Sapo gọi được vốn triệu đô từ nhà đầu tư Hàn Quốc
Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo Technology (Việt Nam), đã đóng vòng tài trợ Series A với nhà đầu tư Smilegate Investment (Hàn Quốc) dẫn đầu, theo Giám đốc điều hành của Sapo.
Giám đốc điều hành Sapo, ông Trần Trọng Tuyến cho biết Teko Ventures, vốn đã có cổ phần trong Sapo, cũng tham gia vào vòng mới nhất này. Ông không tiết lộ số vốn cụ thể nhưng cho biết khoản vốn lên đến bảy chữ số.
Được thành lập vào năm 2008, Sapo – trước đây được gọi với tên DKT Technology – có hơn 67.000 khách hàng đang sử dụng công cụ quản lý thương mại điện tử đa kênh của họ. Công cụ này hợp nhất các chức năng của trang web thương mại điện tử Bizweb và phần mềm quản lý bán hàng Sapo.
Giám đốc điều hành Sapo
Các sản phẩm khác của Sapo bao gồm: Sapo GO, một công cụ dành cho người bán trên Facebook và các chợ trực tuyến, Sapo FNB cho các nhà hàng, Sapo Omnichannel, cũng như các đơn vị giao hàng và thanh toán.
Khoản tài trợ Series A sẽ được sử dụng để tăng cường sự hiện diện của Sapo trong lĩnh vực thanh toán và tài trợ kinh doanh, và mở rộng hoạt động tại các thị trường Đông Nam Á khác, Tuyến nói.
“Teko có nhiều thế mạnh ở thị trường Việt Nam. Điều này giúp chúng tôi thuận lợi hơn ở thị trường trong nước. SGI lại có mạng lưới rộng lớn bên ngoài Việt Nam, ngoài ra đã đầu tư thành công ở những công ty cùng lĩnh vực với Sapo cũng như những công ty có liên quan đến hệ sinh thái của Sapo. Hợp tác với SGI và Teko sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình phát triển và hoàn thiện nền tảng của mình”, ông nói.
“Chúng tôi tự tin đầu tư vào Sapo”, Kyoung-hwan Kim, Phó chủ tịch của Smilegate Investment, cho hay họ đã đầu tư vào một công ty tương tự ở Hàn Quốc và thu hồi về 150%.
Smilegate Investment là chi nhánh đầu tư mạo hiểm của nhà phát triển game Hàn Quốc Smilegate. Họ cũng đã đầu tư cho Lozi.
Teko Ventures là quỹ đầu tư vào các công ty trên mọi giai đoạn đầu tư ở châu Á, trọng tâm là các công ty công nghệ. Teko Ventures trực thuộc VNLIFE – hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, thanh toán đã nhận đầu tư từ quỹ SoftBank Vision và quỹ GIC (Singapore), với sản phẩm nổi bật là VNPAY.
Hoàng An
Nguồn CafeF