14 công ty nổi tiếng nước Mỹ ra đời trong thời kỳ suy thoái
Microsoft ra đời năm 1975, đúng giai đoạn "Đại suy thoái" do khủng hoảng dầu mỏ 1973-1975 gây ra. Nhiều công ty nổi tiếng gần đây như Uber, Airbnb cũng được thành lập trong bối cảnh Đại suy thoái 2009.
Đại dịch COVID-19 đang gây ra khủng hoảng cho kinh tế toàn cầu trong đó có Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như nhiều cuộc khủng hoảng trong lịch sử nhân loại đã khiến hàng loạt doanh nghiệp toàn cầu phá sản.
Thế nhưng, lịch sử cũng đã ghi nhận nhiều công ty lớn nổi tiếng nhất hiện nay như Hewlett-Packard (HP), Microsoft hay Trader Joe's… đã ra đời chính trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Dưới đây là 14 công ty nổi tiếng khởi sự từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong khoảng một thập kỷ qua.
General Motors thành lập tháng 9/1908 trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 1907-1910
General Motors được thành lập bởi William Durant và Charles Stewart Mott – hai chủ sở hữu của thương hiệu xe hơi Buick. Sau khi thành lập, General Motors đã mua thêm các thương hiệu xe hơi khác như Oldsmobile và Cadillac. Năm 1918, hãng đã kết nạp thêm thương hiệu Chevrolet vào các dòng sản phẩm.
Ngày nay, General Motors được định giá gần 32 tỷ USD với 164.000 nhân viên toàn thời gian.
Hewlett-Packard ra đời tháng 1/1939, trong bối cảnh “Đại suy thoái” 1937-1938
Cuộc “Đại suy thoái” vào cuối những năm 1930 xảy ra khi Thế chiến II đang cận kề. Chính trong thời kỳ suy thoái đó, William Hewlett và David Packard đã thành lập liên minh Hewlett-Packard (HP). Công ty chính thức khai trương vào ngày 1/1/1939 và chủ yếu được biết đến với các sản phẩm máy tính.
Hiện HP có giá trị khoảng 22 tỷ USD. Năm 2019, HP đã tuyển dụng khoảng 56.000 người.
Nhà hàng Burger King đầu tiên khai trương trong bối cảnh suy thoái sau Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950.
Năm 1953 tại Jacksonville, Florida, Mỹ Keith Kramer và Matthew Burns đã khai trương nhà hàng Burger King đầu tiên với tên gọi ban đầu là Insta-Burger King. Năm 1954, công ty được David Edgerton và James McLamore tiếp quản rồi mở rộng sang các địa điểm mới.
Trong thời kỳ suy thoái 1957-1958, khách sạn Hyatt đầu tiên đã được mở
Theo trang web của Hyatt, vào năm 1957, doanh nhân Jay Pritzker đã mua Hyatt House, một nhà nghỉ gần Sân bay Quốc tế Los Angeles. Sau đó, cùng với anh trai, Pritzker đã mở rộng việc kinh doanh thành tập đoàn quản lý khách sạn và sở hữu chuỗi khách sạn đa quốc gia.
Ngày nay, Tập đoàn khách sạn Hyatt được định giá 5,6 tỷ USD. Tính đến năm 2019, tập đoàn này sở hữu 913 khách sạn.
Cửa hàng Trader Joe's đầu tiên cũng ra đời trong thời kỳ suy thoái 1957-1958
Năm 1957, Joe Coulombe đã mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên dưới tên gọi Pronto Market tại California. Năm 1967, ông giới thiệu cửa hàng tạp hóa Trader Joe's đầu tiên.
Theo số liệu của Business Insider, gia đình Albrecht, chủ sở hữu Trader Joe's có tài sản ròng trị giá khoảng 53,5 tỷ USD. Chuỗi siêu thị hiện có hơn 500 cửa hàng trên toàn nước Mỹ.
Microsoft được thành lập trong "Đại suy thoái" do cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973-1975 gây ra
Tháng 10/1973, khủng hoảng dầu mỏ bắt đầu diễn ra khi các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu nhằm trừng phạt sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria. Lệnh cấm đã khiến giá dầu tăng vọt và thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1973.
Tháng 4/1975, Bill Gates và Paul Allen ra mắt công ty phần mềm máy tính Microsoft và đến năm 1987, ở tuổi 31, Bill Gates đã trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới, theo History Channel.
Microsoft hiện có giá trị khoảng 1,3 nghìn tỷ USD và sử dụng khoảng 148.465 lao động.
Kênh tin tức 24 giờ CNN phát sóng trực tiếp lần đầu vào ngày 1/6/1980 trong bối cảnh suy thoái đầu thập niên 1980
Năm 2019, lượng người xem vào khung giờ cao điểm của CNN đạt trung bình khoảng 1 triệu người.
Công ty trò chơi điện tử Electronic Arts nổi lên từ cuộc suy thoái do khủng hoảng năng lượng 1981-1982 gây ra
Sau khi rời Apple, Trip Hawkins đã ra mắt công ty phần mềm trò chơi điện tử Electronic Arts vào năm 1982. Ngày nay, Electronic Arts đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp máy tính và máy chơi game gia đình, phát hành loạt game nổi tiếng như “Madden NFL” và “The Sims”.
Electronic Arts hiện có giá trị khoảng 33 tỷ USD và có 9.700 nhân viên toàn thời gian.
Nền tảng tiếp thị Mailchimp hình thành trong cuộc suy thoái dot-com năm 2001
Mailchimp được thành lập vào năm 2001 bởi Ben Chestnut và Dan Kurzius. Dịch vụ này được thiết kế cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ thay thế cho phần mềm email đắt tiền được bán vào đầu những năm 2000.
Theo Forbes, Mailchimp được định giá 4,2 tỷ USD vào năm 2018.
“Đại suy thoái” 2007-2009 đã chứng kiến sự ra đời của một số công ty khởi nghiệp như Uber...
Nền tảng chia sẻ chuyến đi Uber được thành lập bởi Travis Kalanick và Garrett Camp vào tháng 3/2009. Đến tháng 6/2018, Uber cho biết ứng dụng của công ty đã phục vụ được 10 tỷ chuyến đi.
... hay Airbnb - thị trường cộng đồng cho việc đặt và cho thuê phòng, căn hộ
Airbnb được hình thành vào năm 2007 khi hai người bạn cùng phòng Joe Gebbia và Brian Chesky quyết định thuê căn hộ của họ. Cả hai cùng Nathan Blecharchot đã tạo ra một trang web và quyết định thành lập doanh nghiệp chuyên làm trung gian cho thuê phòng, căn hộ. Nhờ tăng trưởng thần tốc trong những năm gần đây, năm 2019, Airbnb được định giá 31 tỷ USD.
Công ty thanh toán di động Square cũng ra đời trong cuộc “Đại suy thoái” 2007-2009
Square được đồng sáng lập vào năm 2009 bởi CEO Jack Dorsey (người đồng sáng lập và CEO của Twitter) và Jim McKelvey. Công ty này hiện có giá trị khoảng 26 tỷ USD và có 3.835 nhân viên toàn thời gian.
“Đại suy thoái” 2007-2009 cũng là bối cảnh ra đời của Groupon
Groupon được tạo ra vào năm 2008 trên nền tảng của The Point, một trang web mua chung. The Point được thành lập một năm trước đó bởi Andrew Mason như một giải pháp để giúp mọi người cùng hoàn thành một mục tiêu mua hàng. Hiện nay, Groupon được định giá 547 triệu USD và có 6.345 nhân viên toàn thời gian.
Venmo cũng bắt đầu vào năm 2009 khi kết thúc cuộc “Đại suy thoái”
Theo CNBC, nguồn gốc của Venmo được hình thành tại một buổi hòa nhạc năm 2009. Hai đồng sáng lập Andrew Kortina và Iqram Magdon-Ismail đã nảy ra ý tưởng lập nên nền tảng chuyển tiền này khi thảo luận về việc làm thế nào để có thể gửi tiền qua điện thoại dễ dàng.
Năm 2012, Venmo được mua bởi công ty thanh toán trực tuyến Braintree với giá khoảng 26 triệu USD và sau đó, tiếp tục được PayPal mua lại với giá 800 triệu USD.
Năm 2019, Venmo công bố có 40 triệu người dùng. PayPal, công ty mẹ của Venmo có giá trị vốn hóa khoảng 133 tỷ USD.
Kiều Châu
Nguồn BizLive