Vì sao trong thời công nghệ phát triển, hãng đồ chơi truyền thống Hasbro vẫn tăng trưởng gấp 3?

Vì sao trong thời công nghệ phát triển, hãng đồ chơi truyền thống Hasbro vẫn tăng trưởng gấp 3?

Vào năm 2013 khi mới chuyển đổi số, cổ phiếu của Hasbro chỉ vào khoảng 36 USD thì vào năm 2019, con số này là 109 USD.

Đối với những hãng đồ chơi như Hasbro, câu chuyện chuyển đổi số tưởng chừng không liên quan lại trở thành yếu tố quan trọng giúp công ty gặt hái được nhiều thành công trong thời đại mới.

Từ cuối năm 2012, Hasbro đã nhận ra rằng thay vì tập trung mục tiêu vào nhóm khách hàng trẻ em, họ nên hướng đến marketing cho phụ huynh, những người ra quyết định mua sản phẩm cuối cùng.

Hệ quả là Hasbro từ một công ty chuyên sản xuất đồ chơi và tập trung nghiên cứu thị hiếu trẻ em bắt đầu chuyển đổi số, hướng đến thu thập dữ liệu các phụ huynh để nghiên cứu sở thích của họ, qua đó thực hiện các chiến lược marketing hiệu quả.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số cũng như thu thập dữ liệu, Hasbro hiểu rõ hơn được về khách hàng cũng như cho ra mắt các sản phẩm đúng xu thế thị trường.

Vì sao trong thời công nghệ phát triển, hãng đồ chơi truyền thống Hasbro vẫn tăng trưởng gấp 3?

Ngoài marketing, Hasbro còn phát triển mạnh mảng mạng xã hội và nội dung trực tuyến nhằm bắt kịp xu thế số hóa trên thế giới. Từ một công ty thuần sản xuất đồ chơi truyền thống, Hasbro chuyển mình trở thành một hãng cung cấp cả dịch vụ trực tuyến cũng kinh doanh bản quyền các thương hiệu đồ chơi trẻ em.

Thành công tiêu biểu nhất của Hasbro có lẽ là dòng thương hiệu "Transformer" sau những tập phim của đạo diễn Michael Bay. Sự nổi tiếng của các tập phim đã kích thích nhu cầu của cả trẻ em lẫn người lớn trong mảng đồ chơi ghép hình robot của Hasbro.

Tất nhiên, qua trình chuyển đổi này khá tốn kém khi chi phí quảng cáo của Hasbro tăng 1.100% nhưng doanh số cũng tăng thêm 1 tỷ USD. Năm 2016, doanh số của hãng lần đầu tiên đạt 5 tỷ USD.

Vào năm 2013 khi mới chuyển đổi số, cổ phiếu của Hasbro chỉ vào khoảng 36 USD thì vào năm 2019, con số này là 109 USD.

Sự dịch chuyển online trên thị trường trò chơi

Trong bộ phim "Người dơi" (Batman) năm 1989, nhân vật Joker đã phải thốt lên khi chứng kiến những dụng cụ hiện đại của Batman rằng: "Hắn lấy những món đồ chơi tuyệt vời đó ở đâu vậy?".

Đây cũng là câu hỏi của vô vàn trẻ em trên thế giới khi chứng kiến các bạn cùng lứa có đồ chơi mới. Tuy nhiên, mọi chuyện đã dần chuyển biến khi trẻ em ngày nay hứng thú với trò chơi điện tử, hoạt hình hay các chương trình trực tuyến nhiều hơn.

Câu chuyện Hasbro kể trên cho thấy một thực tại phũ phàng rằng trẻ em ngày nay đang thay đổi và nếu các công ty không bắt kịp thời đại bằng chuyển đổi số, họ sẽ chẳng thể tồn tại.

Những thương hiệu gắn liền với trẻ em như Walt Disney hay Lego giờ đây hầu như tập trung vào chuyển đổi số cũng như các dịch vụ trực tuyến thay vì chỉ sản xuất những món đồ chơi vật lý truyền thống. Họ hướng đến việc thu phí bản quyền và cung cấp các dịch vụ số liên quan đến hoạt hình, trò chơi nhiều hơn.

Vì sao trong thời công nghệ phát triển, hãng đồ chơi truyền thống Hasbro vẫn tăng trưởng gấp 3?

Bản thân Lego, một ông lớn trong mảng trò chơi truyền thống hiện cũng đã phải dựa vào phim truyện, hoạt hình, mạng xã hội hay các nội dung số để đẩy mạnh doanh thu. Những bộ phim hoạt hình của Lego là minh chứng điển hình cho điều đó.

Trong khi đó, Walt Disney xây dựng những thương hiệu như Marvel Comics hay Star Wars không chỉ để thu lời từ nghệ thuật điện ảnh mà còn nhằm quảng bá, thúc đẩy nội dung số. Nhờ đó, họ có thể thu tiền bản quyền hay thúc đẩy các sản phẩm đi kèm cho thiếu nhi.

Quay trở lại câu chuyện của Hasbro, trong khi thị trường đồ chơi trẻ em truyền thống khá ảm đạm thì doanh số của hãng lại tăng trưởng 40% trong quý III/2019. Ngoài nguyên nhân chuyển đổi số, việc Hasbro cộng tác với Disney cho ra mắt những câu chuyện thiếu nhi như "Nữ hoàng băng giá" hay "Chiến tranh giữa các vì sao" và đặc biệt là "Avenger" đã thúc đẩy doanh thu từ bản quyền cũng như các sản phẩm trò chơi liên quan.

Không dừng lại ở đó, những thương hiệu hoạt hình như Peppa Pig hay chương trình PJ Masks dù không phổ biến với người lớn nhưng lại được rất nhiều trẻ em yêu thích. Thậm chí Hasbro còn có kế hoạch tự xây dựng studio để phát triển nội dung số cho riêng mình nhằm thúc đẩy song hành cùng mảng đồ chơi.

Tương tự, một hãng sản xuất đồ chơi khác là Mattel cũng đang cố gắng chuyển đổi online, phát triển nội dung số thông qua các thương hiệu bản quyền như búp bê Barbie, Barney...

Rõ ràng trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nơi mà màn hình vi tính nhan nhản khắp mọi nơi thì các hãng đồ chơi cần phải chuyển đổi để bắt kịp được thị trường.

AB
Nguồn CafeBiz