Báo chí trong chiến lược truyền thông của doanh nghiệp
Kinh tế càng khó khăn, truyền thông càng trở nên quan trọng với DN. Song, một chiến lược truyền thông bài bản và dài hạn, dựa trên cơ sở gắn liền với báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, thì không thể chỉ đặt trong một chặng thời gian và một bối cảnh kinh tế nhất định.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi sức mua của thị trường giảm sút và người tiêu dùng ở mọi lĩnh vực đều thắt chặt hầu bao chi tiêu, thì câu hỏi đau đáu nhất của DN vẫn là : Làm thế nào để bán ra lượng hàng đủ lớn ? Nếu chỉ dựa vào phương pháp “hữu xạ tự nhiên hương” thì DN có thành công không ?
Từ chuyện của TH True Milk
Có thể thấy, rất nhiều DN thành công trên thị trường trong nước hiện nay, đã biết tận dụng sức mạnh báo chí, trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình. Một ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp “ngôi sao mới nổi” trên thị trường ngành sữa VN TH True Milk. So với DN sữa cổ thụ như Vinamilk, TH True Milk có tuổi đời rất trẻ. Ngay cả so với nhãn hàng sữa có tính địa phương như : Sữa Mộc Châu, Long Thành, TH True Mill cũng có thể ví là một “lính mới”. Làm sao để “lính mới” này tự tin bước chân vào làng sữa và tiến nhanh đến vậy ?
Theo như thông tin trên báo chí, được biết TH True Milk đã đầu tư khoảng 350 triệu USD trong giai đoạn đầu tư đầu tiên cho trang trại bò sữa với hơn 22.000 con bò và tiếp tục đầu tư vào năm 2013, nâng tổng đàn bò lên 45.000 con, và năm 2017 đạt 137.000 con, chưa kể dây chuyền công nghệ và quy trình sản xuất sữa tươi sạch với sự tham gia trực tiếp và quản lý của các chuyên gia đến từ hai tập đoàn đa quốc gia nước ngoài. Đây là một sự đầu tư không nhỏ chưa kể đến con số tổng vốn đầu tư. Với quy mô như vậy, rõ ràng để có thêm nguồn vốn vận hành và tái đầu tư tương lai (ngoài đòn bẩy nợ mà TH True Milk đang sử dụng), thì DN này sẽ phải hoạt động đạt 70% công suất nhà máy trở lên và bán hết hàng mới hy vọng có lời. Từ đó cho thấy, mỗi ngày TH phải bán tối thiểu là bao nhiêu lít sữa. Nếu không có truyền thông, thì TH sẽ tiếp cận thị trường như thế nào ?
Chìa khóa của TH True Milk ở đây là song song với việc đầu tư bài bản từ quy trình, công nghệ để cho ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với khẩu vị và túi tiền của người tiêu dùng, thì TH True Milk cũng đã xây dựng một chiến lược truyền thông thương hiệu tốt, để giới thiệu đến người tiêu dùng việc đầu tư đó, từ quy trình, từ công nghệ, đến khái niệm thế nào là sản phẩm chất lượng. Nói cách khác, TH True Milk đã thông qua truyền thông, đặt để lại một khái niệm, một định hướng về chất lượng và sản phẩm sữa. Trước đây, người tiêu dùng gần như chỉ biết sữa là sữa. Nay, cùng với sự truyền thông của TH True Milk xoay quay hai chữ “sữa sạch”, thị trường sữa đã nóng lên trước những thông điệp phản hồi từ phía người tiêu dùng lẫn các DN trong ngành về thế nào là sữa sạch, sữa tươi, sữa tiệt trùng...
Còn nói cụ thể hơn, với “tuyên ngôn” của bà chủ TH True Milk, như một sự “ngạo mạn” theo như chỉ trích của nhiều DN cùng ngành khác, TH True Milk đã khẳng định chiến lược truyền thông - tuyên ngôn thương hiệu của DN. Người phát ngôn có khôn ngoan trong tuyên ngôn này hay không, có thể bàn ở rất nhiều khía cạnh và có thể cho ra nhiều nhận định trái ngược, song không thể phủ nhận tác động của phương tiện truyền thông tới người tiêu dùng, định vị một TH True Milk trong trí nhớ và dẫn đến lựa chọn của người tiêu dùng. Nhìn ở góc độ đó, bà chủ TH True Milk hoàn toàn đã biết sử dụng truyền thông, hơn cả một phương tiện, trong chiến lược xây dựng thương hiệu và cả giải pháp bán hàng tối ưu.
Đến giá trị truyền thông không định lượng
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vậy các DN xuất khẩu, đối tượng khách hàng của họ thuộc thị trường quốc tế, sẽ không bị tác động bởi báo chí, truyền thông trong nước, thì chiến lược truyền thông của họ có còn quan trọng ? Qua tiếp xúc với những DN xuất khẩu lớn, đầu ngành thủy sản, nông lâm sản của VN, tôi xác nhận rằng DN xuất khẩu không hề cho rằng truyền thông trong nước, báo giới trong nước không có nhiều sức mạnh đối với sự thành công của họ.
DN xuất khẩu có đối tượng khách hàng chính là B2B – DN tới DN, do đó chiến lược truyền thông sẽ không theo cách của DN B2C – DN tới người tiêu dùng. Nhưng DN khách hàng có cần lắng nghe thông tin bên ngoài về DN bán hàng ? Câu trả lời ngắn gọn là: Tất nhiên có. Điều đó đặc biệt đúng với trường hợp những DN lớn, tầm cỡ, mà thương hiệu của họ vượt ra ngoài khuôn khổ tác động của một DN, có thể tác động tới ngành, tới cả thị trường. Và điều đó càng đúng với trường hợp liên thông truyền thông ở các thị trường quốc tế.
Trên thị trường tài chính VN, những DN huy động được vốn quốc tế như Vincom, Masan không nhiều. Tại sao những DN này huy động vốn được và các nhà đầu tư sẵn sàng vung tay chi nhiều hơn cả giá trị sổ sách hay giá thị trưởng cho những khoản đầu tư không nhỏ, trong khi rất nhiều DN khác khó khăn về vốn nhưng không dám mở cửa, vươn tay ra thị trường nước ngoài ? Trước hết, vì thương hiệu của các DN như Masan, Vincom đã là một bảo chứng. Và bảo chứng đó được xây dựng không chỉ bằng “tín chỉ” là các hiệu suất kinh doanh. Muốn có hiệu suất kinh doanh, như đã nói ở trên, phải có sản phẩm phù hợp, bán được hàng. Masan sẽ khó bán hàng nếu không một chiến lược truyền thông phủ sóng.
Nhiều DN thành công trên thị trường đã biết tận dụng sức mạnh báo chí, trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình.
Truyền thông cũng giúp DN xây dựng thương hiệu, khiến sản phẩm Masan được tin tưởng. Thương hiệu lại góp phần giữ chân CBNV... Đó có thể gọi là hiệu suất dây chuyền và khép kín mà tác động của truyền thông sẽ khó đo đếm được.
Trong chuỗi tác động khó đo đếm, định lượng, tưởng như vô hình nhưng lại rất hữu hình của truyền thông đến chiến lược phát triển DN, báo chí nói riêng, truyền thông nói chung còn gánh một trách nhiệm cao cả đối với DN và cộng đồng. Điều này được phản ánh qua mục tiêu của báo chí không chỉ là cung cấp một thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp DN nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và DN vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn. Báo chí, truyền thông, với sức mạnh của mình, ở ý nghĩa đó còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội.