Vingroup hé lộ khoản thu 8.500 tỉ đồng từ thương vụ với Masan

Vingroup hé lộ khoản thu 8.500 tỉ đồng từ thương vụ với Masan

Giá trị thương vụ chuyển giao chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco cho đối tác Tập đoàn Masan không được tiết lộ trong thời điểm ký kết giữa hai "ông lớn" nội địa Vingroup và Masan. Nhưng trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 của Vingroup, khoản thu từ thương vụ này đã được ghi nhận là 8.500 tỉ đồng.

Vingroup không kiểm soát công ty hợp nhất

Tập đoàn Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019, trong đó hé lộ hàng loạt giao dịch chuyển nhượng cổ phần của tập đoàn trong năm tài chính 2019. Thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý nhất của Vingroup năm vừa qua là chuyển giao chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco cho đối tác Tập đoàn Masan.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty VCM (Công ty mẹ VinMart, VinMart+, VinEco). Đồng thời, tập đoàn này sẽ phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất mới cho Vingroup. Trong đó, công ty hợp nhất mới sẽ sở hữu cổ phần và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings. Tuy nhiên, trong thỏa thuận này 2 bên không tiết lộ về giá trị kèm theo việc sáp nhập.

Vingroup hé lộ khoản thu 8.500 tỉ đồng từ thương vụ với Masan

Vingroup thu về hơn 8.500 tỉ đồng từ thương vụ thoái vốn khỏi Vincommerce. Ảnh minh họa: Internet

Trong năm 2019, Vingroup đã hoán đổi toàn bộ 64,3% tỷ lệ sở hữu trong công ty VinCommerce cho CTCP Tập đoàn Masan lấy quyền chọn nhận cổ phần trong một công ty mới là công ty hợp nhất sở hữu cổ phần của 2 công ty, bao gồm VinCommerce và Masan Consumer Holdings (mảng sản xuất bán lẻ của Masan).

Như vậy, thay vì sở hữu trực tiếp cổ phần trong VinCommerce, Vingroup sẽ sở hữu cổ phần trong một công ty hợp nhất về sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng.

Sau đó, Vingroup cũng thực hiện thoái vốn một phần trong tổng số quyền chọn mà Vingroup sở hữu. Sau giao dịch này, Vingroup vẫn nắm một tỷ lệ sở hữu đáng kể nhưng không kiểm soát trong công ty hợp nhất.

Trong quí IV/2019, Vingroup ghi nhận lãi 8.502 tỉ từ giao dịch hoán đổi và giao dịch chuyển nhượng quyền chọn nêu trên.

Trong năm qua ngoài thương vụ đình đám sáp nhập công ty con với Masan thì trước đó (2018) Vingroup cũng đã hoàn thành giao dịch mua lại 100% vốn Công ty General Motors Việt Nam. Trong báo cáo tài chính mới đây Vingroup cũng cho biết đã hoàn thành kế toán tạm thời với thương vụ này. Theo đó giá trị tài sản công ty này sau điều chỉnh tăng từ 1.155 tỉ đồng lên 1.366 tỉ đồng. Trong năm 2018, lợi nhuận của General Motors Việt Nam vào khoảng 208 tỷ đồng.

Các thương vụ "khủng" cùng việc từ bỏ giấc mơ bay Vinpearl Air

Hoạt động tài chính của Vingroup trong năm qua cũng khá sôi động với nhiều thương vụ có giá trị lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Liên quan tới hoạt động sản xuất ô tô, tháng 9/2019, Vingroup đã chi 288 tỉ mua thêm 51% vốn tại Công ty Aapico Vinfast, và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp sản xuất thân ô tô và xe có động cơ này. Tổng tài sản của Aapico Vinfast tại thời điểm được mua là gần 851 tỉ đồng, nợ phải trả là 392 tỉ đồng.

Vingroup hé lộ khoản thu 8.500 tỉ đồng từ thương vụ với Masan

Nguồn: Báo cáo tài chính Vingroup

Năm 2019, Vingroup đã mua 34,22% vốn Công ty Mundo Reader với giá 475 tỉ đồng. Tập đoàn sau đó góp thêm 479 tỉ đồng vào công ty này và trở thành công ty mẹ sở hữu 51% vốn Mundo Reader. Trong đó, hoạt động chính của Mundo Reader là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ bao gồm điện thoại thông minh.

Giá trị tài sản hợp lý của Mundo Reader được Vingroup xác định vào khoảng 2.167 tỉ đồng, nợ phải trả là 1.331 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2019 đến thời điểm mua lại (ngày 28/2/2019), Mundo Reader ghi nhận 698 tỉ đồng doanh thu và lỗ trước thuế 55 tỉ đồng. Khoản lỗ từ ngày mua đến hết năm 2019 là 820 tỉ đồng.

Ngoài các giao dịch nói trên, năm 2019, Vingroup cũng lãi hàng ngàn tỉ đồng từ việc bán các dự án bất động sản. Trong đó, tập đoàn này chuyển nhượng 100% vốn CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land với giá 2.610 tỉ đồng, thu lãi 1.612 tỉ đồng; chuyển nhượng toàn bộ vốn Công ty Ngôi sao Phương Nam giá 1.920 tỉ đồng, và lãi 1.124 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng cũng chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng để mua các dự án mới. Trong đó, chi 17.194 tỉ đồng mua toàn bộ cổ phần Công ty Thành phố Xanh; chi 4.920 tỉ đồng mua Công ty cổ phần Delta. Cả 2 doanh nghiệp này đều sở hữu dự án bất động sản được Vingroup đánh giá là tiềm năng tại ngày mua.

Với giao dịch tại Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air, Vingroup từng mua 80% vốn doanh nghiệp này với tổng giá phí 1.040 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 14/1 vừa rồi, tập đoàn đã quyết định ngừng dự án vận tải hàng không này.

Tính trong cả năm 2019, Vingroup ghi nhận 130.036 tỉ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng gần 7% so với năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 15.637 tỉ đồng và 7.717 tỉ đồng, tăng lần lượt 13% và 24% so với năm trước.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Vingroup đạt 403.741 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 120.589 tỉ đồng, tăng tương ứng 40% và 22% so với cuối năm 2018.

Việt Dũng
Nguồn The Saigon Times