Dịch vụ giao hàng Đông Nam Á trước thời khắc bước ngoặt
Nhu cầu đối với dịch vụ giao hàng tăng không phanh tại châu Á do lệnh hạn chế di chuyển buộc nhiều người ở nhà hơn, khiến các công ty phải làm việc vất vả để đáp ứng.
Tại Thái Lan, cửa hàng tiện lợi 7-Eleven giao hàng qua ứng dụng smartphone tại 1.500 địa điểm trên cả nước, mở rộng từ thí điểm 100 cửa hàng tại Bangkok từ tháng 1/2020. CP All, công ty điều hành chuỗi cửa hàng này, có kế hoạch cung cấp dịch vụ tại 11.000 địa điểm và tuyển dụng 20.000 nhân viên chuyển phát.
Các cơ sở thương mại, ngoại trừ cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, đều đóng cửa từ ngày 22/3 tại thủ đô của Thái Lan. Do nhu cầu giao hàng tăng mạnh, CP muốn mở rộng dịch vụ để mọi người có thể mua hàng từ 7-Eleven nhiều nhất có thể.
Nhu cầu giao đồ ăn cũng tăng nhanh chóng. Tập đoàn bán lẻ Central Group đã đóng các trung tâm thương mại nhưng lại thành lập điểm giao nhận đặc biệt nơi các nhà hàng chuyển đơn cho nhân viên chuyển phát.
Trung tâm nghiên cứu Kasikorn dự đoán thị trường giao nhận ăn uống của Thái Lan có thể tăng 17%, đạt 1,22 tỷ USD trong năm nay, cao hơn dự báo ban đầu. Một chuyên gia cho rằng COVID-19 lây lan đã thúc đẩy tăng trưởng của thị trường.
Trong bối cảnh này, dịch vụ giao hàng tìm cách để hạn chế lây nhiễm. Grab và Foodpanda yêu cầu nhân viên đặt gói hàng trước cửa nhà hoặc tại một điểm thỏa thuận trước để không tiếp xúc trực tiếp với người nhận.
Các công ty khác trong khu vực Đông Nam Á cũng nhảy vào lĩnh vực giao hàng. Chẳng hạn, ứng dụng xe ôm công nghệ Angkas tại Philippines cho biết sẽ bắt đầu giao đồ ăn. Shopee, nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn Sea, liên tục cung cấp phiếu giao hàng miễn phí tại Malaysia. Shopee cũng áp dụng chính sách giao hàng vào ngày tiếp theo đối với các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay tại Kuala Lumpur.
Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại Shopee, cho biết công ty tập trung bảo đảm các mặt hàng liên quan tới sức khỏe, đồ dùng thiết yếu luôn có sẵn với khách hàng và sẽ áp dụng các biện pháp thích đáng để quản lý.
Đông Nam Á đang còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Thương mại điện tử mới chỉ chiếm 2% hoặc tương đương trong ngành bán lẻ Thái Lan và Indonesia, so với 23% tại Trung Quốc và 7% tại Nhật Bản. Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, thị trường thương mại điện tử tại 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực được dự đoán tăng gấp 4 lần từ năm 2019 tới 2025, đạt 153 tỷ USD, theo báo cáo của Google. Tuy nhiên, tăng trưởng thực sự có thể còn cao hơn khi nhiều người phải ở nhà.
Tuy nhiên, đại dịch không chỉ mang đến cơ hội. Chẳng hạn, tại Ấn Độ – nơi thương mại điện tử chỉ chiếm 5% ngành bán lẻ, các công ty như BigBasket, Grofers bắt đầu áp dụng chính sách mỗi người chỉ được mua 1 sản phẩm trong mỗi mục do nguồn cung và mạng lưới chuyển phát không thể theo kịp nhu cầu. BigBasket chứng kiến lượng đơn hàng tăng gấp đôi tại một số thành phố từ giữa tháng 3.
Ấn Độ đang thực hiện phong tỏa toàn quốc, phần lớn văn phòng, cửa hàng bị đóng cửa. Thực phẩm và thuốc là ngoại lệ nhưng nhiều xe tải chở hàng không được đi qua các điểm kiểm tra. Một số nhà kho bị yêu cầu đóng cửa. Do vậy, Flipkart – công ty thương mại điện tử thuộc sở hữu của Walmart – phải tạm thời dừng hoạt động.
Thái Lan chính thức ban bố trình trạng khẩn cấp từ 0h ngày 26/3, đồng nghĩa sẽ hạn chế mọi người đi lại nhiều hơn, trong khi Malaysia kéo dài thời gian hạn chế di chuyển. Không rõ các nhà bán lẻ trực tuyến có thể phục vụ được nhu cầu của người dùng hay không.
Du Lam - Theo Nikkei
Nguồn ICT News