Thị trường bia: Vật vã với hàng tồn kho
Sức mua giảm, cung vượt xa so với cầu là khó khăn chung mà các ngành sản xuất như thép, bia, cà phê, thủy sản... gặp phải trong những tháng đầu năm 2013.
Thực trạng trên đòi hỏi cần sớm có giải pháp để thoát khó trong 6 tháng cuối năm.
Đã có hơn 1 tỷ lít bia được sản xuất trong 5 tháng qua, tăng trên 10,9%, tuy nhiên, theo Bộ Công thương, tồn kho của ngành bia tăng cao, tới 32,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Bia nội chậm lại
Theo đánh giá của các ông lớn trong ngành bia thế giới như Anheuser-Busch InBev (AB InBev), Kirin Holding hay tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor International, với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam đang trở thành nước sản xuất bia hấp dẫn nhất khu vực. Doanh số bán bia tại đây được ước tính tăng bình quân 10%/năm.
Việt Nam cũng được xếp vào top 25 nước trên thế giới có mức tăng trưởng về tiêu thụ bia lớn trên thế giới với 15% bên cạnh Nigeria (17,2%), Ấn Độ (17%), Brazil (16%).
Hiện mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam mới khoảng 27-28 lít/năm, so với mức 47 lít tại Nhật Bản, 78 lít tại Mỹ, hoặc 107 lít ở Đức, thì cơ hội cho thị trường bia nhanh chóng thu hút sự có mặt của các nhà sản xuất bia trên thế giới. Năm 2012, lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam đã gần 2,8 tỷ lít.
Với lợi thế lâu năm và hiểu biết thị trường nội địa, hai doanh nghiệp bia của Việt Nam là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có chỗ đứng nhất định.
Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 1,36 tỷ lít bia và trong 5 tháng đầu năm, Sabeco đã sản xuất được 545,6 triệu lít (tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2012). Trước đó, năm 2012, Sabeco tiêu thụ được 1,26 tỷ lít bia.
Việt Nam được xếp vào top 25 nước trên thế giới có mức tăng trưởng về tiêu thụ bia lớn trên thế giới với 15% bên cạnh Nigeria (17,2%), Ấn Độ (17%), Brazil (16%).
Tuy nhiên, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bia Việt Nam được các nhà phân tích chuyên nghiệp đưa ra, có thể thấy, bước chân của Sabeco đã bắt đầu chậm dần.
Không chỉ Sabeco, tại doanh nghiệp bia nội lớn ngay sau là Habeco cũng phải đối mặt với các thách thức trong việc gia tăng sản lượng và giữ vị trí trên thị trường.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Habeco đạt sản lượng bia sản xuất là 187 triệu lít, (tăng trên 20% so với cùng kỳ), nhưng áp lực bán hàng vẫn rất lớn. Năm 2013, Habeco cũng chỉ đặt mục tiêu tiêu thụ 479,5 triệu lít, trong khi năm 2012, Habeco đã tiêu thụ được 450 triệu lít.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT của Sabeco thời gian gần đây cũng thể hiện sự quan ngại về việc, chưa khi nào, chưa bao giờ và chưa nơi nào cạnh tranh trên thị trường bia khốc liệt như ở Việt Nam, nhất là khi năm sau, người khổng lồ Anheuser-Busch InBev (AB InBev) vào thị trường Việt Nam.
Không chỉ than phiền về các hình thức quảng cáo tràn lan, bán phá giá (kiểu mua 1 tặng 3) đang gây ra khó cho các thương hiệu nội, ông Tuất cũng cảm thấy bất bình với chính sách khống chế phí quảng cáo, marketing 10% khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh được.
Tuy vậy, tại Đại hội đồng cổ đông mới được tổ chức của Sabeco, câu chuyện bất đồng quan điểm trong quản lý và điều hành khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh ngiệp nhà nước sang công ty cổ phần, sự mâu thuẫn của lãnh đạo cao cấp diễn ra trong thời gian dài đã khiến nhiều bộ phận "mất liên lạc", thậm chí là tình trạng "cát cứ"... cũng là những yếu tố làm suy yếu Sabeco.
Nhìn nhận từ góc độ khác, câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam thường hài lòng khi trú ẩn tại sân nhà và hy vọng sẽ bình yên mãi mãi cũng diễn ra trong ngành bia. Với thực tế độc quyền trên thị trường bia nội trong quá khứ của Sabeco và Habeco, thì việc phải "bơi" nhiều hơn ở thời điểm hiện nay để phát huy được những thành quả sẽ là áp lực lớn với bia nội.
Bia ngoại tung chiêu
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, cuộc chiến về hầu bao quảng cáo, khuyến mãi và marketing là cuộc chiến phần thua chắc chắn cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi chúng ta chấp nhận cuộc chơi theo luật của các tay chơi nước ngoài trường vốn và có vô vàn kinh nghiệm đối phó với các công ty bản địa tại các thị trường họ đã thâm nhập.
Ngoài sự chính thức có mặt của AB Inbev tại Việt Nam mới đây, các nhãn hiệu bia ngoại cũng có những động thái mạnh để giành thị phần.
AB Inbev vào Việt Nam sau khi mua lại một doanh nghiệp bia mới được cấp phép tại Bình Dương giữa năm ngoái và nhanh chóng xin tăng vốn đầu tư thêm 15 triệu USD. Hãng bia lớn nhất thế giới với sản lượng tới 40 tỷ lít bia vào năm ngoái cũng được dự báo không gặp khó khăn nhiều với kế hoạch đầu tư nhà máy bia 100 triệu lít/năm ở Việt Nam. Dĩ nhiên, bán bia nào và chiến lược tiếp thị ra sao thì còn phải chờ thêm 1 năm nữa.
Dù chưa lo cạnh tranh ngay với AB Inbev, thị trường bia cũng chứng kiến nhãn hiệu Tiger và Heinerken gia tăng hoạt động của mình. Tập đoàn Asia Paciffic Breweries (APB) sở hữu nhãn hiệu hai nhãn hiệu Tiger và Heineken đang triển khai việc đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất lên tới quy mô 1,5 tỷ lít bia vào năm 2015 tại Việt Nam.
Mặt khác, xét về hiệu quả thì APB lại tỏ ra chắc tay hơn hẳn Sabeco, bởi các loại bia của doanh nghiệp này tập trung vào thị trường cao cấp. Một số thông tin trên các báo chí quốc tế thì cho hay, doanh thu năm 2011 của Heineken và Tiger chỉ khoảng non nửa so với Sabeco, nhưng lợi nhuận thì ngang ngửa nhau với con số hơn 2.300 tỷ đồng.