Vận hội mới cho startup Đông Nam Á
Nhà đầu tư đang thay đổi khẩu vị đối với các startup Đông Nam Á.
Khailee Ng đã bán 2 startup tại quê nhà Malaysia để tập trung vào việc đầu tư. Và ông đã thành công khi đầu tư ban đầu vào hãng gọi xe Grab của Singapore và công ty thương mại điện tử Indonesia Bukalapak. Cả 2 công ty này hiện được đánh giá là các công ty tăng trưởng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức định giá hơn 1 tỉ USD, nằm trong nhóm những start-up kỳ lân đầu tiên đến từ Đông Nam Á. Nhưng Khailee Ng giờ cảm thấy tiếc hận khi ông chỉ huy động được số vốn ban đầu 10 triệu USD vào năm 2013, nên không thể thâu tóm số cổ phần lớn hơn ở những công ty tăng trưởng nhanh này.
“Tôi thực sự đã đánh giá thấp thị trường của mình”, ông Khailee Ng, Đối tác điều hành ở Jakarta thuộc công ty đầu tư công nghệ Mỹ 500 Startups, cho biết. Quỹ mà ông quản lý hiện có tên 500 Durians.
Trải nghiệm của ông Khailee Ng cho thấy tốc độ phát triển của Đông Nam Á khi nhanh chóng trở thành một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư mạo hiểm với kỳ vọng sẽ nắm bắt cơ hội từ dân số internet đang tăng trưởng nhanh và xu hướng doanh nghiệp đang ồ ạt chuyển sang trực tuyến.
Hiện có hơn 100 công ty đầu tư mạo hiểm địa phương tập trung vào các startup Đông Nam Á, chủ yếu đặt trụ sở tại Singapore. Các doanh nghiệp khu vực Đông Á như Alibaba và Tencent của Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến các startup ở cả vai trò là nhà đầu tư lẫn kẻ đi thâu tóm. Khu vực này cũng bắt đầu thu hút các nhà đầu tư bên ngoài như Sequoia Capital (Mỹ). Hãng này đầu tư thông qua một quỹ trị giá 900 triệu USD trải khắp Ấn Độ. Sequoia Capital đang huy động một quỹ 1,3 tỉ USD với mục tiêu tập trung vào các công ty trưởng thành sắp IPO hoặc M&A.
“Có một sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp công nghệ nhỏ. Những startup này đang tìm kiếm dòng vốn đầu tư mạo hiểm để giúp họ tăng trưởng”, ông Mark Suckling, đối tác tại Cento Ventures (trụ sở tại Singapore), nhận định.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể tác động mạnh đến các startup Đông Nam Á khi nhà đầu tư quay lưng và các công ty làm ăn không có lãi, lớp đệm tài chính mỏng manh là nhóm gặp nhiều nguy cơ.
Thực ra, trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, ông Khailee Ng và các nhà đầu tư mạo hiểm khác đã bày tỏ mối quan ngại về lượng tiền mới chảy vào khu vực Đông nam Á, lo rằng quá nhiều tiền có thể nuôi dưỡng lối suy nghĩ nguy hiểm “phải tăng trưởng bằng mọi giá”, đặc biệt qua việc đốt tiền để đạt được quy mô và tăng trưởng cần thiết. Grab đã đạt tốc độ tăng trưởng hơn 3.600% trong 3 năm tính đến năm 2018 và cùng với Gojek (Indonesia) đã trở thành 2 startup có giá trị nhất Đông Nam Á, cũng là những kẻ hưởng lợi lớn nhất từ dòng vốn mới đổ vào. Cả hai đã huy động được tổng cộng hơn 15 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong đó có Tencent và SoftBank, theo PitchBook.
Tuy nhiên, việc đốt tiền không hẳn sẽ được đền đáp bằng tăng trưởng. Theo các nhà quan sát, trước khi dịch bùng phát, tăng trưởng tại một số startup đã bắt đầu chậm lại kể từ năm 2018. Một ví dụ là số lượt tải ứng dụng của Bukalapak trên các thiết bị Apple và Android đã giảm phân nửa từ tháng 1-12.2019, chỉ còn 692.000 lượt, theo Sensor Tower.
Một điều đáng lo ngại, theo Khailee Ng, là các startup trẻ nhất ở Đông Nam Á chưa bao giờ đối mặt với một cuộc suy thoái trước đó, khiến cho họ không được chuẩn bị tốt để có thể chống đỡ một cuộc suy giảm kinh tế do ảnh hưởng bởi COVID-19. Thực vậy, nhiều startup công nghệ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về thanh khoản khi dịch COVID-19 bắt đầu tác động đến khẩu vị rót vốn của nhà đầu tư.
Cả Grab lẫn Gojek đang nỗ lực trở thành siêu ứng dụng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng, cung cấp mọi dịch vụ từ gọi xe cho đến thanh toán. Tuy nhiên, cùng lúc đó, họ lại đang đối mặt với sức ép từ nhà đầu tư trong việc sáp nhập và chấm dứt cuộc chiến giá khiến cho cả hai không ngừng đốt tiền. Các nhà đầu tư cho biết họ mong muốn làn sóng tiếp theo của các startup sẽ nhắm đến phục vụ cho đối tượng doanh nghiệp. Một ví dụ là Fave, một startup coupon trực tuyến của Malaysia đã mua lại các bộ phận Đông Nam Á của nền tảng mua hàng theo nhóm Groupon vào năm 2017. Fave đã nhận 35 triệu USD từ các nhà đầu tư trong đó có 500 Durians và Sequoia, theo PitchBook.
Joel Neoh, CEO Fave, cho biết ông muốn Fave trở thành siêu ứng dụng phục vụ các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp hệ thống thanh toán và các dịch vụ củng cố lòng trung thành của khách hàng, bên cạnh mảng coupon. Fave là công ty tăng trưởng nhanh nhất tại Malaysia và đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng của Statista về các công ty tăng trưởng nhanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Neoh cho biết các nhà đầu tư đã trở nên khôn ngoan và kén chọn hơn khi rót vốn vào các startup có mô hình kinh doanh chỉ tập trung vào thị trường khu vực, nơi những quy định doanh nghiệp rất rối rắm và đôi khi mâu thuẫn nhau. “Có thể 10 năm trước, người ta còn nói với nhau rằng hãy nhân bản mô hình này, mô hình kia… Giờ rất nhiều công ty như thế đã không tồn tại nữa”, Neoh nói.
Hiện thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm các thương vụ lớn, khiến vốn chảy vào startup Đông Nam Á năm 2019 chỉ còn 7,7 tỉ USD so với mức 12 tỉ USD của năm 2018, theo Cento. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện thực hóa được chỉ 2,2 tỉ USD cho nhà đầu tư trong năm 2019 thông qua IPO hoặc M&A, tương đương con số của năm trước đó, theo PitchBook. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm vẫn đang ngồi trên khoản lợi nhuận trên giấy (chưa được hiện thực hóa), chờ công ty mà họ rót vốn niêm yết trên sàn hoặc tìm được bên mua. Nhưng các thị trường chứng khoán trong khu vực xưa nay không “thân thiện” với các startup công nghệ khi những đợt niêm yết chủ yếu là các tập đoàn đa ngành thuộc sở hữu gia đình và khối lượng giao dịch đa phần đến từ các quỹ lớn của chính phủ.
Vì thế, giới đầu tư đang tập trung vào các startup mà có thể trở thành mục tiêu M&A của những công ty đang tìm cách bành trướng vào thị trường Đông Nam Á. Suckling cho biết ông đang quan sát động thái tiếp theo của Grab và Gojek. “Chúng tôi luôn cho rằng IPO không phải là con đường thoái vốn cho các startup mà chúng tôi đầu tư vào”, ông nói.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư