Vì sao Netflix có thể làm nên chuyện tại Việt Nam?
Chất lượng hình ảnh đẹp, trải nghiệm tốt đi kèm với mức thuê bao chấp nhận được đang khiến Netflix thật sự trở thành ứng dụng giải trí yêu thích của nhiều người Việt trẻ.
Vào Việt Nam đầu năm 2016, Netflix được đánh giá là khó thành công vì những hạn chế tại thời điểm đó như không có phụ đề tiếng Việt, ít chương trình phù hợp với người Việt… Tuy nhiên cùng với thời gian, Netflix đang dần bành trướng và hứa hẹn có thể làm nên chuyện ở phân khúc giải trí online của người Việt.
Netflix là gì?
Netflix là dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ, nội dung chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình được sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Tại Việt Nam, nhiều phim chiếu rạp đã được đưa lên nền tảng này như Em Chưa 18, Trạng Quỳnh, Hai Phượng…
Tương tự một số trang web như HDViet, FPT Play… ở nước ta, nhưng Netflix cung cấp kho video "khủng" với chất lượng cao hơn, có bản quyền đầy đủ và có ứng dụng để được sử dụng trên các thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng, smart tivi… Khi đó, chỉ cần có kết nối Internet và một thiết bị thông minh, là người dùng có thể thưởng thức nội dung số từ Netflix dễ dàng.
Đặc biệt, giữa bối cảnh người dùng đang thiếu các nguồn nội dung 4K để phát trên tivi 4K, thì việc Netflix có hỗ trợ phát video 4K trở thành một ưu điểm rất nổi bật và đáng để người dùng kì vọng.
Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu chính thức về lượng người sử dụng Netflix nhưng không thể thừa nhận, Netflix ngày càng thu hút tầng lớp người tiêu dùng trẻ. Vì sao lại như vậy?
Khác biệt về chất lượng và trải nghiệm
Netflix là một trong những công ty có thư viện nội dung lớn nhất toàn cầu. Với nội dung phong phú, người dùng có thể tha hồ truy cập vào các thể loại yêu thích như phim kinh điển, phim tài liệu, sitcom, phim hoạt hình…
Ngoài ra, ứng dụng Netflix được đánh giá cao về giao diện gọn gàng, đẹp mắt, dễ sử dụng và tốc độ nhanh, mượt mà, tính năng tìm kiếm hiệu quả. Đi kèm đó là chất lượng hình ảnh đẹp, không bị giật như nhiều dịch vụ xem video trực tuyến khác.
Tuy nhiên, khác biệt nhất giữa Netflix với những nền tảng phát hành phim còn lại chính là ở mặt trải nghiệm, được xây dựng dựa trên hệ thống thuật toán và dữ liệu khổng lồ của người dùng. Dựa trên lịch sử những lần xem phim trước đó, Netflix sẽ biết người dùng thích xem thế loại gì, nội dung gì để gợi ý đúng theo "khẩu vị" của họ.
Với mỗi bộ phim, Netflix cũng cẩn thận gắn một số tag quan trọng phía ngoài như "tăm tối", "thân mật", "đen tối", "xúc động", "lãng mạn"… để người dùng nhanh chóng xác định được nội dung phù hợp. Và hành trình trên Netflix, vì đã trả phí, nên người dùng hoàn toàn được trải nghiệm nội dung xuyên suốt, không bị gián đoạn bởi quảng cáo. Thậm chí, những tính năng rất nhỏ như tự động ghi nhớ mốc thời gian đang xem dở, bỏ qua phụ đề, tự động phát tập phim tiếp theo… đã được thêm vào để giữ chân người dùng ở lại lâu hơn trong thế giới của Netflix.
Giá thành không cao
Để xem nội dung số trên Netflix, người dùng phải trả thuê bao theo tháng. Tại Việt Nam, Netflix cung cấp 3 gói cước chính gồm gói Cơ bản, Tiêu chuẩn và Cao cấp.
Thoạt nhìn qua, mức giá này không hề thấp. Tuy nhiên hãy chú ý đến gói cao cấp cuối cùng: 260.000 đồng/tháng để có chất lượng hình ảnh 4K và có thể sử dụng cùng lúc 4 thiết bị. Nghĩa là nếu mua chung 1 gói và chia ra để 4 người cùng sử dụng, mỗi tháng, mỗi người sẽ chỉ mất 65.000 đồng để truy cập kho phim không giới hạn của Netflix. Mức giá này thậm chí còn rẻ hơn một số dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam hiện nay và tính ra, chỉ bằng khoảng một nửa giá vé xem phim CGV vào dịp cuối tuần.
Thay đổi thói quen người dùng
Từ 2 lý do trên, chất lượng trải nghiệm tốt và giá thành hợp lý, Netflix hoàn toàn có cửa rộng tại thị trường Việt Nam, nơi truyền hình trả tiền đã là điều bình thường và các đài truyền hình ở Việt Nam đều có các kênh phải trả phí hàng tháng.
Theo một khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3 bởi công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, Netflix nằm trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, chỉ đứng sau FPT Play. Theo đó, có 23% người được hỏi cho biết họ đang sử dụng dịch vụ của Netflix, cao hơn cả tỷ lệ của VTVCab On (ứng dụng xem truyền hình trực tuyến và video của VTVCab, PV) hay K+.
Cách Netflix chiếm thị trường Việt Nam cũng sẽ tương tự như cách Uber, hay Grab đã làm trước đây: Thay đổi thói quen của người sử dụng, thậm chí tạo thêm nhiều lớp khách hàng mới. Khi người dùng đã quen với thế giới tiện nghi của Netflix, họ sẽ khó quay về với những dịch vụ tương tự bởi lúc thì bị chèn quảng cáo, lúc thì bị đứng hình… Hoặc đơn giản, họ đã quen với "menu" đầy rẫy món ăn hấp dẫn, trình bày khoa học, được gợi ý liên tục từ Netflix nên sẽ khó chuyển sang nền tảng khác.
Tất nhiên, Netflix cũng có những điểm chưa thật sự phù hợp với thị trường Việt Nam, như việc không lồng tiếng Việt mà chỉ chạy phụ đề sẽ gây khó khăn cho tầng lớp khách hàng lớn tuổi. Ngoài ra, để thanh toán dịch vụ, khách hàng sẽ phải trả bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ visa trong khi đây chưa phải phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu khắc phục được những nhược điểm trên, đi kèm với chiến dịch truyền thông hợp lý, Netflix hoàn toàn có thể thành công tại Việt Nam. Vấn đề chỉ là thời gian.
Nhật Anh
Nguồn CafeF