Nhờ "không bỏ trứng vào một giỏ", Thế Giới Di Động đã vượt qua giai đoạn khó khăn đầu năm 2020

Nhờ không bỏ trứng vào một giỏ, Thế Giới Di Động đã vượt qua giai đoạn khó khăn đầu năm 2020

Hai tháng đầu năm 2020, ngành di động không tăng trưởng nhưng một phần nhờ Bách hoá Xanh, Thế giới Di động vẫn giữ được con số kinh doanh như ý.

Mô hình đa ngành giúp kết quả kinh doanh khá tốt trong giai đoạn khó khăn

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm 2020, Thế giới Di động (HoSE: MWG) đạt doanh thu thuần hợp nhất 20.541 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và lợi nhuận sau thuế đạt 845 tỷ đồng (tăng trưởng 16%) so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả kinh doanh kép này giúp tháng 1/2020 - rơi vào tháng Tết, thường có doanh thu cao - "cứu" cho kết quả kinh doanh tháng 2 vốn thường không tốt do vào mùa thấp điểm.

Để đạt được mức tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này, công ty cho biết nhờ hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh duy trì được tổng doanh số tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 và sự đóng góp tích cực từ chuỗi Bách hoá Xanh.

Cụ thể là, đóng góp doanh thu từ chuỗi Bách hoá Xanh có sự tăng trưởng mạnh, từ mức 5% thời điểm tháng 1/2019 lên tới 16% vào tháng 2/2020. Doanh thu chuỗi này tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh các mặt hàng công nghệ và điện máy đang không được ưu tiên mua sắm trong giai đoạn hiện nay, MWG rõ ràng cảm nhận được sự đóng góp ban đầu của chuỗi bách hoá - vốn là mảng kinh doanh trái ngành của họ - vào doanh thu tổng của công ty.

Nhờ không bỏ trứng vào một giỏ, Thế Giới Di Động đã vượt qua giai đoạn khó khăn đầu năm 2020

Một mặt bằng bao gồm tất cả các chuỗi hiện tại của MWG: Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách hoá Xanh, nhà thuốc An Khang, Điện thoại Siêu rẻ. Ảnh: Hải Đăng

Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và chủ tịch HĐQT MWG, từng ví von chuỗi Bách hoá Xanh đang trong giai đoạn thai nghén và mở rộng, như một “đứa em” trong gia đình, cần được hai chuỗi “đàn anh” là Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh nuôi nấng thành tài. Một khi các đứa em ra trường, đi làm, sẽ cùng các anh nuôi những đứa em khác.

Việc hình thành một chuỗi bán lẻ đa ngành cũng bắt đầu có tác dụng với Thế giới Di động trong giai đoạn hiện tại. Khi các mặt hàng điện tử, công nghệ không được ưu tiên mua sắm, người dân đổ sang mua các mặt hàng thiết yếu, thì chuỗi Bách hoá Xanh bắt đầu đóng góp doanh thu cho tập đoàn. Cuối cùng, khách hàng nếu hạn chế bỏ tiền cho Thế giới Di động hay Điện máy Xanh và chuyển sang cho Bách hoá Xanh, cuối cùng tiền cũng sẽ về tay hệ thống bán lẻ đa ngành này!

Lần đầu tiên mảng di động tăng trưởng 0%, MWG cần Bách hoá Xanh “trợ giúp”

Hai tháng đầu năm 2020, MWG lần đầu tiên ghi nhận doanh thu chuỗi điện thoại không tăng so với cùng kỳ. Hai chuỗi Thế giới Di động và Điện thoại Siêu rẻ có tổng cộng 1.015 cửa hàng nhưng đóng góp doanh thu chỉ 28,8%, lần đầu tiên không tăng trưởng.

Chuỗi Thế giới Di động hiện bán điện thoại và các phụ kiện liên quan, cùng với laptop. Trong khi đó, Điện máy Xanh là mô hình lớn hơn của chuỗi Thế giới Di động, bán thêm điện máy, điện tử, đồ gia dụng...

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị trường smartphone tại Việt Nam năm 2019 không tăng trưởng. Dù vậy, Thế giới Di động vẫn duy trì được mức tăng cao hơn so với thị trường, thường xuyên ở mức 5% trở lên. Tuy nhiên tháng 1, tháng 2 năm 2020 chuỗi Thế giới Di động không tăng trưởng, cho thấy thời kỳ khó khăn của chuỗi bán lẻ di động đang bắt đầu.

Trong khi đó, chuỗi Điện máy Xanh đang có 1.028 cửa hàng, đóng góp doanh thu lớn nhất (58,6%) cho toàn chuỗi. Điều này nhờ nhóm điện lạnh và gia dụng tăng trên 15%. Đặc biệt, ngành hàng máy tính xách tay ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ.

Nhờ không bỏ trứng vào một giỏ, Thế Giới Di Động đã vượt qua giai đoạn khó khăn đầu năm 2020

Bách hoá Xanh hiện tại là “trụ cột” trong gia đình Thế giới Di động.

Từ việc đóng góp doanh thu chỉ 5% một năm trước, hai tháng đầu năm nay chuỗi “đàn em” Bách hoá Xanh đã đóng góp gần 15% doanh thu cho cả MWG. Điều này cho thấy Bách hoá Xanh đang dần có vai trò quan trọng trong bối cảnh chuỗi di động đang không tăng.

Nếu nói theo kiểu ví von của ông Nguyễn Đức Tài thì người em đang học đại học có vẻ đang làm thêm khá tốt để bù cho hai ông anh không đang trong giai đoạn kinh doanh tốt nhất.

Trước đó, trong buổi họp với các nhà phân tích hồi tháng trước, ông Trần Kinh Doanh - CEO Bách hoá Xanh - cho biết hiện nay chuỗi này đang tiếp tục mở rộng nên chưa thể mang lợi nhuận về cho tập đoàn.

“Tuy nhiên nếu như hai người anh Thế giới Di động và Điện máy Xanh nói không thể chu cấp cho em đi ăn học nữa thì Bách hoá Xanh sẽ ngưng việc mở rộng, khi đó tôi tin sẽ có lợi nhuận ngay thôi”, ông Doanh nói.

Trong chiến lược kinh doanh thời gian tới, MWG cho biết chủ động chậm lại kế hoạch mở rộng, tuy nhiên vẫn ưu tiên mở các cửa hàng Bách hoá Xanh đã chuẩn bị mặt bằng và nhân sự từ trước.

Xuất phát từ chuỗi cửa hàng bán điện thoại, MWG tăng trưởng nhanh chóng và sớm mở rộng hơn so với các chuỗi đối thủ. Sau khi đứng số 1 với chuỗi Thế giới Di động, MWG mở hệ thống Điện máy Xanh, sau đó tiếp tục mở chuỗi không thuộc thế mạnh là Bách hoá Xanh, đồng thời thâu tóm chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang (và đổi tên thành An Khang). Chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” này đang phát huy tác dụng trong giai đoạn hiện nay khi dòng tiền người dân đang đổ sang các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Hải Đăng
Nguồn ICT News