Thế Giới Di Động tiếp tục vào top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á ​

Thế Giới Di Động tiếp tục vào top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á ​

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), nhà bán lẻ điện thoại – điện máy lớn nhất Việt Nam tiếp tục ghi tên mình trong top 100 nhà bán lẻ châu Á năm 2019. MWG cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách này.

Top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á là báo cáo thường niên từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonito, lấy từ dữ liệu của 15 nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với doanh thu năm 2019 là 5,554 tỉ USD, Thế Giới Di Động ở vị trí thứ 59 châu lục và lần thứ 3 liên tiếp là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong top 100.

Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc giữ vị trí quán quân của top 100 với doanh thu 2019 hơn 317 tỉ USD; vị trí kế tiếp cũng là thương hiệu từ Trung Quốc, JD.com với doanh thu hơn 182 tỉ USD. Trong top 10 cũng có những cái tên quen thuộc như Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon Group (Nhật Bản), AmazonWalmart (Hoa Kỳ).

Thế Giới Di Động tiếp tục vào top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á ​

Thế Giới Di Động đứng ở vị trí thứ 59 trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á do Euromonitor công bố.

Euromonitor cũng đồng thời công bố danh sách 50 nhà bán lẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có 5 đại diện góp mặt trong danh sách này, gồm Thế Giới Di Động (thứ 8, doanh thu 5,554 tỉ USD); Saigon Co.op (thứ 20, doanh thu 1,359 tỉ USD); Vingroup (thứ 31, doanh thu 805 triệu USD); FPT Shop (thứ 32, doanh thu 759 triệu USD) và hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim (thứ 50, doanh thu 463 triệu USD).

Trong báo cáo, Euromonitor gọi Đông Nam Á là một “điểm sáng” của khu vực. Thái độ và hành vi của người dùng tại khu vực này đang thay đổi khi họ đặt yếu tố tiện lợi lên hàng đầu, tạo ra cơ hội lớn cho những chuỗi cửa hàng tiện lợi và tập đoàn thương mại điện tử.

Nhiều công ty đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi người tiêu dùng dịch chuyển từ mua hàng ở các siêu thị lớn sang các cửa hàng tiện lợi định dạng nhỏ.

Những người trẻ thành thị đang bắt đầu xem trọng sự tiện lợi của việc mua khi đang di chuyển và mua ngay khi họ cần. Các cửa hàng tiện lợi cho phép người tiêu dùng thoả mãn nhu cầu trước mắt của họ, đặc biệt là tại các thành phố phải đối mặt với ùn tắc giao thông như Bangkok, Manila, Jakarta và Kuala Lumpur.

Một số tay chơi khác trong thị trường thương mại điện tử như Tokopedia PT, Sea Ltd và Bukalapak.com đã kịp vượt lên trong bảng xếp hạng 50 nhà bán lẻ hàng đầu ở Đông Nam Á 2019 khi đưa ra nhiều sáng kiến sáng tạo và thu hút sự chú ý của khách hàng.

Tại mỗi quốc gia, Euromonitor cũng chọn ra 10 nhà bán lẻ lớn nhất dựa trên những tiêu chí về doanh thu, hình ảnh công ty, chủ sở hữu, quá trình kinh doanh trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, top 10 nhà bán lẻ lớn nhất có 8 doanh nghiệp Việt và 2 đại diện từ nước ngoài là Central Group và AEON group. Hai vị trí quán quân và á quân của danh sách này tiếp tục thuộc về Thế Giới Di Động và Saigon Co.op, tiếp sau là Vingroup và FPT Corp.

Thế Giới Di Động tiếp tục vào top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á ​

Thế Giới Di Động, Vingroup, FPT, Saigon Co.op, Nguyễn Kim là những nhà bán lẻ góp mặt trong top 50 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Nói về thị trường bán lẻ tại Việt Nam, báo cáo từ Euromonitor chỉ ra động lực phát triển của thị trường đến từ quá trình đô thị hoá và nhu cầu của lớp người tiêu dùng trẻ tại khu vực thành thị. “Hai yếu tố nói trên thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các kênh bán lẻ hiện đại – ví dụ như cửa hàng tiện lợi, đồng thời mở rộng nhanh chóng các kênh thương mại điện tử”, theo Euromonitor.

Báo cáo lý giải cửa hàng tiện lợi trở nên phổ biến do đóng vai trò như một trung tâm xã hội. Sự xuất hiện ngày càng nhiều chuỗi mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng trẻ ở thời điểm họ phải đưa ra quyết định sẽ mua hàng ở đâu. Nhu cầu mua sắm ở gần nhà ở cũng góp phần đáng kể trong sự tăng trưởng của mô hình cửa hàng tiện lợi.

Cuối cùng, sự yêu thích thời trang và nhu cầu được thể hiện mình trên mạng xã hội ngày càng tăng của giới trẻ sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm mới và các hình thức bán lẻ trên thương mại điện tử ngày một phát triển.

Tuy nhiên, phần lớn dân số vẫn tập trung ở khu vực nông thôn với mức thu nhập khả dụng thấp sẽ giữ các mô hình bán lẻ truyền thống tiếp tục tồn tại – ví dụ như kênh chợ hay tạp hoá nhỏ...

Bình luận về ảnh hưởng của ngành bán lẻ tại khu vực châu Á hậu COVID-19, Euromonitor dự báo những nền kinh tế đã phát triển như Nhật sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia cũng sẽ chịu tác động do giãn cách xã hội và những tác động gián tiếp từ các hoạt động tài chính.

“Cú sốc COVID-19 khiến làn sóng dịch chuyển dịch sang thương mại điện tử diễn ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Những nhà bán lẻ đã sở hữu sẵn nền tảng công nghệ từ trước khi dịch bùng phát sẽ có lợi thế hơn khi người tiêu dùng bắt đầu nghiêng về thương mại điện tử”, báo cáo nhận định.

Linh Chi
Nguồn Forbes Vietnam