Facebook Shop là đối thủ đáng gờm cho bất kỳ sàn thương mại điện tử nào?

Facebook Shop là đối thủ đáng gờm cho bất kỳ sàn thương mại điện tử nào?

Từ một mạng xã hội để kết nối người dùng, Facebook đã làm một cuộc hoán đổi ngoạn mục khi lộ rõ tham vọng thống lĩnh lĩnh vực thương mại điện tử.

Bài viết dựa trên quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh – Giảng viên Đại học / CEO Công ty PA Marketing / Chuyên gia thương mại điện tử.

Facebook thông báo sẽ phát triển mạnh tính năng Facebook Shop, cho phép người bán hàng có thể kinh doanh tốt hơn trên nền tảng Facebook. Với tính năng này, người mua hàng sẽ có thể mua sắm trực tiếp trên Facebook mà không cần phải sang nền tảng khác.

Có nhiều ý kiến cho rằng tính năng Facebook Shop không đáng lo ngại và khó thành công vì Facebook chỉ là nền tảng mạng xã hội và không có lợi thế khi bán hàng online, không có logistic, không cạnh tranh được với sàn...

Nhưng tôi nhận thấy mỗi khi Facebook phát triển tính năng mới nào thì tính năng đó rất đáng sợ và đe dọa đối thủ. Ngay cả khi Facebook chưa chính thức tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã lấy đi không ít khách hàng của các sàn thương mại điện tử truyền thống như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki. Trong khi đó, các sàn này thi nhau đốt tiền để giành thị phần.

Facebook Shop là đối thủ đáng gờm cho bất kỳ sàn thương mại điện tử nào?

Tất cả các hoạt động quảng cáo và bán hàng trên Facebook tại Việt Nam và trên thế giới đều được thực hiện thông qua Fanpage. Thực tế người dùng tại Việt Nam và trên thế giới đã và đang mua hàng trên Facebook Profile và Facebook Fanpage, Facebook Group, Facebook Livestream rất nhiều.

Trên thế giới hiện nay đã có sẵn hàng trăm triệu tài khoản Fanpage bên cạnh hàng tỉ tài khoản Facebook Profile. Tính năng của Fanpage có thể được hiểu là một nền tảng cho phép quảng cáo của Facebook và cho phép bán hàng trực tiếp trên Fanpage, tương tác trên Fanpage của các thương hiệu và nhà quảng cáo rất mạnh.

Nên có thể nói nếu mạng xã hội lớn nhất thế giới với 2,6 tỉ người dùng này tập trung vào nâng cấp tính năng cho Fanpage để Fanpage có khả năng trang trí, viết bài, đăng sản phẩm, cho hàng vào giỏ, điền thông tin thanh toán, thông tin địa chỉ người mua và tích hợp bên thứ 3 logistic vào thì chắc chắn rằng người bán hàng và người mua hàng đều rất tiện lợi.

Với những tiện lợi trên, không có lý do gì khiến khách hàng mua sắm trên nền tảng khác, chưa kể các tính năng livestream giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách hàng.

Thực tế cho thấy tổng doanh thu của những người bán hàng tại Việt Nam dùng nền tảng Facebook cao hơn rất nhiều lần so với doanh thu bán hàng từ một sàn thương mại cụ thể nào đó tại Việt Nam.

Facebook Shop là đối thủ đáng gờm cho bất kỳ sàn thương mại điện tử nào?

Ảnh: quadlayers.com

Theo ước tính, chi phí quảng cáo trên nền tảng Facebook Ads tại Việt Nam đã đạt con số hơn 1 tỉ USD năm 2019. Chưa kể đến rằng, bán hàng trên Facebook không có nghĩa là chỉ có quảng cáo Facebook Ads trên Fanpage, mà còn có livestream, bán hàng trên tài khoản Profile cá nhân, bán hàng trong hội nhóm, bán hàng thông qua chợ rao vặt Marketplace, chăm sóc khách hàng qua Messenger, Instagram...

Nếu Facebook tập trung tài chính, nhân sự, công nghệ cho nền tảng Facebook Shop để hỗ trợ tối đa cho người bán hàng, biến bất kỳ người dùng nào trở thành một chủ shop bán hàng online với các tính năng thương mại điện tử cơ bản và đầy đủ, chuyên nghiệp và hoàn toàn miễn phí trên Facebook thì đó sẽ là một nền tảng đáng gờm và đáng lo ngại của bất kỳ nền tảng đối thủ nào hoặc bất kỳ sàn thương mại điện tử nào.

Mặc dù mỗi nền tảng, mỗi công cụ hoặc mỗi sàn thương mại điện tử đều có lượng khách hàng riêng của mình, nhưng khi Facebook tung một sản phẩm mới ra, thì đó có thể là một sát thủ giết chết đối thủ, hoặc làm suy yếu đáng kể vị thế của đối thủ trực tiếp hoặc đối thủ gián tiếp.

Nhưng ngược lại, người bán hàng lại được lợi và tiếp tục phụ thuộc hơn nữa vào Facebook, người mua hàng lại được lợi và sự tiện dụng, từ đó tiếp tục truy cập Facebook nhiều lần hơn trên 1 ngày, truy cập nhiều giờ hơn trên 1 ngày và sử dụng Facebook vào nhiều mục đích khác nhau.

Thua lỗ và sáp nhập

Trước khi Facebook chính thức tuyên bố tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đã báo lỗ hàng ngàn tỉ. Thông tin sàn thương mại điện tử B2C Tiki và Sendo chính thức sáp nhập đã có từ trước đó một thời gian.

Không khó để đoán rằng Tiki sẽ ở lại và Sendo sẽ ra đi. Vì thương hiệu Tiki mạnh hơn rất nhiều Sendo trong lĩnh vực này. Việc sáp nhập này có thể do cả hai sàn vẫn tiếp tục thua lỗ liên tục.

Đã đến lúc 1 trong 2 sàn không chịu được nữa và không nhìn thấy cơ hội phát triển nếu tiếp tục “thi đấu” và đốt tiền để phát triển thị trường, phát triển người dùng, vì cũng trong năm 2019 thì cũng có mấy sàn B2C hoặc website thương mại điện tử thuộc hàng ông lớn cũng phải đóng cửa vì không thể chịu thua lỗ thêm nữa hoặc không nhìn thấy tương lai.

Tuy nhiên, mô hình bán hàng của người dùng mạng xã hội bán hàng trên Facebook là mô hình C2C, sẽ thật không hợp lý khi so sánh với các sàn thương mại điện tử bán lẻ theo mô hình B2C.

Do đó Tiki đang có cơ hội lớn để thành công theo mô hình B2C tại Việt Nam nếu như vẫn có tiền để tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh của mình và tiếp tục phát triển khách hàng, nhà cung cấp uy tín, dịch vụ giao vận chuyên nghiệp.

Facebook Shop là đối thủ đáng gờm cho bất kỳ sàn thương mại điện tử nào?

Tất cả tính năng mới của Facebook đều thành công

Từ năm 2008 đến nay, Facebook liên tục phát triển các tính năng mới bổ sung vào nền tảng của mình và biến ứng dụng của Facebook trở thành siêu ứng dụng: đa dạng, tích hợp và theo xu hướng.

Có rất nhiều tính năng mới của Facebook thì không phải là “hoàn toàn mới” mà là đi sao chép của đối thủ nhưng khi áp dụng vào Facebook lại thành công rực rỡ: ví dụ như tính năng Facebook “stories” (và Instagram Stories, Messenger Stories) được sao chép từ Snapchat, hiện nay Facebook đang phát triển tính năng hẹn hò trên Facebook là Facebook Date bắt chước phần mềm Tinder (một phần mềm nổi tiếng về dịch vụ hẹn hò).

Hiện nay, Facebook Messenger là công cụ chat phổ biến nhất thế giới chỉ sau một thời gian phát triển khá ngắn; số lượng video và thời lượng xem video trên Facebook Watch chỉ đứng sau nền tảng mạng xã hội chia sẻ YouTube, và chúng ta đều biết là YouTube đã có mặt trên thị trường gần 16 năm nay.

Facebook cũng tung ra tính năng hay dịch vụ phát livestream video trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội của mình và hiện nay đây là dịch vụ livestream có số lượng người dùng lớn nhất thế giới.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư