Du lịch tạm “nghỉ”, chờ ngày trở lại

Du lịch tạm “nghỉ”, chờ ngày trở lại

Cuối cùng, diễn biến xấu nhất cũng đã xảy ra. Những vị du khách quốc tế cuối cùng dần rời khỏi Việt Nam. Du lịch nội địa đình trệ. Hàng ngàn công ty lữ hành trên cả nước lao đao. Thời gian dự kiến để phục hồi sẽ có thể không còn được tính bằng vài tháng...

“Hôm nay, có 4 chuyến bay chở khách về nước. Tính cả lữ hành và khách sạn, có hơn 1.000 nhân viên mất việc, trước mắt là một tháng và thực sự là không biết bao giờ mới có thể trở lại”, một doanh nhân chuyên thị trường Nga buồn rầu nói với TBKTSG vào thứ Bảy ngày 21/3, một ngày trước khi Chính phủ tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài để ngăn dịch.

Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi guồng quay và cho đến thời điểm này, chẳng ai còn dám đưa ra dự đoán về diễn biến của dịch bệnh, của thị trường. Nhiều người, như vị doanh nhân hơn lục tuần vừa kể trên, đã mất ngủ nhiều ngày. Sau đêm 17/3 thức trắng để tìm cách dừng tour vì một ngày sau đó Chính phủ dừng cấp thị thực cho người nước ngoài, những ngày kế tiếp họ lại phải xoay xở với những thay đổi khác, như việc tạm dừng nhập cảnh.

Du lịch tạm “nghỉ”, chờ ngày trở lại

Ảnh: Đào Loan

Các kịch bản ứng phó phá sản

Quay lại chuyện hồi đầu tháng 2, trước thông tin về việc dịch bệnh có thể lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 2/2020 và vaccin ngừa loại virus này có thể sẽ được đưa ra không lâu sau đó, Tổng cục Du lịch đã lên hai kịch bản chính để ứng phó.

Kịch bản thứ nhất, dịch sẽ kết thúc vào tháng 3, các hoạt động truyền thông xúc tiến bắt đầu từ tháng 4. Với kịch bản này, ngành du lịch có thể thúc đẩy thị trường nội địa từ tháng 5, doanh nghiệp có thể xúc tiến thêm các tour du lịch ra nước ngoài để bù đắp những tổn thất từ đầu năm.

Kịch bản thứ hai, khách quốc tế có thể quay lại từ tháng 6 và sẽ tăng trưởng trở lại vào mùa đông khách từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 4 năm sau.

Nhưng hiện tại, hai kịch bản trên đã phá sản. Những kế hoạch tiếp thị, trong đó có kế hoạch dùng chặng đua F1, dự định sẽ tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng tới làm điểm nhấn cho các hoạt động quảng bá, giúp thu hút khách đến sau dịch, đã không thể thực hiện được.

“F1 đã hoãn tổ chức, dịch bệnh diễn biến khác hơn nên mọi kế hoạch phải điều chỉnh lại”, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch, nói.

Trước những thay đổi dồn dập như ngừng cấp thị thực, dừng hàng loạt đường bay quốc tế và cuối cùng là dừng nhập cảnh thì ngay cả kế hoạch dự phòng về khả năng dịch kết thúc vào mùa hè để du lịch thực hiện các hoạt động nhằm có thể đón khách trở lại vào quí 4 này cũng gần như phá sản. Số ca nhiễm trong nước đã tăng rất nhanh so với hồi đầu dịch khiến Chính phủ phải liên tục đưa ra biện pháp mới, thắt chặt hơn để ứng phó. Ở nước ngoài, tình hình cũng rất trầm trọng nên không ai dám chắc đến khi nào du lịch có thể bắt đầu trở lại.

Du lịch tạm “nghỉ”, chờ ngày trở lại

Hàng loạt chuyến bay quốc tế bị đình trệ bởi chỉ thị của Chính phủ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường.

“Từ giờ đến hết tháng 4/2020, chúng tôi không có một vị khách nào. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm làm du lịch mới xảy ra tình trạng như thế này”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Asian Trails Co., LTD nói.

Tuy nhiên, doanh nhân này cho rằng cũng còn khá may mắn vì đã đưa được những du khách cuối cùng rời Việt Nam trước khi hàng loạt chuyến bay quốc tế đình trệ. Nhiều công ty khác phải xoay xở khắp nơi, phải đưa khách từ Bắc vào Nam và chờ đợi nhiều ngày mới tìm được chuyến bay cho khách trở về.

“Sáu khách Pháp của chúng tôi phải chờ từ ngày 18/3 đến tối 23/3 mới có thể lên máy bay về nhà”, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel, nói. Ông cho biết do Vietnam Airlines dừng bay đến Pháp nên công ty phải liên hệ rất nhiều hãng, cuối cùng mới mua được vé của Eva Air cho khách quay lại Pháp. Cho đến thời điểm hiện tại, việc kinh doanh đã đóng hoàn toàn.

Chịu đựng được bao lâu?

Đến thời điểm này, các thị trường đã đóng băng, hàng loạt khách sạn đóng cửa, hàng ngàn công ty lữ hành đã tạm ngưng hoạt động. “Chúng tôi chưa thống kê được con số cụ thể nhưng hầu hết công ty đã trắng khách và phải tạm dừng hoạt động”, một quan chức của Tổng cục Du lịch nói vào cuối tuần rồi.

Quan chức này chưa trả lời câu hỏi là doanh nghiệp có thể chịu đựng được trong bao lâu nhưng ghi nhận từ thị trường của TBKTSG cho thấy, sẽ không quá lâu. Một số doanh nghiệp cho biết, những công ty nhỏ mới mở, vừa đầu tư chưa kịp có lãi đã không thể cầm cự. Những công ty có quy mô lớn, nhân sự nhiều nhưng đầu tư dàn trải, không kịp thời cải thiện dòng tiền đã lâm nguy sớm. Số khác đang chọn cách đóng băng, dừng “vùng vẫy” tìm cách cải thiện tình trạng kinh doanh để bảo tồn lực lượng, chờ quay lại thị trường khi hết dịch.

Những công ty nhỏ mới mở, vừa đầu tư chưa kịp có lãi đã không thể cầm cự. Những công ty có quy mô lớn, nhân sự nhiều nhưng đầu tư dàn trải, không kịp thời cải thiện dòng tiền đã lâm nguy sớm...

“Trước Tết Nguyên đán hơn một tuần, lúc dịch bệnh bắt đầu tác động đến du lịch, chúng tôi đã thu được hơn một trăm tỉ đồng tiền bán tour. Nhờ đó, dù có hoãn, hủy tour nhưng chúng tôi vẫn có nguồn tiền để xoay xở, dĩ nhiên là phải đàm phán rất nhiều với đối tác”, Tổng giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM nói.

Theo ông, công ty đã dừng rất nhiều hoạt động kinh doanh trong gần hai tháng qua để tránh rủi ro. Trước mắt, doanh nghiệp vẫn đảm bảo được đời sống cơ bản của nhân viên và có thể chịu đựng tình trạng doanh số gần như bằng không như thế này trong khoảng sáu tháng.

CEO của một tập đoàn lớn kinh doanh nhiều dịch vụ du lịch và có liên quan đến du lịch cho biết, nhờ sớm cải thiện dòng tiền, công ty có thể chịu đựng được trong vòng 12 tháng. Dĩ nhiên là tập đoàn này phải thực hiện các hành động như giảm lương, cho nghỉ luân phiên, cắt giảm các chi phí khác và tạm ngừng hoạt động một số khách sạn, công ty lữ hành không có khách.

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, hiện khó trả lời chính xác là công ty có thể chịu đựng được trong bao lâu nhưng đang cố gắng kéo thời gian lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm chi phí và tìm thêm nguồn thu nhập tạm thời cho nhân viên.

Bắt đầu từ tháng này, tất cả cán bộ quản lý đã giảm lương, nhận cùng một mức lương với nhân viên để góp phần duy trì quỹ lương. Ban tổng giám đốc cũng làm việc với nhiều đối tác để nhân viên có thể bán thêm các dịch vụ như bảo hiểm hay những gói sản phẩm khác để có thêm thu nhập. Những nhân viên vẫn còn bán được một số dịch vụ du lịch trong mùa dịch bệnh cũng sẽ được hưởng trọn phí dịch vụ.

“Tình hình ngày càng khó nên mức lương sẽ lại phải điều chỉnh tiếp từ tháng sau, nhưng hiện tại đã có gần 100 nhân viên đăng ký làm việc không lương để cùng duy trì công ty”, ông nói.

Du lịch đã trở thành một nhu cầu gần như thiết yếu với nhiều người. Đại dịch COVID-19 làm nhu cầu này bị nén lại sẽ bùng lên nhanh chóng khi hết dịch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Toản cho biết công ty ông có thể kéo dài thời gian chịu đựng được trong khoảng 9 tháng nếu thực hiện đúng kế hoạch ứng phó với khó khăn.

Theo đó, trong tháng tới Image Travel sẽ vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên. Đến tháng 5 sẽ giảm 50%, tháng kế tiếp giảm 70%... Thêm vào đó, tất cả các chi phí sẽ được giảm đến tận đáy bằng hàng loạt biện pháp, bao gồm cả làm việc trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí điện, nước, đi lại.

“Chúng tôi đã không còn khách. Tình trạng này không biết kéo dài trong bao lâu nhưng hiện tại vẫn làm việc bao gồm làm lại sản phẩm và đào tạo nhân lực để chuẩn bị quay lại khi hết dịch”, ông nói.

Theo ông, động lực quan trọng để vượt qua khó khăn là lòng tin vào việc thị trường sẽ phục hồi sau dịch. Du lịch đã trở thành một nhu cầu gần như thiết yếu với nhiều người. Đại dịch COVID-19 làm nhu cầu này bị nén lại sẽ bùng lên nhanh chóng khi hết dịch, hàng không vận hành trở lại, các biên giới mở cửa. “Có thể sau dịch nguồn tiền sẽ ít hơn nên du khách sẽ tiết kiệm hơn, chi tiêu ít hơn, đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị các sản phẩm thích hợp để đáp ứng, tuy nhiên thị trường sẽ phục hồi”, ông nói.

Đào Loan
Nguồn The Saigon Times