Kinh tế số của Việt Nam có nhiều cơ hội hơn sau dịch bệnh

Kinh tế số của Việt Nam có nhiều cơ hội hơn sau dịch bệnh

Dịch bệnh càng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

“Dù doanh nghiệp luôn cố gắng bổ sung, tích hợp các công cụ thanh toán hiện đại để tạo sự tiện dụng cho khách hàng, nhưng thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhận hàng (COD) vẫn lên đến 95,1%” – Sở Công Thương TP.HCM đã cho biết như vậy trong đánh giá mới đây về tình hình phát triển thương mại điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Cứu tinh mùa dịch

Con số này đáng phải suy nghĩ khi một trong các giải pháp phục hồi kinh tế TP.HCM sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh là đẩy nhanh phát triển kinh tế số trong ngắn và dài hạn cũng như trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế. Rào cản thanh toán của thương mại điện tử TP.HCM cũng là một trong những thách thức mà nền kinh tế số của Việt Nam phải đối mặt.

Mặc dù 1/3 hộ gia đình sở hữu tài khoản ngân hàng, nhưng việc ứng dụng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam vẫn tương đối chậm so với nhiều quốc gia ở Đông Á, thậm chí so với cả các nước thu nhập thấp. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chỉ ra rằng, thanh toán điện tử thông qua điện thoại di động có thể là một công cụ hữu ích cho việc chuyển tiền của người dân và doanh nghiệp tương tự như nhiều nước khác trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa được hưởng lợi từ điều này vì hầu hết các giao dịch tài chính vẫn được thực hiện một cách thủ công.

Kinh tế số của Việt Nam có nhiều cơ hội hơn sau dịch bệnh

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh hiệu quả rất lớn của kinh tế số khi các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, năng suất đã tăng thêm khoảng 30%. Song việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không hề đơn giản. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chỉ chiếm khoảng 50%.

Tuy nhiên, sự lây lan của dịch bệnh trở thành một lực đẩy cho quá trình số hoá nền kinh tế diễn ra nhanh hơn. Đó là việc mua sắm, thanh toán trực tuyến, các lớp học, hội họp online... nhằm giảm thiểu tối đa các tiếp xúc không cần thiết. Xa hơn, đó là giải pháp nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế thông qua mô hình chính phủ điện tử, phát triển các doanh nghiệp kỹ thuật số trong kỷ nguyên 4.0.

Nhiều chuyên gia thương mại đánh giá, nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada hoặc các kênh phân phối online, thì còn nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa trên toàn quốc. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số thời điểm này sẽ đẩy nhanh luồng lưu thông hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Biện pháp này hiệu quả không kém gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng hay gói 30.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.

Cú hích cho kinh tế số

Thực tế, nhìn nhận vai trò quan trọng của kênh thương mại điện tử, Chính phủ Việt Nam đang xem xét các phương thức nhằm phát huy tiềm năng của công nghệ thanh toán điện tử trong Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia được phê duyệt vào tháng 1 vừa qua.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam, ngoài tác động tiêu cực, dịch bệnh cũng mang lại một số cơ hội mới cho Việt Nam, trong đó là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số. “Đây là thời điểm để Việt Nam đẩy nhanh các cải cách quan trọng để cải thiện khả năng chống chịu của đất nước đối với các đại dịch trong tương lai. Chính cuộc khủng hoảng COVID-19 mà chúng ta được hưởng nhiều lợi ích từ các cải cách”, ông Ousmane Dione cho biết.

Kinh tế số của Việt Nam có nhiều cơ hội hơn sau dịch bệnh

Biến động do đại dịch là phép thử và cho kết quả rõ ràng về việc cách thức tổ chức kinh doanh dựa trên nền tảng số hoặc khởi nghiệp dựa trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, ở mức khoảng 38% và dự kiến có thể đạt 43 tỉ USD vào năm 2025.

Dự thảo “Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025.

Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Venture Management Consulting Group, cho rằng các mô hình kinh doanh dần dần đều phải dịch chuyển lên mô hình nền tảng. Đơn cử như hiện nay, khi dịch bệnh diễn ra, các công ty tiếp cận khách hàng chỉ bằng cách qua Internet. Cơ hội của thị trường là lớn khi hầu hết mọi người thử làm việc từ xa và đây là một mô hình kinh doanh đáng để suy nghĩ đến.

Để thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty UPGen, cho rằng, vẫn rất cần có những nền tảng nội địa để giải quyết được nhu cầu của những lĩnh vực tương đối đặc thù. Ví dụ như mảng logistics của Việt Nam kém hiệu quả trong khi các nền tảng logistics của thế giới lại không phù hợp.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư