Chiến lược phát triển kinh tế nhờ du lịch 'phá sản' vì Covid-19
Ngành du lịch một thời từng là niềm tự hào, là động lực phát triển của Việt Nam và các nước láng giềng châu Á nay đã hoàn toàn bị tê liệt, kéo theo những hệ lụy lớn cho những ngành nghề sản xuất dịch vụ “ăn theo” ngành công nghiệp không khói. Những hệ lụy này có thể sẽ khiến các nước trong khối phải cân nhắc, điều chỉnh trọng tâm chiến lược kinh tế.
Trong những năm gần đây, kinh tế của Việt Nam và nhiều láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Philippines, Singapore ngày càng có dấu hiệu phụ thuộc nhiều hơn vào ngành du lịch. Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới ước tính rằng trong khu vực Đông Nam Á, ngành du lịch mang lại lợi nhuận trực tiếp lớn nhất cho Campuchia và Thái Lan, đóng góp tương ứng 14% và 10% GDP của hai nước. Lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực cũng chủ động coi du lịch và những ngành nghề phụ trợ là một động lực chiến lược của sự phát triển kinh tế.
Riêng ở Việt Nam, du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 8% GDP năm 2019. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch hướng đến mục tiêu du lịch đóng góp trên 10% GDP và năm 2030 du lịch tăng trưởng gấp đôi hiện nay. Không chỉ vậy, chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn là nâng tầm vai trò du lịch tác động đến một loạt các ngành kinh tế khác, thậm chí là động lực kéo các ngành khác phát triển.
Chiến lược phát triển chung như vậy dần kéo các ngành kinh tế của Việt Nam cũng như những láng giềng trong khối ASEAN liên kết mật thiết hơn với ngành du lịch. Kèm theo đó là sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng du lịch để phù hợp với mục tiêu phát triển. Ngành du lịch Việt Nam cũng như nhiều nước khác cũng dần bị phụ thuộc vào một số thị trường khách truyền thống, trong đó đông đảo nhất là khách đến từ Trung Quốc.
Bài học từ nhiều nước trên thế giới cho thấy hiện tượng này có tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể kéo theo nhiều hệ lụy, khiến ngành “công nghiệp không khói” không thể phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ những âu lo nhưng du lịch dường như đã trở thành niềm tự hào chung. Viễn cảnh tốt đẹp của vùng kinh tế dịch vụ năng động nhờ trọng tâm du lịch – dịch vụ quá đỗi hấp dẫn. Điều đó khiến cho những nguy cơ như dịch bệnh COVID-19 lần này ít khi được xem xét, mổ xẻ nghiêm túc.
Hiện tại, niềm tự hào đó đang trở thành nỗi xót xa. Dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy Thái Lan và Campuchia có nhiều khả năng là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, kế đó là Việt Nam. Trong kịch bản xấu nhất mà ADB đưa ra vào đầu tháng 3-2020, các nước đang phát triển ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, có thể thất thu đến hơn 42 tỉ đô la, GDP trung bình có thể sụt giảm gần 0,5%.
Ở Đông Nam Á, các cơ quan nghiên cứu của Thái Lan đã đưa ra dự đoán tăng trưởng của nước này trong năm 2020 có thể là -0,5%, theo ASEAN Briefing. Dự báo này trùng khớp với báo cáo của ngân hàng Maybank Kim Eng (Malaysia), trong đó có đánh giá Singapore rất có thể cũng phải chịu tăng trưởng âm, với mức sụt giảm là 0.3%. Khu vực Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Trong đó, ảnh hưởng từ việc hạn chế đi lại với du lịch, dịch vụ và hàng không đóng vai trò quan trọng nhất.
Du lịch có thể cân nhắc về vấn đề đẩy nhanh việc giảm lệ thuộc vào một số nguồn khách truyền thống, tránh những rủi ro tiềm tàng, hướng đến nguồn khách bền vững hơn.
Ở Việt Nam, khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng và các ngành nghề phụ trợ.
Báo chí trong nước nhiều lần đánh giá con số thất thu của du lịch Việt Nam có thể lên đến con số 7 tỉ đô la trong vòng 3 tháng tới. Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch, khách sạn – nhà hàng cho rằng du lịch Việt Nam coi như đã đóng cửa cho đến ít nhất là tháng 8-2020.
Trên hết, đại dịch COVID-19 đến nay chỉ mới là giai đoạn đầu và các chuyên gia dịch tễ học cho rằng mùa Thu Đông rất có thể là thời điểm dịch tiếp tục bùng phát mạnh. Viễn cảnh ảm đạm là một chuyện, các chuyên gia kinh tế – xã hội đều cho rằng thế giới sẽ thay đổi rất nhiều, một cách quy mô và lâu dài sau dịch COVID-19.
Trong đó, đối với ngành du lịch, cái nhìn của du khách về những địa điểm ở châu Á ít nhiều sẽ có sự thay đổi, sau hàng loạt dịch bệnh, từ cúm gà, cúm heo và nay là cúm từ dơi. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và văn hóa ẩm thực sẽ được coi trọng nhiều hơn.
Chính phủ các nước sẽ phải hoạch định lại chiến lược về du lịch và phát triển kinh tế dựa vào du lịch. Những thay đổi cụ thể sẽ là chủ đề của nhiều cuộc bàn cãi phức tạp nhưng chí ít là nhiều phương án dự phòng sẽ được cân nhắc. Nhất là đẩy nhanh việc giảm lệ thuộc vào một số nguồn khách truyền thống, tránh những rủi ro tiềm tàng, hướng đến nguồn khách bền vững hơn.
Vũ Hoàng
Nguồn The Saigon Times