Giám đốc Quỹ Nextrans: Cơ hội cho startup vẫn còn, nhưng phải tập trung và đi thật nhanh!
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với chúng tôi, chị Lê Hàn Tuệ Lâm, nữ Giám đốc Quỹ Nextrans luôn nhấn mạnh rằng khủng hoảng lần này rất khác với những đợt suy thoái trong quá khứ. Miếng bánh của nền kinh tế đang nhỏ lại, như miếng pizza từ cỡ lớn giờ chỉ còn cỡ trung bình hoặc nhỏ. Nhưng cơ hội cho startup vẫn còn.
Cuối tháng 1/2020, khi virus SARS-Cov-2 còn chưa hoành hành, Tech in Asia đưa tin dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ tại châu Á trong tháng đầu tiên của năm mới đã giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong hơn hai tháng bùng phát sau đó, không phân biệt giàu - nghèo, đã hay đang phát triển, con “thiên nga đen của 2020” khiến nhiều quốc gia phải thông báo tình trạng khẩn cấp, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến khu vực EU và giờ là Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, cuộc chiến dầu mỏ, thị trường chứng khoán tụt dốc, IMF nhận định nền kinh tế đã bước vào suy thoái - một viễn cảnh không hề tươi sáng cho giới startup.
Nhưng số liệu từ những cuộc suy thoái trong quá khứ cho thấy số lượng thương vụ mà các nhà đầu tư thiên thần đầu tư trong giai đoạn suy thoái không hề giảm, thậm chí còn tăng đáng kể. Phải chăng đây là tia sáng hy vọng cho những nhà khởi nghiệp?
Để có cái nhìn rõ hơn về tia hy vọng này, CafeBiz đã có cuộc trao đổi với chị Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc Khu vực của Quỹ Nextrans.
* Chị có bình luận gì về số liệu mà Tech in Asia đưa tin hồi cuối tháng 1?
Sự hạn hẹp về nguồn vốn xảy ra ở khắp các doanh nghiệp, khắp các ngành nghề chứ không chỉ riêng giới VC (đầu tư mạo hiểm - PV) và startup. Kể cả những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Vingroup cũng phải dừng một vài nhánh kinh doanh nhất định khi họ cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi để tối ưu hóa dòng vốn.
Con số này cũng tuân theo quy luật từ trước đến nay của nền kinh tế, có lên thì sẽ có xuống. Tốc độ tăng trưởng và mức thu hút dòng vốn mạo hiểm, trong giai đoạn 2013 đến cuối 2019, gần như đã tăng gấp 4 lần so với giai đoạn khủng hoảng 2008-2013 - mức tăng không hề thấp và đã đến lúc thị trường cần điều chỉnh rồi, cũng không có gì quá ngạc nhiên cả!
* Vậy thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn hấp dẫn như trước không, thưa chị?
Mặc dù con số vào tháng Một chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi virus corona, nhưng hai tháng sau đó, rõ ràng bị ảnh hưởng lớn, đang đi xuống thì tiếp tục đi xuống nhanh hơn.
Bây giờ, giới hạn về mặt địa lý, quốc gia hay lãnh thổ không còn quan trọng nữa mà câu chuyện là ngành nào sẽ hấp dẫn hơn. Ví dụ như healthcares (chăm sóc sức khỏe), edtech (công nghệ giáo dục) sau này có thể trở thành những ngành thu hút người dùng và nguồn vốn. Do đó, những khu vực nào phát triển tốt các ngành đó sẽ thu hút nhà đầu tư. Họ sẽ ưu tiên ngành kinh doanh hơn là khu vực.
Nhưng nếu xét riêng Việt Nam và châu Á, không phủ nhận đây là thị trường mới nổi, khả năng sinh lời và mang lại ROI (tỷ suất hoàn vốn) cao cho nhà đầu tư. Nhưng đó là trong thời kỳ phát triển bình thường, ổn định.
Còn trong một cuộc khủng hoảng, dòng tiền sẽ đổ về những chỗ an toàn nhất. Khi ấy, người ta không kỳ vọng tìm nơi mang lại ROI cao mà thường tìm thị trường có tính rủi ro thấp nhất. Việt Nam và các thị trường châu Á sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, theo chiều hướng không tích cực.
Tuy nhiên, nếu chọn đúng ngành nghề thì tương lai cho startup và các nhà đầu tư vẫn rất sáng sủa.
* Trong thời kỳ dịch bệnh và suy thoái kinh tế như hiện nay, khả năng tiếp cận vốn và tiếp cận nhà đầu tư của các startup bị ảnh hưởng như thế nào?
Điều hiển nhiên rằng mọi thứ sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Quan trọng là đối mặt với khó khăn đó như thế nào.
Chúng ta phải chấp nhận rằng có thể sẽ xảy ra những kịch bản rất xấu, không dừng lại ở việc có gọi được vốn hay không, mà bản thân mô hình kinh doanh của các công ty cũng trắc trở. Để bán được hàng, có thêm khách hàng và thậm chí để sống sót thôi cũng đã cực kỳ khó khăn rồi.
* Đứng trước vô vàn khó khăn, các startup phải chuẩn bị tinh thần và trang bị cho mình những gì?
Trong cơn khó khăn này, chúng tôi hiểu được rằng mọi người đều cảm thấy rất bất an. Với vai trò là nhà đầu tư như Nextrans, chưa biết chắc chắn mình hỗ trợ được họ về mặt vật chất bao nhiêu nhưng về mặt tinh thần, mình luôn phải ở bên cạnh họ. Trong bức thư mà Nextrans gửi đến các công ty trong danh mục, chúng tôi có gạch ra những ý cơ bản và quan trọng nhất để nhắn nhủ các CEO.
Đầu tiên, cần giữ cho toàn bộ đội ngũ, nhân viên trong công ty và gia đình của họ mạnh khỏe. Đó là điều quan trọng nhất, còn con người thì còn làm lại được.
Thứ hai, trong tình huống như thế này, người đứng đầu phải thể hiện được khả năng lãnh đạo hơn bao giờ hết. Khi tất cả đều đang hoảng loạn, nếu nhân viên hoảng loạn lại được chỉ huy bởi một lãnh đạo hoảng loạn thì rất khó để vượt qua khủng hoảng. Với vai trò là lãnh đạo, dù có nhiều lo lắng và bất an nhưng các CEO phải hiểu rằng dưới mình còn rất nhiều nhân viên, họ đều đang nhìn vào mình nên bản thân phải bình tĩnh trước.
Thứ ba, yếu tố quyết định đến sự sống còn của startup, chính là dòng tiền. Luôn ghi nhớ rằng “tiền mặt là vua”.
Cuối cùng, hãy tập trung. Giai đoạn này, đa phần đều sẽ bị xao lãng nhưng cùng lúc ấy, những startup nào tranh thủ phát triển sản phẩm, tập trung vào mục tiêu của mình thì sẽ có cơ hội lớn để thành công.
* Chị có thể nói rõ hơn về vai trò của quản trị dòng tiền?
Tiền được ví như oxy của tất cả các doanh nghiệp. Trong lúc mọi thứ tốt đẹp, việc gọi vốn, bán hàng đều dễ dàng thì chúng ta có rất nhiều oxy, chúng ta không tự sản sinh thì cũng có nhiều người mang đến cho mình, bằng nhiều kênh.
Nhưng trong giai đoạn khủng hoảng, tất cả mọi người đều cần oxy. Cần thừa nhận rằng việc gọi vốn sẽ khó khăn hơn rất nhiều, không dễ như xưa nữa, thậm chí nhiều startups có khả năng sẽ không gọi được vốn. Phải tính đến viễn cảnh không gọi được vốn thì doanh nghiệp có sống được không?
Câu trả lời chính là vấn đề dòng tiền, doanh nghiệp có tự sản sinh ra dòng tiền không? Ít hay nhiều? Nếu đang ít thì chi tiêu thế nào? Cần phải cân bằng tốt dòng tiền của mình, vì hết tiền thì chúng ta sẽ chết.
Trong thời kỳ khủng hoảng, tất cả đều khó khăn nên không ai đưa tay ra cứu chúng ta được, họ còn phải giải quyết những khó khăn của mình trước. Chính vì thế mà chỉ có thể dựa vào chính mình, nhiều hơn bất kỳ lúc nào hết. Theo quan điểm của tôi, vấn đề quản trị dòng tiền là yếu tố then chốt để giúp startup duy trì oxy cho doanh nghiệp trong mọi cơn bão, kể cả cuộc khủng hoảng lần này.
* Trong khủng hoảng, khẩu vị của các nhà đầu tư có thay đổi không, thưa chị?
Lúc này vấn đề không phải khẩu vị nữa. Trong lúc khỏe mạnh thì ta có thể thích ăn chua, cay, mặn, ngọt nhưng khi đổ bệnh, tất cả những gì mình cần là ăn để sống chứ không phải ăn để vui như trước nữa.
Có những startup “nice to have” (có cũng được, không có cũng không sao), có những startup “must have” (bắt buộc phải có). Các nhà đầu tư sẽ tìm đến những startup “must have” trên thị trường.
Đồng thời với những startup chưa có lợi nhuận hoặc thua lỗ triền miên, chúng ta không đánh giá họ làm đúng hay sai, nhưng cơ hội của họ sẽ bị giảm thiểu đáng kể so với những startup đã hòa vốn hoặc có lãi. Điều này lại quay trở lại vấn đề dòng tiền mà tôi đề cập trước đó. Bên nào làm ra tiền trước, chưa cần biết mô hình có “scale” (nhân rộng) được không, nhưng đơn giản là họ không “đốt” tiền thì sẽ được ưu tiên hơn trong thời kỳ khủng hoảng này.
* Dữ liệu từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy số deals của các nhà đầu tư thiên thần vẫn tăng. Liệu các startup có thể dựa vào đó mà lạc quan một chút không?
Khủng hoảng này rất khác so với những cuộc khủng hoảng trước. Khủng hoảng thừa (1929-1933), bong bóng dotcom (1999-2000) hay suy thoái toàn cầu (2008), tất cả đều bắt nguồn từ những yếu tố nội tại trong nền kinh tế.
Còn cuộc khủng hoảng lần này đến từ một loại virus - yếu tố bên ngoài, giống như giặc ngoại xâm vậy. Chúng ta không biết và cũng không điều khiển được, vì thế nên tạo ra sự không chắc chắn.
Nếu như trước kia vấn đề đến từ nội tại nền kinh tế thì ta có thể sửa chữa được, có thể mất thời gian 2-3 năm. Còn lần này, chúng ta không biết khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc mà chỉ làm hết sức để chống dịch. Quan trọng hơn, chúng ta buộc phải đánh đổi: hoặc là sức khỏe, hoặc là kinh tế.
Nếu nhìn vào dữ liệu quá khứ, có thể thấy các nhà đầu tư thiên thần vẫn đầu tư vào rất nhiều thương vụ nhưng lần này thì rất khác, bản thân họ là những người chịu rủi ro nhiều nhất và thậm chí họ cũng không biết sẽ phải đối mặt với những rủi ro gì. Do đó, tôi nghĩ vẫn chưa thể khẳng định nên lạc quan hay bi quan, nhưng cần thận trọng.
Thận trọng và đánh giá những cơ hội. Đối với nhà đầu tư thì sẽ chậm lại, nhìn lại mọi thứ, tìm ra những ngành - lĩnh vực có thể bùng nổ sau dịch. Đối với startup cũng vậy, cần thận trọng và đặt những yếu tố sống còn lên hàng đầu.
* Đối với Nextrans, diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ như thế nào?
Chắc chắn bị ảnh hưởng, không chỉ Nextrans mà bất kỳ quỹ ngoại hay quỹ nội nào cũng bị ảnh hưởng hết. Đó thực sự là cơn chấn động toàn cầu.
Nhà đầu tư không thể sang Việt Nam, những văn bản, thỏa thuận cổ đông cần ký bản cứng cũng bị đình trệ. Có thể nói các quy trình, thủ tục đều bị chững lại. Quy mô trong các deal hay mục tiêu cho deal mới, cũng thay đổi. Các bên đều thận trọng hơn, đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Với Nextrans, có thể quy mô mỗi thương vụ không đổi nhưng cũng cân nhắc nhiều hơn tới các tiêu chí để chọn startup. Trước đây, nếu chúng ta ủng hộ việc bỏ trứng vào nhiều giỏ, ngành nghề hot, mới (như AI, blockchain, VR,...) để đảm bảo mình không bỏ sót những kỳ lân mới thì trong khủng hoảng, người ta tìm đến những “giỏ trứng” an toàn nhất chứ không phải lúc để mạo hiểm. Dù gọi là nhà đầu tư mạo hiểm nhưng trong khủng hoảng, bất kể nhà đầu tư nào cũng đều tìm đến những hình thức mang lại rủi ro thấp nhất. Nếu đặt cược vào những ngành mới, họ sẽ cược rất ít thôi.
* Chúng ta vẫn thường được trấn an rằng “trong nguy có cơ”. Vậy đâu là cơ hội cho các startup trong giai đoạn này?
Quay trở lại các cuộc khủng hoảng trước, có rất nhiều người nghèo đi nhưng cũng có những người giàu lên đáng kể. Nếu lựa chọn đúng phía thì ta hoàn toàn có cơ hội giàu lên từ khủng hoảng, tiền sẽ chảy từ người này sang người khác, vùng này sang vùng khác. Nhưng đó là trong quá khứ.
Tôi phải nhấn mạnh rằng, khủng hoảng lần này rất khác. Chúng ta đều mất mát, gần như không có ngành nghề nào hưởng lợi cả. Toàn bộ nền kinh tế đều chịu tổn thất, giống như chiếc pizza từ cỡ lớn giờ chỉ còn là cỡ trung bình hoặc nhỏ, mỗi miếng chúng ta ăn đều nhỏ đi.
Bây giờ, chúng ta khó mà làm giàu bằng cách ăn miếng to hơn của người khác. Cơ hội ở đây chính là các startup tìm đến những lĩnh vực, công nghệ mà có thể đi thật nhanh và chắc chắn, đẩy toàn bộ “chiếc bánh” lớn hơn, dù chỉ chút xíu. Ứng dụng Zoom là một ví dụ điển hình. Khi mà giờ đây, hầu hết chúng ta phải làm việc ở nhà thì Zoom trở thành giải pháp của các công ty, trường học, các Chính phủ, và cả những cá nhân bình thường.
Hiểu được nỗi đau của thị trường, của các doanh nghiệp thì cơ hội vẫn luôn ở đó cho các startup. Những ngành tập trung vào bài toán sống còn, cốt lõi sẽ không bao giờ lỗi thời, ví dụ như y tế, năng lượng, thực phẩm. Khủng hoảng lần này khiến chúng ta nhận ra ta chưa dành sự quan tâm đúng mực đến các bác sĩ, các nhà nghiên cứu, chuỗi cung ứng thực phẩm, thiết bị y tế… Đây sẽ là cơ hội cho các startup mới và các VC cũ.
Nhưng tìm ra giải pháp cho vấn đề lại là một chuyện khác. Chúng ta phải làm tốt cả hai.
* Chị có lời khuyên nào cho startup trong giai đoạn này?
Cũng giống như thông điệp mà Nextrans gửi trong tâm thư, hơn bao giờ hết, cần phải tập trung. Đó là thứ vũ khí duy nhất để ta có thể cứu mình khỏi suy thoái. Trong lúc mọi thứ đang hỗn độn, hoảng loạn thì tốt nhất hãy tập trung vào những thứ mình đang làm và làm thật tốt. Đó là ưu tiên hàng đầu.
Cuối cùng, nếu đã có gen trong mình thì dù suy thoái có xảy ra cũng không ngăn được startup trở thành kỳ lân, nhưng phải đi thật nhanh! Khủng hoảng đến nhanh nhưng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng nếu đủ sức và tập trung, startup cũng sẽ lớn nhanh thôi.
* PV: Cảm ơn chị đã dành thời gian!
Thuỳ Dương
Nguồn CafeBiz