Sau KIDO Foods, dầu Tường An cũng lên phương án sáp nhập vào Tập đoàn KIDO
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) sẽ xin chủ trương việc sáp nhập vào công ty mẹ là Tập đoàn KIDO (KDC).
Theo tờ trình phiên họp thường niên, Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An xin chủ trương sáp nhập vào công ty mẹ và đề nghị chia cổ tức “đặc biệt” 75% bằng tiền mặt trước khi về KIDO.
Đại diện TAC, cho biết việc chuyển đổi cổ phần TAC thành KDC có thể tương tự phương án sáp nhập Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) nhưng tỉ lệ chưa xác định. Nếu chủ trương được đồng ý, Công ty sẽ trình kế hoạch chi tiết và tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thông qua. Công ty cố gắng hoàn tất vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Trước khi sáp nhập, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đề nghị chia cổ tức đặc biệt 75% bằng tiền mặt, tức mỗi cổ phiếu nhận 7.500 đồng. Với hơn 33,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền chia cổ tức dự kiến khoảng 255 tỉ đồng.
Kế hoạch chia cổ tức năm 2019 vẫn được giữ nguyên với tỉ lệ 20% bằng tiền mặt, tương ứng khoảng 68 tỉ đồng. Tường An là công ty con, do KDC hiện sở hữu 61,9% vốn công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay xấp xỉ 4.560 tỉ đồng và lãi trước thuế 193 tỉ đồng.
Ban lãnh đạo nhận định ngoài những bất ổn chung của tình hình kinh tế, hoạt động kinh doanh năm nay có thể bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của nhiều nhãn hiệu dầu ăn mới, giá nguyên liệu biến động phức tạp và các công ty dầu ăn trên thị trường có xu hướng giảm giá bán để chiếm thị phần.
Trước Tường An, KDC cũng có kế hoạch nhận sáp nhập KDF với tỉ lệ hoán đổi cổ phần 1:1,3 (một cổ phiếu KDF nhận 1,3 cổ phiếu KDC). Việc sáp nhập được ban lãnh đạo KDC kỳ vọng khắc phục những tồn tại của doanh nghiệp sản xuất đơn lẻ với quy mô trung bình, đem lại lợi ích cho cổ đông thông qua hoán đổi thành cổ phiếu vốn hoá lớn và thanh khoản ổn định. Quá trình sáp nhập của 2 công ty này dự kiến kéo dài trong 4 tháng từ tháng 6-10/2020.
Trước đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods – KDF) cũng lên phương án trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án sáp nhập vào công ty mẹ là Tập đoàn KIDO (KDC).
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo doanh nghiệp này, năm 2017, KDC giảm tỉ lệ sở hữu tại KDF còn 65% nhằm mục tiêu đa dạng cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền trong, ngoài nước. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động dưới loại hình công ty cổ phần và đăng ký giao dịch trên sàn Hà Nội, mục tiêu này vẫn chưa đạt kỳ vọng. Cổ phiếu này giao dịch trên thị trường Upcom với thanh khoản thấp (bình quân 6.000 đơn vị mỗi phiên), trong đó nhiều phiên không có mua bán.
“Với cơ cấu cổ đông độc lập giữa 2 công ty, KDC không thể tập trung toàn lực hỗ trợ KDF tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, quản trị và chiến lược của tập đoàn mẹ”, ban lãnh đạo doanh nghiệp nói và khẳng định thêm việc sáp nhập là hoàn toàn cần thiết.
Theo kế hoạch, KDC sẽ phát hành hơn 23 triệu cổ phần để hoán đổi 17,76 triệu cổ phần, tương ứng 32,69% cổ phần KDF đang lưu hành (không bao gồm phần do KDC sở hữu với tư cách cổ đông lớn). Tỉ lệ hoán đổi là một cổ phiếu KDF nhận 1,3 cổ phiếu KDC.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư