Hoạt động kinh doanh toàn cầu đảo lộn sau COVID-19
Trong bối cảnh hỗn loạn như hiện nay, thì có ít nhất một điều rõ ràng. Đó là một số ít công ty với tiềm lực mạnh mẽ sẽ càng có sức ảnh hưởng lớn hơn, khi họ đã có được sự ổn định về mặt tài chính.
Ở những nước giàu, các chính phủ và nhà kinh tế học đang có những cuộc thảo luận sôi nổi về việc phong toả nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ tốn kém đến mức nào. Liệu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có sụt giảm 1/10 hay 1/3 không? Liệu đà sụt giảm sẽ kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay nhiều hơn thế? Không ai có thể dự đoán trước.
Chủ đề tương tự cũng được bàn luận trong các cuộc họp của doanh nghiệp. Họ nỗ lực ước tính xem dòng tiền mặt sẽ sụt giảm bao nhiêu và liệu họ có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động hay không.
Trong bối cảnh hỗn loạn như hiện nay, thì có ít nhất một điều rõ ràng. Đó là một số ít công ty với tiềm lực mạnh mẽ sẽ càng có sức ảnh hưởng lớn hơn, khi một số đã có nguồn ổn định tài chính. Thậm chí, khả năng Johnson & Johnson vỡ nợ thậm chí còn thấp hơn Canada. Tổng lượng tiền mặt của Apple là 207 tỷ USD – một con số còn lớn hơn nhiều so với gói kích thích tài khoá của hầu hết các quốc gia. Unilerver đang cung cấp tiền mặt để hỗ trợ các nhà cung cấp.
Về lâu dài, các công ty này có thể giành được thị phần bằng cách đầu tư nhiều hơn hoặc mua lại các đối thủ gặp khó khăn. Điều đáng chú ý là thế giới hậu COVID-19 sẽ là thời điểm những "ông lớn" sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Suy thoái là cơ chế tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, từ đó làm lộ rõ các mô hình kinh doanh yếu kém và những bảng cân đối kế toán bị mở rộng quá mức. Trong 3 cuộc suy thoái vừa qua, giá cổ phiếu của các công ty Mỹ thuộc "bộ tứ" lớn nhất trong số 10 lĩnh vực tăng trung bình 6%, còn những công ty thuộc nhóm cuối cùng giảm 44%. Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong năm 2020 sẽ trầm trọng hơn nhiều so với một cuộc suy thoái thông thường, dù sẽ hồi phục trong thời gian ngắn.
Một số công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những yêu cầu hạn chế di chuyển và mua sắm đã thể hiện rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Ngày 23/3, Primark – một công ty bán lẻ thời trang, cho biết họ sẽ đóng cửa toàn bộ 376 cửa hàng tại 12 quốc gia, với mức doanh thu hơn 770 triệu USD/tháng. Họ kỳ vọng rằng việc này sẽ giúp giảm một nửa các loại chi phí.
Đối với hầu hết các công ty, thì "bức tranh" hiện tại u tối hơn nhiều và thậm chí là tuyệt vọng. Một số công ty đã thông báo về việc cắt giảm đối với chi trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, không có nhiều công ty lên tiếng về việc dòng tiền mặt của họ sẽ mất bao nhiều, dù hầu hết con số sẽ là rất lớn.
Vậy cho đến nay, công ty nào là "người chiến thắng" lớn nhất? Để tìm hiểu về khả năng hồi phục của các công ty, The Economist đã khả sát 800 công ty niêm yết lớn nhất tại Mỹ và châu Âu. Nhóm nghiên cứu lấy điểm trung bình từ 4 yếu tố: chi phí sử dụng nợ, biên lợi nhuận hoạt động, lưu lượng tiền mặt và đòn bẩy.
Một số công ty quy mô trung bình có số điểm cao, nhưng những công ty lớn nhất vẫn có tiềm lực mạnh nhất, nhờ mức định giá và lợi nhuận. 100 công ty lớn nhất có mức định giá cao gần gấp đôi so với top 100 nhỏ nhất, với mức biên lợi nhuận hoạt động trung bình cao hơn 17%. Giá cổ phiếu của các "ông lớn" cũng có diễn biến khởi sắc hơn – hoặc ít tồi tệ hơn, trong tháng vừa qua, ghi nhận mức giảm trung bình là 17%, trong khi nhóm nhỏ hơn giảm 36%.
Các công ty ở Thung lũng Silicon và "ông lớn" ngành dược phẩm chiếm ưu thế lớn nhất. Công ty công nghệ chiếm tới 48% trong top 100, Microsoft (đứng thứ 10), Apple (số 13), Facebook (số 14) và Alphabet (số 18) đều có lưu lượng tiền mặt lớn. Nhu cầu đối với sản phẩm của các công ty này cũng tăng mạnh, ví dụ như nền tảng làm việc nhóm của Microsoft. 24 công ty còn lại thuộc lĩnh vực chăm sóc y tế khác. Nhiều doanh nghiệp đều có khoản tiền mặt dự phòng và một thị trường với nhu cầu sử dụng thuốc rất cao. Những công ty có vị thế yếu ở thời điểm này thuộc ngành vận tải, bán lẻ và giải trí.
Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực cũng có những "kẻ" chiến thắng và thua cuộc. Ở ngành công nghệ, Amazon đang tuyển dụng thêm 100.000 nhân sự để đáp ứng với nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao tại Mỹ. Trong khi đó, SoftBank phải thoái vốn 41 tỷ USD để huy động tiền mặt, có thể sẽ bán cổ phần ở Alibaba. Trong ngành năng lượng, cổ phiếu của những "gã khổng lồ" như Exxon Mobil, Royal Dutch Shell và BP đều vượt trội so với các công ty nhỏ hơn. Occidental Petroleum thì đang đối diện với khoản nợ 40 tỷ USD.
Công ty mỹ phẩm của Pháp L’Oréal cũng có lợi thế lớn hơn nhiều so với Coty – đối thủ đến từ Mỹ. Ngành sản xuất máy bay cũng xuất hiện sự chênh lệch lớn. Ví dụ, hôm 23/3, Airbus cho biết họ đang nắm giữ 32 tỷ USD trong quỹ thanh khoản, trong khi Boeing đang chật vật để có được khoản cứu trợ từ chính phủ Mỹ.
Khả năng hồi phục của những công ty lớn nhất cuối cùng sẽ trở thành một lợi thế về lâu dài, cho phép họ giành thị phần trong tương lai. Đối với họ, chi phí vốn sẽ thấp hơn, các nhà cung cấp sẽ tìm đến họ thay vì các công ty nhỏ hơn. Với tỷ suất lợi nhuận và lưu lượng tiền mặt lớn hơn, họ có đủ khả năng để thực hiện những khoản đầu tư lớn trong khi các công ty khác buộc phải cắt giảm. Một số công ty sẽ thực hiện những thương vụ thâu tóm khi chính phủ khuyến khích – đặt mối ưu tiên về sự sống còn của các công ty và việc làm lên trước mối lo ngại về chống độc quyền. Khi mức định giá sụt giảm và hoạt động huy động vốn khó khăn hơn, thì khả năng các start-up thua lỗ "dựa dẫm" vào lợi nhuận từ những công ty lớn sẽ giảm dần.
Dẫu vậy, mọi chuyện không phải lúc nào cũng diễn ra theo như kì vọng của những ông lớn. Những lời kêu gọi đổi mới trong sự ràng buộc xã hội giữa các bên sẽ còn tiếp tục sau đại dịch, các tập đoàn sẽ chịu sức ép phải cung ứng những mặt hàng thiết yếu với mức giá rẻ hơn và mang lại sự đảm bảo an sinh tốt hơn cho người lao động. Chủ nghĩa tư bản sẽ bớt "chân lý thuộc về kẻ mạnh", bởi những công ty yếu kém hơn đang nhận được những khoản cứu trợ và vay trợ cấp.
(Sửa tiêu đề bởi Brands Vietnam)
Tham khảo Economist
Nguồn CafeBiz