Deloitte: Người tiêu dùng sẽ tiêu tiền ở đâu hậu khủng hoảng COVID-19?

Deloitte: Người tiêu dùng sẽ tiêu tiền ở đâu hậu khủng hoảng COVID-19?

Theo Deloitte, còn quá sớm để định hình những xu hướng hành vi tiêu dùng mới chỉ dựa trên một lần khảo sát. Chỉ có thể chắc chắn virus đã làm thay đổi cục diện toàn thế giới, một thế giới mới sẽ được sinh ra và không gì có thể giống y nguyên như lúc ban đầu.

Cả thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng đang trải qua một cuộc khủng hoảng về y tế toàn cầu do dịch COVID-19, kéo sang cuộc khủng hoảng kinh tế đòi hỏi mỗi đơn vị phải chiến đấu đồng thời trên cả 2 mặt trận.

COVID-19 đã khiến cho môi trường xung quanh chúng ta trở nên “lỏng” hơn, nghĩa là dễ thay đổi, linh hoạt hơn để thích ứng với những thực tại mới. Điều này tạo ra một thách thức để tiếp tục tạo ra doanh thu, các thương hiệu cũng cần thay đổi linh hoạt, đoán biết được khách hàng cần gì khi họ đang đi chệch ra khỏi nhịp điệu và hành vi trước đây. Khi nào thì người tiêu dùng mới cảm thấy đủ an toàn để quay trở lại làm việc, đi mua sắm tại các cửa hàng, nghe nhạc, ăn tối tại nhà hàng và du lịch? Người tiêu dùng ở những quốc gia khác nhau sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng kép này như thế nào?

Ghi nhận sau cuộc khảo sát được thực hiện trên 13 quốc gia với 1.000 người tiêu dùng ở mỗi nước, Deloitte đúc kết kinh nghiệm từ cuộc suy thoái 2008-2009 cho thấy rằng, suy thoái kéo dài càng lâu, người tiêu dùng càng ít có xu hướng quay trở lại với cách mua sắm phù phiếm, hoang phí trước đây, ngay cả khi cuộc suy thoái này kết thúc.

Deloitte: Người tiêu dùng sẽ tiêu tiền ở đâu hậu khủng hoảng COVID-19?

Sau COVID-19, liệu người tiêu dùng có quay trở lại nếp sống như trước đây?
Ảnh minh hoạ

Người tiêu dùng sẽ tiêu tiền ở đâu?

Đối mặt với những bất ổn về kinh tế, nhiều người tiêu dùng đang tìm cách kiềm chế các khoản chi tiêu tùy nghi (những khoản mua nằm ngoài nhu cầu tối thiểu bắt buộc phải có, hướng tới những nhu cầu cao hơn) và cuối cùng họ có thể tìm cách cắt giảm ngay cả những khoản chi thiết yếu hơn để tiết kiệm tiền, cân đối thu chi.

Khảo sát cũng thể hiện hầu hết người tiêu dùng có ý định hạn chế chi tiêu tùy nghi trong vòng 4 tuần tới. Khi xem xét ý định chi tiêu thuần – đó là tỷ lệ phần trăm số người được hỏi cho biết họ sẽ chi tiêu nhiều hơn trừ đi tỷ lệ phần trăm của những người nói rằng họ sẽ chi tiêu ít hơn, cho thấy ý định chi tiêu thuần tăng trong các danh mục ít tùy nghi hơn, dẫn đầu là hàng gia dụng và tạp hoá. Với việc có khá nhiều người làm việc tại nhà trong thời điểm hiện tại, cuộc khảo sát cũng cho thấy sự gia tăng nhẹ trong ý định chi tiêu cho các tiện ích, internet và dữ liệu di động.

Lệnh bắt buộc ở nhà vẫn còn hiệu lực ở nhiều quốc gia là lý do khiến các danh mục tùy nghi hơn như du lịch và nhiên liệu ô tô trở nên dễ dàng bị loại bỏ khỏi ngân sách hiện tại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu các tác động kinh tế tiếp tục kéo dài, người tiêu dùng có khả năng sẽ bắt đầu điều chỉnh cả những hạng mục chi tiêu ít tùy nghi hơn.

Doanh nghiệp có thể làm gì trước những bước chuyển mình trong hành vi tiêu dùng toàn cầu?

Theo Deloitte, còn quá sớm để định hình những xu hướng hành vi tiêu dùng mới chỉ dựa trên một lần khảo sát. Chỉ có thể chắc chắn virus đã làm thay đổi cục diện toàn thế giới, một thế giới mới sẽ được sinh ra và không gì có thể giống y nguyên như lúc ban đầu.

Deloitte: Người tiêu dùng sẽ tiêu tiền ở đâu hậu khủng hoảng COVID-19?

Ảnh minh hoạ

Sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng trên toàn cầu rất khó đoán định, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do virus gây ra vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi vĩnh viễn, khi mà cuộc khủng hoảng buộc chúng ta phải thay đổi hành vi và có thể sẽ khám phá ra cách thức chi tiêu mới phù hợp hơn. Vậy các doanh nghiệp có thể làm gì vào lúc này?

Thứ nhất, doanh nghiệp cần phản ứng nhanh, cập nhật thông tin và các chuyển biến của dịch COVID-19 để kết nối, chung tay với cộng đồng; thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến các vấn đề xã hội nhằm xây dựng/ củng cố trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, chủ động trong truyền thông cả bên ngoài lẫn nội bộ. Thay vì tập trung quảng cáo để bán hàng, doanh nghiệp nên ưu tiên các nội dung mà người tiêu dùng và cộng đồng hiện đang quan tâm, cung cấp thông tin hữu ích phòng chống dịch bệnh. Điều quan trọng là không biến doanh nghiệp của mình thành những kẻ trục lợi khủng hoảng, mà cần tận dụng thời điểm căng thẳng và nhạy cảm này để đưa ra các động thái tích cực nhằm tác động sâu sắc đến tâm lý, tình cảm người tiêu dùng, giúp ích cho việc xây dựng hình ảnh.

Thứ ba, đề xuất sáng kiến, hành động ý nghĩa và hỗ trợ có ích cho cộng đồng tiêu dùng trong thời điểm dịch bùng phát, bằng nhiều phương thức trong khả năng của doanh nghiệp.

Bảo An
Nguồn CafeF