COVID-19 châm ngòi cho một cuộc chiến mới mang tên "Thực phẩm tươi sống"

COVID-19 châm ngòi cho một cuộc chiến mới mang tên Thực phẩm tươi sống

Mua đồ tươi sống trực tuyến vốn là mảng thị trường mà nhóm doanh nghiệp siêu thị "một mình một cõi" trước dịch. Trong dịch, nhu cầu người dùng tăng cao và điều này khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada hay ông lớn nền tảng Grab không bỏ qua cơ hội.

COVID-19 châm ngòi "Cuộc chiến" hàng tươi sống giữa các doanh nghiệp TMĐT

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn VTV, đại diện Lotte Mart Việt Nam cho biết "Hiện nay không có nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử tham gia vào ngành hàng tươi sống. Chúng tôi hiện đã và đang vận hành tốt lĩnh vực này. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của Lotte Mart".

Tuy nhiên, thế trận đã thay đổi rất nhanh trong 2 tháng qua, các nhóm doanh nghiệp khác đua nhau mở dịch vụ này. Nhóm bán lẻ đa ngành có Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động. Nhóm nền tảng gọi xe công nghệ có Grab, Now tung dịch vụ đi chợ hộ. Nhóm thương mại điện tử có Lazada cũng vừa quyết định nhảy vào cuộc đua với khẳng định không phải là làm phong trào.

Grab giao hàng thời COVID-19

Cụ thể ví dụ như từ 14/4, Lazada khai trương ngành hàng thực phẩm tươi sống, giao nhanh 2 giờ. Đây là bước đi chiến lược của Lazada khi lần đầu tiên triển khai và mở rộng ngành hàng này.

"Thông thường ngành thương mại điện tử trên toàn cầu bắt đầu bằng bán đồ điện tử rồi mở rộng tự nhiên ra thời trang, mỹ phẩm, tạp hóa, cuối cùng là đồ tươi sống. Hàng tươi sống vốn đã nằm sẵn trong kế hoạch mở rộng ngành hàng tại Việt Nam và COVID-19 chỉ thúc đẩy nó diễn ra sớm hơn mà thôi. Với việc hợp tác với 10 đối tác chuyên về đồ tươi, chúng tôi bán từ thịt cho đến sữa và vận chuyển tới khách chỉ sau vài giờ đồng hồ", ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV.

COVID-19 châm ngòi cho một cuộc chiến mới mang tên Thực phẩm tươi sống

Việc bán hàng tươi sống online có một điểm rất khó là hàng đến tay khách phải tươi như khi đi chợ hay siêu thị. Chỉ cần 1 lần khách nhận hàng thấy không tươi thì rất có thể sẽ bỏ luôn và không mua lần sau nữa. Vấn đề này buộc mỗi doanh nghiệp phải tự đưa ra lời giải cho riêng mình.

Tại chuỗi Bách hóa Xanh, trong dịch lượng đơn hàng online trung bình mỗi ngày có thể lên đến 5.000 đơn hàng, tăng 50% so với trước kia. Tuy nhiên, từ đây cũng lộ ra những hạn chế trong việc quản trị chuỗi cung ứng giao vận, gặp tình trạng hụt hàng, hoặc hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách... bất chấp việc doanh nghiệp đã có sẵn chuỗi 500 cửa hàng bách hóa và các tổng kho. Do đó, dự kiến doanh nghiệp sẽ mở mới 3 trung tâm phân phối hiểu nôm na như các đại siêu thị chứa hàng để phục vụ việc giao đồ tươi sống online.

"Khâu lớn nhất của giao hàng tươi sống của Bách hóa Xanh là giải quyết bài toán tồn kho chính xác. Phải thực sự đặt online phải có. Ví dụ mình đặt 500gr thịt bò thì khi đến siêu thị, trung tâm phân phối phải có 500gr thịt bò đó. Hiện tại bài toán khá nhức đầu, đảm bảo hàng còn và hàng chất lượng phải tốt", ông Trần Nhật Linh, Giám đốc kênh bán hàng online, Bách hóa Xanh chia sẻ.

Còn nhớ cách đây gần 1 năm, tập đoàn Vingroup cũng đã nhanh chóng bước vào đẩy mạnh kinh doanh thực phẩm tươi sống online thông qua dự án siêu thị ảo "VinMart 4.0" mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp-phích khổ lớn, các sản phẩm, thương hiệu được sắp xếp, bài trí màu sắc bắt mắt tương tự như quầy hàng thực tế trong siêu thị.

Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại "VinMart 4.0" và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. Chuỗi siêu thị này cam kết sẽ giao hàng tận tay người mua chỉ sau 2-4 giờ đồng hồ. Thời gian gần đây, VinID thậm chí còn mở rộng hình thức đi chợ như cách nhiều doanh nghiệp đang triển khai.

COVID-19 châm ngòi cho một cuộc chiến mới mang tên Thực phẩm tươi sống

Theo Tổ chức nghiên cứu Hexa Research, thị trường dịch vụ giao thực phẩm toàn cầu sẽ đạt giá trị gần 9 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt gần 18%. Giới chuyên gia cho rằng tại Việt Nam, nhu cầu đặt mua hàng tươi sống luôn có, nhưng trước đây có quá ít doanh nghiệp làm tốt giúp kích thích thị trường này phát triển. Đại dịch COVID-19 vô hình trung tạo ra cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung hơn vào mảng này, hứa hẹn mở ra cuộc cạnh tranh mới đầy sôi động sắp tới.

Bài học hợp tác cùng có lợi của Aeon

Tại Nhật Bản, Aeon là chuỗi siêu thị nổi tiếng và là lựa chọn số 1 của nhiều người dân khi nói tới thực phẩm tươi sống. Cuối năm 2019, tập đoàn Aeon có quyết định mới khi đẩy mạnh bán thực phẩm tươi sống qua nền tảng thương mại điện tử. Và để thực hiện điều này, Aeon chọn bắt tay với Ocado vốn là một công ty có nền tảng thương mại rất mạnh, tự xưng là siêu thị online lớn nhất thế giới. Ocado không hề có một cửa hàng thực tế nào, mọi thực phẩm được giao tới người tiêu dùng theo một chu trình khép kín.

Quyết định đầu tư vào mảng online cho thực phẩm tươi sống của Aeon xuất phải từ việc những ông lớn thương mại điện tử như Rakuten, Amazon đã bắt đầu bán thực phẩm tươi sống tại Nhật Bản. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã rút ngắn thời gian giao hàng cho phép các tập đoàn bán lẻ online dần tiếp cận được các mặt hàng tươi sống. Tình trạng này đang đe dọa hệ thống siêu thị Aeon trên khắp Nhật Bản với thế mạnh hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm.

COVID-19 châm ngòi cho một cuộc chiến mới mang tên Thực phẩm tươi sống

Tập đoàn này tham gia thị trường online từ năm 2008 nhưng đến nay chỉ chiếm 1% tổng doanh thu trong 8,5 tỷ yên và có xu hướng bị lỗ. Thời gian dài đặt hàng online đến khi nhận được hàng hóa đang là rào cản lớn nhất với việc bán hàng tươi sống trên mạng. Công nghệ logistics phát triển mạnh thì rào cản trên đang dần được gỡ bỏ. Người tiêu dùng Nhật Bản vốn dĩ đã hình thành được các thói quen tiêu dùng online, việc trang bị những thùng nhận hàng trước nhà rất phổ biến cho phép họ nhận được hàng hóa chuyển đến ngay cả khi vắng nhà.

Việc bắt tay này giúp gia tăng tận dụng lợi thế của cả 2 doanh nghiệp này. Về phía Aeon họ đã hình thành được chuỗi cung ứng từ cánh đồng tới siêu thị thậm chí tới tận bàn ăn. Với hệ thống siêu thị lớn nhất nhì tại Nhật Bản còn chất lượng thực phẩm tươi sống của Aeon đã có được sự tin dùng của người dân Nhật Bản. Hay nói cách khác Aeon đã có 1 lượng hàng ổn định.

Về phía Ocado ra đời năm 2000 và nhờ những ứng dụng robot, công nghệ hiện đại doanh nghiệp này có thể giao hàng từ kho trong vòng 15 phút, nhanh gấp 5 lần so với các đối thủ khác. Tập đoàn Aeon đã có hệ thống kho hàng, siêu thị trên khắp Nhật Bản việc còn lại là của Ocado, giao hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất và rẻ nhất kể từ khi có đơn đặt hàng online. Ocado đã chứng tỏ được kinh nghiệm và năng lực logistics của mình khi chia sẻ kinh nghiệm này với một chuỗi siêu thị lớn tại Anh vào năm 2013. Và kế hoạch mở 20 trung tâm logistics tại Mỹ trong 3 năm tới.

Thảo Nguyên
Nguồn CafeBiz