa dạng của cả Sendo và Tiki.
Với việc liên tục đón nhận thêm cổ đông mới, cơ cấu cổ đông của cả 2 đều đang khá phân mảnh.
Đến cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa…
Trong khi đó, dù không công bố rộng rãi, Tiki cũng có 2 lần tăng vốn trong năm 2019 vào tháng 6 và tháng 12. Hai cổ đông chính hiện vẫn là VNG (24,6%) và JD.com (21.9%). Các cổ đông đáng kể khác gồm có Ubiquitous Traders Pte Ltd (gần 9%), CyberAgent, STIC, Sumitomo… Sự đồng thuận giữa những cổ đông sẽ là điều không dễ thuyết phục, đặc biệt khi khẩu vị rủi ro là khác nhau giữa những quỹ đầu tư.
Tuyết Lan
Nguồn CafeF