Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

Đế chế hàng xa xỉ gồm các thương hiệu như Louis Vuitton (LV), Dior, Fendi… đang đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo”, nhưng ông chủ Bernard Arnault tự tin có đủ tiền và tầm để không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn tiếp tục mở rộng.

Trong toà văn phòng 9 tầng ở Đại lộ Montaigne, Paris, người giàu nhất châu Âu, Bernard Arnault dành hàng giờ nghiền ngẫm một kế hoạch hậu đại dịch cho đế chế hàng hoá xa xỉ LVMH của mình. Ở tuổi 71, nhà tỷ phú đã dày dạn kinh nghiệm chống chọi với nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng không một thứ nào giống như dịch COVID-19. Trên 70 nhãn hàng của Arnault, từ Dior tới Fendi, đã bị ảnh hưởng từ mọi phía.

Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

Ông chủ LVMH Bernard Arnault cùng vợ Hélène Mercier, và Phó Chủ tịch Louis Vuitton Delphine Arnault (trái) dự Show Dior ở Paris hồi tháng 2/2020.
Ảnh: Getty Images

Cuộc khủng hoảng “thổi bay” 30 tỷ USD

Tài sản của Bernard Arnault lao dốc. Cổ phiếu của LVMH sụt giảm tới 19% trong năm nay khiến tài sản ròng của ông co lại trên 30 tỷ USD – đồng nghĩa Arnault là vì tỷ phú mất mát nhiều hơn bất cứ người nào khác trên hành tinh (theo Chỉ số Các tỷ phú Bloomberg). Tính tới ngày 6/5, Arnault đã mất đi số tiền tương đương những gì mà Chủ tịch Amazon, Jeff Bezos kiếm được.

Không nản lòng, Arnault đến “Phòng Tình huống” của mình mỗi ngày, nơi ông tiếp tục chiến đấu để bảo đảm một cuộc mua sắm bom tấn cùng một vài dự án bất động sản lớn, trong khi vẫn họp video với các “vị phó” của mình về việc mở cửa lại các nhà máy và cửa hàng trên khắp thế giới sau thời gian “bất động” vì virus SARS-CoV-2

“Ông ấy tự đặt mình vào vào vị trí sẵn sàng mua vào cổ phiếu lập tức khi thị trường tăng trưởng trở lại”, ông Mario Ortelli, nhà sáng lập công ty tư vấn hàng xa xỉ Ortelli&Co. ở London, nhận xét.

Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

Người mẫu trình diễn tại Show Đông – Xuân 2020 của Fendi tại Milan.

Từ cuối những năm 1980, Arnault đã làm choáng váng thế giới kinh doanh tương đối nhỏ hẹp của Pháp bằng sự tinh tế của mình, khi ông biến sự sáng tạo và khéo léo của các thương hiệu lâu đời nhất châu Âu thành những con gà đẻ trứng vàng. Thương hiệu hàng đầu của ông – Louis Vuitton được các nhà phân tích ước tính có tỷ suất lợi nhuận cao tới 45%.

Những chiếc túi xa xỉ với biểu tượng chữ lồng LV kinh điển, cùng nhiều sản phẩm “trứng vàng” khác như rượu cognac Hennessy, sâm-banh (champagne) Dom Pérignon, đã giúp Arnault mở rộng sự hiện diện trong hầu hết mọi thứ mà những người giàu có muốn chi tiền: từ túi xách Fendi, đồng hồ Bulgari cho đến nghỉ ngơi tại khách sạn Cipriani ở Venice, tất cả họ đang rót tiền vào kho bạc của Arnault.

Nhưng khi đại dịch bùng nổ kéo theo các biện pháp phong toả, hầu hết cửa hàng thời trang của Bernard Arnault trên toàn thế giới đã ngừng hoạt động hơn một tháng nay, dẫn đến thất thu hàng tỷ USD doanh thu trong lĩnh vực sinh lời lớn nhất của ông. Nhà sản xuất 1/5 lượng champagne của thế giới đang bán ít đi rất nhiều khi các bữa tiệc và buổi hoà nhạc bị hủy bỏ, hộp đêm và nhà hàng đóng cửa. Nước hoa J’adore Dior cũng ít được ưu tiên hơn với công chúng lúc nào cũng kè kè khẩu trang.

Trong khi đó, Arnault lại đang thu xếp trả 16 tỷ USD cho Tiffany & Co., trong thương vụ sáp nhập lớn nhất của ngành công nghiệp xa xỉ. LVMH đã bác bỏ bất cứ thông tin nào cho rằng họ sẽ bỏ qua thương vụ này hoặc đàm phán lại giá trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đồ trang sức ở Mỹ bị đình trệ.

Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

LVMH dự định chi 16 tỷ USD để mua hãng trang sức Tiffany & Co.
Ảnh: Bloomberg

Đi lên trong những cuộc suy thoái

Cổ phiếu LVMH vẫn hoạt động tốt hơn so với cổ phiếu của ông chủ Gucci, Kering Group và hãng đồng hồ Richemont, vốn giảm lần lượt 25% và 30%. Các thương hiệu của Arnault vốn có tỷ suất lợi nhuận lớn, cộng với kho tiền mặt tới 9 tỷ euro đã cho ông sự linh hoạt để không chỉ giúp vượt qua khủng hoảng mà còn tiếp tục mở rộng.

Giám đốc tài chính của LVMH Jean Jacques Guiony cho biết: “Chúng tôi có định hướng dài hạn. Trong một cuộc khủng hoảng, rất nhiều người nói rằng mọi thứ sẽ không bao giờ như trước nữa, nhưng chúng tôi vẫn tự tin”.

Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

Giám đốc tài chính của LVMH Jean Jacques Guiony tự tin thương hiệu sẽ phục hồi trở lại.
Ảnh: Bloomberg

Trong lịch sử, Bernard Arnault đã tạo dựng sự nghiệp từ việc đầu tư xuyên qua các cuộc suy thoái, khi đối thủ cạnh tranh của ông quá yếu hoặc quá dè chừng để tiến lên phía trước. Chẳng hạn, cuộc suy thoái vào đầu những năm 2000 đã chứng kiến ông loại bỏ cổ phần của Prada khỏi thương hiệu Fendi mới mua. Đó cũng là thời điểm ông ra mắt cửa hàng thương mại điện tử xa xỉ đầu tiên, đặt tại Tokyo, sau đó trở thành cửa hàng lớn nhất từ trước đến nay của Louis Vuitton.

“Bạn có thể chia các tỷ phú hàng đầu thế giới thành: các nhà quản lý rủi ro thành công cao và những người chấp nhận rủi ro rất thành công; Arnault là một người chấp nhận rủi ro rất thành công”, ông Pauline Brown, cựu Chủ tịch LVMH khu vực Châu Mỹ nói. “Khi Arnault cảm nhận được động lực và tiềm năng lâu dài, ông ấy huy động các nguồn lực một cách mạnh mẽ”.

Chiến lược của LVMH thường là chi tiêu lớn để thắng lớn. Trong những năm gần đây, nhằm chạy đua truyền thông chống lại những đối thủ như Chanel và Gucci, công ty đã bỏ tiền mời hàng trăm khách dự các show trình diễn mùa Xuân trên khắp thế giới, cho họ nghỉ tại những địa chỉ sang trọng như Hotel du Cap-Eden-Roc ở Riviera hay khu nghỉ dưỡng La Mamounia ở Marrakech, Pháp.

Năm nay, những sự kiện như vậy đã bị cắt giảm, cùng với phần lớn ngân sách để phát triển các bộ sưu tập. Chi tiêu quảng cáo cũng bị rút, và cùng chung số phận là các chương trình thời trang nam và thời trang cao cấp tiếp theo, thường diễn ra vào tháng 6 và tháng 7. Một số sự kiện có thể sẽ được thay thế bằng các bài thuyết trình trực tuyến ít tốn kém hơn.

Mất 30 tỷ USD vì đại dịch, đế chế Louis Vuitton bình thản tính đường xa

Trung tâm mua sắm miễn thuế sang trọng Samaritaine của LVMH ở Paris.
Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, có lẽ điều phi thường nhất là những khoản đầu tư khổng lồ mà Arnault vẫn có kế hoạch duy trì. Bất chấp triển vọng du lịch quốc tế đầy u ám, LVMH đang bám sát kế hoạch nâng cấp cửa hàng bách hóa Samaritaine ở Paris thành một trung tâm mua sắm miễn thuế và khách sạn sang trọng. Hoạt động thi công đã được nối lại, và dự án trị giá 1 tỷ USD hiện đang nhắm mục tiêu có thể mở vào tháng Hai năm tới. LVMH cũng có kế hoạch xây dựng khách sạn hạng sang Cheval Blanc ở Rodeo Drive, Los Angeles, Mỹ.

Ngoài ra, nhãn hiệu Givenchy cũng thuộc LVMH đang xúc tiến kế hoạch tuyển dụng một nhà thiết kế mới và củng cố thẩm mỹ thương hiệu cho show trình diễn thời trang vào tháng 9, bất chấp các biện pháp hạn chế tụ tập có thể khiến sự kiện bị huỷ bỏ.

Nhờ kho tiền mặt khổng lồ và doanh thu đã bật tăng trở lại ở Trung Quốc, LVMH có thể tăng gấp đôi số tiền đầu tư để vượt qua cuộc khủng hoảng. Các nhà cung cấp chuyên môn cao, bất động sản giá trị và những tài năng hàng đầu đều có thể là mục tiêu của hãng.

Thu Hằng
Nguồn BizLive