Có doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giảm 90% doanh thu vì COVID-19
Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có khách hàng nước ngoài là các quốc gia đang ảnh hưởng bởi dịch khiến cho các hợp đồng bị hoãn, huỷ.
Dịch COVID-19 đã và đang gây ra các tác động đến nhiều ngành tại Việt Nam. Theo báo cáo chuyên đề của Bộ Thông tin & Truyền thông, phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5, bộ đã nêu ra thực trạng tác động của dịch và các giải pháp khắc phục.
Các doanh nghiệp trong mảng công nghiệp ICT được đánh giá là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khảo sát của bộ cho thấy các doanh nghiệp trong mảng này đã giảm từ 30 đến 90% doanh thu.
Nhiều doanh nghiệp có các dự án/ hợp đồng với khách hàng bị huỷ hoặc phải tạm dừng. Điều này khiến nhiều công ty gặp khó khăn về tài chính, cạn kiệt vốn dự trữ.
Linh phụ kiện nhập khẩu cũng gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến sản xuất. Công nợ không thể thu hồi. Trong khi đó về nhân lực cũng bị thiếu do thiếu nhân công, việc giám sát nhân viên làm việc tại nhà cũng gặp khó khăn.
Khách hàng của các doanh nghiệp ICT chủ yếu là các đối tác nước ngoài ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đây là những nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch và để giữ chân những khách hàng này là việc vô cùng khó khăn.
Khách hàng của các doanh nghiệp ICT chủ yếu là các đối tác nước ngoài ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đây là những nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch và để giữ chân những khách hàng này là việc vô cùng khó khăn.
Từ tháng 3, số lượng dự án từ khách hàng châu Âu đã giảm 60-70%, khối châu Á từ tháng 4 giảm khoảng 30%. Các dự án trong quá trình đàm phán cũng bị tạm dừng cho tới khi hết dịch.
Đối với ngành giải trí trực tuyến, đặc biệt là các mạng xã hội, nền tảng video, dù thời gian qua họ đã có nhiều người sử dụng hơn nhưng tác động gián tiếp lại đến từ các nhà quảng cáo. Nhiều khách hàng đã dừng các chiến dịch quảng cáo trực tuyến nên doanh thu từ dịch vụ này đã giảm. Theo dự đoán, mức giảm có thể từ 15 đến 20%.
Dự kiến xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục kéo dài và có thể chạm mức 50% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực trò chơi trực tuyến, trong dài hạn, các chỉ tiêu trong lĩnh vực này sẽ giảm từ 10 đến 20%. Khó khăn đối với ngành trò chơi là sự “ách tắc” từ đối tác Trung Quốc. Khó khăn này đến từ đặc thù ngành là do tình hình dịch Trung Quốc gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp ở nước này.
Giãn cách xã hội trong thời gian qua cũng tác động tới hoạt động của lĩnh vực bưu chính. Hầu hết việc chuyển phát chỉ còn giới hạn ở nội tỉnh. Doanh thu và sản lượng bưu gửi so với tháng 2/2020 giảm bình quân từ 10 đến 20% mỗi tháng.
Nhưng trong thời điểm dịch, ngành thông tin truyền thông vẫn có những đóng góp lớn. Trong đó có việc các nhà cung cấp dịch vụ Internet luôn đảm bảo kết nối thông suốt, tăng băng thông cho khách hàng, nhà mạng di động liên tục tuyên truyền về phòng chống dịch và mạng lưới bưu chính đã hỗ trợ cho việc trả bảo hiểm xã hội.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan báo chí trong thời gian qua, bộ đưa ra các chính sách trong đó có đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực như được phép vào khu vực cách ly để xử lý sự cố CNTT, giảm giá cho thuê trụ sở, mặt bằng.
Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung một số loại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông vào đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất gồm: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh các dịch vụ công mức độ 3, 4; hỗ trợ nguồn lực cho các doanh nghiệp, tập trung triển khai các gói tài chính hỗ trợ và có các chính sách ổn định giá đầu vào.
Tùng Linh
Nguồn BizLive